Nạn buôn lậu động vật hoang dã hoành hành khắp Đông Nam Á

(Dân trí) - Tình hình buôn bán động vật, thực vật hoang dã trái phép qua các cửa khẩu quốc tế ngày càng trở nên phổ biến. Mạng lưới tội phạm đang tranh thủ thời cơ khi năng lực thực thi pháp luật tại các cửa khẩu trong toàn khu vực ASEAN còn hạn chế.

Đó là nhận định của Tiến sỹ Hà Công Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp - Giám đốc CITES Việt Nam về thực trạng buôn bán động, thực vật hoang dã hiện nay ở khu vực Đông Nam Á. Theo ông Tuấn, việc nâng cao năng lực cho các cán bộ tại cửa khẩu bao gồm cả đường bộ và đường hàng không ngày càng đóng một vai trò quan trọng.
 
Nằm trong khuôn khổ dự án “Tăng cường năng lực nhận dạng loài, Quản lý Bảo tồn và Sử dụng bền vững tài nguyên đa dạng sinh học” do Quỹ Hội nhập Nhật Bản - ASEAN tài trợ, Việt Nam là nước đầu tiên trong khu vực được lựa chọn để tổ chức các khóa tập huấn nhằm nâng cao năng lực cho các quốc gia thành viên ASEAN trong lĩnh vực kiểm soát tình hình buôn bán trái phép các loài hoang dã - vốn được coi là một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với đa dạng sinh học trong khu vực.
 
Những sáng kiến trong khóa tập huấn sẽ giúp lấp những lỗ hổng này và tăng cường ngăn chặn tình trạng buôn bán trái phép các loài hoang dã qua biên giới các nước.
 
Cụ thể, từ 21 - 23/2, Cơ quan Quản lý CITES Việt Nam phối hợp với tổ chức TRAFFIC và Mạng lưới thực thi pháp luật về loài hoang dã của Đông Nam Á (ASEAN-WEN) tổ chức khóa tập huấn về thực thi CITES và nhận dạng một số loài bò sát thường gặp trong buôn bán cho các cán bộ thực thi pháp luật về quản lý động vật, thực vật hoang dã và cán bộ làm việc tại các cửa khẩu đường bộ, đường hàng không khu vực phía Nam.
 
P. Thanh