NGO và báo giới bàn kế hoạch truyền thông biến đổi khí hậu

(Dân trí) - Rất nhiều thách thức đang được đặt ra trong chiến dịch truyền thông biến đổi khí hậu (BĐKH), lĩnh vực đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ và cam kết sâu rộng hơn giữa giới báo chí và tổ chức phi chính phủ (NGO).

Một kế hoạch hành động hợp tác giữa hai bên đã được đưa ra nhằm giải quyết những thách thức này.

Mạng lưới các tổ chức phi chính phủ về BĐKH đã tổ chức một cuộc đối thoại về hợp tác truyền thông ứng phó biến đổi khí hậu tại Hà Nội ngày 23 tháng 7, thu hút sự tham gia đông đảo của đại diện đến từ các NGO như Plan, Live & Learn, Care, Oxfam…cùng nhiều nhà báo.

Buổi thảo luận hết sức sôi nổi, trong đó đại diện NGO và các cơ quan báo chí, phát thanh truyền hình, tập trung chỉ rõ tại sao truyền thông về ứng phó BĐKH còn hạn chế, còn nhiều lỗ hổng.

Cơ chế trao đổi thông tin còn lỏng lẻo

Một trong những thách thức nổi bật của việc hợp tác giữa NGO và cơ quan báo chí trong truyền thông BĐKH là cơ chế phối hợp chia sẻ thông tin còn yếu do hạn chế về kỹ năng và kiến thức của giới truyền thông.

Chị Linh, Ban Khoa giáo Đài truyền hình Việt Nam, chia sẻ, trong quá trình sản xuất các chương trình môi trường, chị và các đồng nghiệp thường gặp khó khăn trong việc liên hệ với các tổ chức phi chính phủ để lấy thông tin. Họ thường phải tự tìm hiểu thông tin thông qua mối quan hệ cá nhân để thực hiện chương trình.

Chị Thùy Anh, cán bộ truyền thông của Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) cho rằng thiếu thông tin về biến đổi khí hậu cũng là một lỗ hổng trong việc tuyên truyền BĐKH đối với các nhà báo. Bên cạnh đó, nhiều nhà báo chưa thực sự tích cực tham gia vào công việc này.

Mặc dù tham gia các chuyến đi thực tế trong vòng 3-4 hôm hoặc dài hơn, nhưng nhiều nhà báo chỉ viết được một cái tin ngắn. Nhiều bài báo đề cập đến thiệt hại của hiện tượng thời tiết thất thường như lũ lụt ở miền Trung, nhưng chưa chỉ ra được mối liên hệ giữa chúng và biến đổi khí hậu. Việc phân tích vấn đề không thấu đáo sẽ cản trở hậu quả truyền thông tới người dân.

Thực tế cho thấy, ở các vùng quê, hầu hết người dân chưa được trang bị các kiến thức về biến đổi khí hậu. Khi đối mặt với thiên tai, họ chỉ biết kêu “ông trời”, nhưng không biết đó chính là hậu quả của BĐKH và các hoạt động gây ô nhiễm môi trường của họ là một trong những nguyên nhân chính.

Bên cạnh đó, cả nhà báo và phía NGO đều thiếu hụt kỹ năng truyền tải thông tin ra bên ngoài để thông tin mang tính khoa học thành ngôn ngữ đời sống, phù hợp với người dân.

Trong một cuộc thảo gần đây về BĐKH cho các cơ quan báo chí Đồng bằng sông Cửu Long, một số nhà báo thừa nhận báo họ có nhiều “đất” để cho mục BĐKH, nhưng họ chỉ sử dụng được phần nào các thông tin từ NGO cung cấp vì chúng quá khó hiểu, thông tin ở dạng số liệu, bản thân họ cũng khó hiểu huống chi cung cấp cho cộng đồng.

Một vị đại diện của tổ chức Chellenge to Change thừa nhận: ngân sách cho BĐKH của các tổ chức NGO còn rất hạn hẹp nên cũng hạn chế để hỗ trợ các nhà báo tham gia vào các hoạt động của mình. Rất ít các dự án có sự tham gia của nhà báo ngay từ ban đầu, để đi sâu vào quá trình thực hiện. Các NGO khi thiết kế dự án cũng chưa đưa ngân sách cho truyền thông vào.

Kế hoạch hành động

Sau cuộc thảo luận nôi nổi, đại diện hai bên đã thống nhất đưa ra một kế hoạch hành động cho phối hợp truyền thông BĐKH bao gồm: tổ chức các cuộc họp thường kỳ có thể là trực tuyến, hoặc các hội thảo; tổ chức các chuyến đi thực địa và tổ chức tập huấn BĐKH cho cả nhà báo và các tổ chức NGO.

Các nhóm đã đề xuất cử một điều phối viên cho hoạt động của diễn đàn. Trong khi đó, tập huấn truyền thông nên tập trung vào các sáng kiến, mô hình cho BĐKH, khuyến khích sáng kiến của người dân. Tổ chức các chuyến đi thực tế cần được kèm với các sự kiện khí hậu như môi trường thế giới, ngày năng lượng, ngày rừng của thế giới gắn với từng dự án cụ thể.

Các tổ chức phi chính phủ cần lập ngân sách cho hoạt động truyền thông về biến đổi khí hậu để tăng cường hiệu quả của dự án.

Nam Hằng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm