Nếu bão giật cấp 14, Cà Mau phải di dời trên 360.000 người
(Dân trí) - Nếu xảy ra trường hợp bão mạnh cấp 12, cấp 13, giật cấp 14, cấp 15 đổ bộ vào bờ, theo thống kê tổng diện tích ngập sâu ở một số vùng của tỉnh Cà Mau là 213.949 ha thì phải tiến hành di dời, sơ tán trên 360.000 người.
UBND tỉnh Cà Mau vừa phê duyệt “Phương án ứng phó với bão mạnh, siêu bão” trên địa bàn tỉnh nhằm chủ động nâng cao khả năng ứng phó với thiên tai cho chính quyền địa phương và cộng đồng dân cư cũng như hạn chế tối đa thiệt hại đến tính mạng con người và tài sản.
Trong phương án, Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh Cà Mau cho biết, tỉnh Cà Mau là một tỉnh ven biển, có chiều dài bờ biển 254 km, tiếp giáp cả biển Đông và biển Tây (Vịnh Thái Lan). Vùng biển của tỉnh rộng khoảng 80.000 km2; có 2 cụm đảo và 6 huyện giáp biển với 20 xã và 3 thị trấn nằm ven biển.
Theo Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh đánh giá, trong những năm gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, tình hình thời tiết diễn biến bất thường, không tuân theo quy luật, các hiện tượng giông tố, lốc xoáy, sét xảy ra nhiều hơn và phạm vi ảnh hưởng ngày càng lớn hơn. Nguy hiểm hơn, bão mạnh và bão rất mạnh đã và đang có chiều hướng gia tăng và xuất hiện ở vĩ độ thấp, đường đi và diễn biến của bão ngày càng phức tạp, khó lường, ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh ĐBSCL, trong đó có tỉnh Cà Mau.
Do đặc thù điều kiện tự nhiên của tỉnh Cà Mau là người dân thường sinh sống tập trung ven các sông và dọc theo các tuyến kênh, cuộc sống chủ yếu là sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản, mức sống trung bình, nhà ở chủ yếu là nhà bán kiên cố và nhà cấp 4, nên khi bão mạnh đổ bộ trực tiếp trên địa bàn gây thiệt hại rất lớn về tài sản và nhà cửa của người dân.
Điển hình là cơn bão LinDa năm 1997 đã đổ bộ vào Cà Mau làm chết 1.292 người, bị thương 601 người, sập hoàn toàn 84.059 căn nhà, hư hỏng 78.967 căn nhà, phương tiện đánh bắt thủy sản bị hư hỏng và chìm 666 phương tiện, thiệt hại 63.724 ha rừng các loại, diện tích đất sản xuất nông nghiệp thiệt hại hoàn toàn 14.620ha và thiệt hại từ 50 – 75 % là 62.987ha...
Qua thống kê tình hình thiên tai đã xảy ra trên địa bàn tỉnh, tính từ năm 2010 đến năm 2014 đã làm chìm 135 phương tiện đánh bắt thủy sản, chết 20 người, mất tích 2 người và bị thương 8 người; sập hoàn toàn 768 căn nhà, tốc mái 1.892 căn nhà, hư hỏng 54 căn nhà; sập 8 chòi canh đáy hàng khơi; sạt lở đất cục bộ ven sông dài 4.744m, hư hỏng 2 bờ kè; triều cường nước dâng làm tràn 1.124.842m bờ bao, ảnh hưởng 45.417,5 ha đất nuôi tôm...với tổng thiệt hại ước tính gần 90 tỷ đồng.
Theo Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Cà Mau xác định, từ tình hình trên, để chủ động phòng tránh bão đổ bộ, hạn chế tối đa thiệt hại đến tính mạng con người, tài sản của nhà nước và nhân dân, tỉnh xây dựng phương án ứng phó với bão mạnh, siêu bão nhằm chủ động nâng cao khả năng ứng phó với thiên tai cho chính quyền địa phương và cộng đồng dân cư theo phương châm “chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương có hiệu quả”, trong đó lấy phòng là chính.
Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Cà Mau nhận định, thời điểm bão ảnh hưởng tới các tỉnh Nam bộ nói chung và tỉnh Cà Mau nói riêng thường vào thời kỳ cuối năm (từ tháng 10 đến tháng 12 và tháng 1 năm sau). Thời điểm này trùng với mực nước triều cao nhất trong các tháng 10, 11, 12 và tháng 1 năm sau tại Cà Mau là 1,67m (vùng biển phía Đông) và 1,03m (vùng biển phía Tây). Do đó, nguy cơ ngập lụt do bão phụ thuộc vào độ lớn của thủy triều tại thời điểm bão đổ bộ vào đất liền.
