Ninh Thuận - 2 năm chật vật chống hạn
(Dân trí) - Huyện Bác Ái là một trong những huyện thiệt hại do hạn hán nhiều nhất tỉnh Ninh Thuận. 2 năm qua, bà con chật vật chống hạn nhưng nhiều diện tích không thể canh tác từ năm 2014 đến nay vì quá hạn.
Để hiểu rõ hơn về thiệt hại do hạn và công tác chống hạn tại huyện Bác Ái, phóng viên Dân trí đã có cuộc trao đổi cùng ông Mẫu Thái Phương, Chủ tịch UBND huyện Bác Ái.
Xin ông cho biết khái quát những thiệt hại mà huyện đã phải gánh chịu do hạn hán trong thời gian qua?
Phải nói rằng, Bác Ái (Ninh Thuận) là một trong những địa phương chịu thiệt hại nặng nề của biến đổi khí hậu lớn, nhất là năm 2015. Kể từ cuối năm 2014 đã không mưa rồi và từ đó đến nay đã 6 vụ không sản xuất được, mỗi vụ khoảng 3 tháng. Như vậy, năm 2015 hầu như đã không sản xuất được, 9/9 xã đã chịu thiệt hại rất lớn.
Tình hình hạn hán đã ảnh hưởng lớn đến đời sống dân sinh, gây thiếu nước sinh hoạt, đình trệ sản xuất. Sản xuất Vụ Đông Xuân 2014-2015 đã thiệt hại 528 ha. Vụ Hè Thu không có nước để sản xuất; chết 505 con gia súc.
Trước những thiệt hại lớn như kể trên, địa phương đã hỗ trợ cho người dân như thế nào?
Năm 2015 vừa qua là một năm hạn hán khốc liệt. Nắng hạn đã làm cho dung tích các hồ chứa trên địa bàn xuống thấp, các sông suối trên địa bàn hầu như khô cạn.
Ngay từ cuối năm 2014, Huyện Bác Ái đã tập trung chỉ đạo công tác phòng chống hạn hán, xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm và huy động cả hệ thống chính trị tham gia vào cuộc một cách quyết liệt.
Đồng thời, sự hỗ trợ kịp thời của Chính phủ với số tiền 22,86 tỷ đồng. Huyện đã phân bổ cho các xã, các đơn vị thực hiện hỗ trợ, khắc phục thiệt hại như cấp nước sinh hoạt cho người dân, đào ao lấy nước cho gia súc, mua bồn chứa nước cho các đơn vị trường học, hỗ trợ thiệt hại cho sản xuất; hỗ trợ gạo cứu đói...
Là một địa phương đã quá thấm thía với những thiệt hại mà hạn hán đem lại, Bác Ái đã có những phương án chủ động nào trong năm 2016 nhằm giảm thiểu thiệt hại cho người dân không?
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, hiện tượng El Nino có khả năng tiếp tục xảy ra trong năm 2016, nắng nóng kéo dài, mùa mưa đến muộn và kết thúc sớm; dự báo hạn kép có thể tiếp tục xảy ra trên địa bàn.
Đối với huyện Bác Ái, dung tích hồ chứa nước của toàn huyện được thiết kế với 82 triệu m3, hiện nay chỉ hơn 29 triệu m3, chiếm khoảng 34% dung tích. So với năm trước thì tăng hơn 10%. Nhất là đối với hồ Sông Sắt, hồ có dung tích lớn nhất huyện với dung tích 69 triệu m3, giờ còn 18 triệu m3 nhưng lượng gió và nắng nóng đang diễn ra như hiện nay sẽ khiến cho hồ nước dễ bốc hơi. Trong khi đó, dự báo đến tháng 6 năm nay mới có mưa nhưng riêng huyện Bác Ái thì rất khó, có thể kéo đến tháng 9 mới có mưa.
Trong năm 2016, huyện đã chỉ đạo báo sát cơ sở, cử các anh em đi cơ sở để nắm bắt tình hình. Đồng thời, huyện cũng xây dựng phương án chống hạn với các điểm chính như: Tập trung ưu tiên, đảm bảo nguồn nước uống, sinh hoạt cho người dân, nước uống cho gia súc. Rà soát và thường xuyên kiểm tra các công trình cấp nước sinh hoạt trên địa bàn huyện, có phương án đảm bảo nguồn nước uống, nước sinh hoạt cho từng thôn, từng cụm dân cư; Bố trí nguồn nước của các hồ chứa thả xuống các kênh tự nhiên cho gia súc uống, gắn với đào các ao chứa dọc các kênh tự nhiên, các ao chống hạn dọc các tuyến kênh, vừa tích nước sản xuất, cho gia súc uống và nuôi trồng thủy sản.
Về sản xuất: Chỉ thực hiện sản xuất khi đảm bảo nguồn nước phục vụ cho sản xuất (sau khi tính toán đảm bảo nguồn nước cấp cho các nhà máy nước, cho gia súc uống); thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây trồng cạn...
Nếu như hạn hán tiếp tục và diễn ra khốc liệt hơn so với năm 2015, huyện có phương án nào hỗ trợ cho người dân để đảm bảo cuộc sống không, thưa ông?
Trong điều kiện hạn hán diễn ra gay gắt, huyện tập trung huy động, động viên người dân trong huyện phát huy nội lực, vượt qua khó khăn.
Huyện cũng đã lên các kế hoạch hỗ trợ cho dân như: Đề nghị Trung ương tiếp tục hỗ trợ thứ nhất cứu đói giáp hạt. Trong điều kiện hạn hán không thể sản xuất, đề nghị hỗ trợ gạo cứu đói cho người dân, hỗ trợ trực tiếp trên tinh thần đảm bảo không để dân đói, khát do thiếu nước.
Về lâu dài, hướng dẫn bà con chuyển đổi, nhất là hỗ trợ các giống chịu hạn, hai nữa là trồng cỏ cho gia súc. Hướng của huyện sẽ chuyển đổi về nông nghiệp, nhất là chăn nuôi. Đây là chuyển đổi lớn và huyện sẽ tập trung chỉ đạo trong thời gian tới.
Xin cảm ơn ông!
Quốc Phan