Phương án được xây dựng trên cơ sở các tình huống bão mạnh, siêu bão trên địa bàn tỉnh Cà Mau với tình huống bão mạnh, siêu bão đi từ biển Đông đổ bộ trực tiếp vào tỉnh Cà Mau hoặc tỉnh Cà Mau nằm trong vùng chịu ảnh hưởng của bão mạnh, siêu bão; Bão trên biển Đông ở cấp 13, gió giật mạnh cấp 15-16; Bão mạnh đổ bộ vào đất liền từ cấp 10, cấp 11, gió giật mạnh cấp 12-13…
Để đảm bảo cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo phòng chống bão trên địa bàn tỉnh Cà Mau được chia ra làm 5 khu vực, trong đó Trung tâm chỉ huy chính đặt tại UBND tỉnh với Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng Ban chỉ huy. 5 khu vực gồm: khu vực TP Cà Mau (trung tâm chỉ huy tại UBND TP), khu vực huyện U Minh và Thới Bình (lấy huyện U Minh làm trung tâm chỉ huy), khu vực huyện Trần Văn Thời và huyện Phú Tân (lấy huyện Trần Văn Thời làm trung tâm chỉ huy), khu vực huyện Đầm Dơi và huyện Cái Nước (lấy huyện Đầm Dơi làm trung tâm chỉ huy), khu vực huyện Năm Căn và huyện Ngọc Hiển (lấy huyện Năm Căn làm trung tâm chỉ huy). Các khu vực đều phân công người chỉ huy, các thành viên và lực lượng tham gia với nhiều thành phần khoảng từ 400- 800 người cũng như trang bị nhiều phương tiện các loại.
Phương án cũng đặt ra một số tình huống, hoạt động theo trạng thái của bão, cụ thể như: Bão hoạt động gần biển Đông (vị trí bão hoạt động gần biển Đông và có khả năng di chuyển vào biển Đông trong 48 giờ tới), bão trên biển Đông (vị trí tâm bão nằm trên biển Đông vượt qua kinh tuyến 1200 cách điểm gần nhất thuộc bờ biển đất liền Việt Nam trên 1000km và có khả năng di chuyển về phía đất liền Cà Mau trong 48 giờ tới hoặc vị trí tâm bão cách bờ biển Cà Mau từ 500- 1000km và chưa có khả năng di chuyển về phía đất liền Việt Nam trong 48 giờ), bão gần bờ (vị trí tâm bão cách bờ biển tỉnh Cà Mau từ 500 đến 1.000 km và có khả năng di chuyển về phía đất liền Cà Mau trong 48 giờ tới hoặc vị trí tâm bão cách bờ biển Cà Mau từ 300 đến dưới 500 km và chưa có khả năng di chuyển về phía Cà Mau trong 48 giờ tới), bão khẩn cấp (vị trí tâm bão cách điểm gần nhất thuộc bờ biển đất liền tỉnh Cà Mau dưới 300 km hoặc vị trí tâm bão cách điểm gần nhất thuộc bờ biển đất liền tỉnh Cà Mau từ 300 đến 500 km và có khả năng di chuyển về phía đất liền tỉnh Cà Mau trong 48 giờ tới).
Với các tình huống của từng trạng thái trên, phương án cũng nêu rõ trách nhiệm xử lý của Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn các ngành, các cấp; trách nhiệm của các Sở, Ban ngành và địa phương; trách nhiệm của chủ phương tiện, thuyền trưởng và ngư dân; Trách nhiệm của cộng đồng dân cư;…trong việc thường xuyên theo dõi các bản tin dự báo, cảnh báo và chủ động thực hiện các biện pháp ứng phó cũng như các công tác triển khai thực hiện trong thời gian bão đổ bộ, công tác triển khai thực hiện sau khi bão đi qua…
Theo dự kiến, với tình huống bão gần bờ, cường độ gió dưới cấp 10 thì tổng số dân cần di dời là 18.635 hộ/85.399 người. Trường hợp bão mạnh có cường độ gió cấp 10, cấp 11, giật cấp 12, cấp 13 đổ bộ vào bờ, tổng số dân cần di dời tại chỗ và sơ tán là 351.790 người (sơ tán đi nơi khác 118.648 người). Còn với trường hợp bão mạnh cấp 12, cấp 13, giật cấp 14, cấp 15 (bão mạnh, siêu bão) đổ bộ vào bờ, dựa trên cơ sở bản đồ độ sâu ngập gây bởi nước dâng (bão cấp 12, cấp 13) thì độ ngập sâu ở một số vùng của tỉnh Cà Mau ngập từ 1,5m đến 2m, có nơi ngập đến 2,5m. Theo thống kê tổng diện tích ngập (ứng với cấp gió bão và bản đồ ngập do nước biển dâng do bão cấp 12, cấp 13) là 213.949 ha, phải tiến hành di dời, sơ tán 360.168 người.
Với phương án này, UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị, cơ quan trong chỉ đạo, điều hành ứng phó bão cần tập trung lực lượng, phương tiện ứng cứu hiệu quả các khu vực xung yếu, di dời dân đến nơi an toàn để tránh xảy ra thiệt hại về người, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về tài sản.
Huỳnh Hải
(huynhnhathai@dantri.com.vn)