Mối nguy hại từ hóa chất bảo vệ thực vật khó phân hủy
Mặc dù đã bị cấm từ những năm 80, nhưng hiện nay, một lượng lớn hóa chất bảo vệ thực vật (BVTV) khó phân hủy (POP) còn tồn lưu và được nhập khẩu bất hợp pháp, vẫn đang đe dọa con người.
Được biết đến là các chất có tính độc hại, hóa chất BVTV nhóm POP có khả năng tích lũy sinh học cao, khó phân hủy và có khả năng phát tán, di chuyển xa trong phạm vi hàng trăm km, gây hại cho môi sinh, gây độc cho môi trường đất, nước, không khí và ảnh trực tiếp tới sức khỏe con người.
Ông Nguyễn Hòa Bình - Phó Giám Đốc Ban Quản lý Dự án “Xây dựng năng lực nhằm loại bỏ hóa chất BVTV POP tồn lưu tại Việt Nam” cho biết: “Các triệu chứng ngộ độc hóa chất BVTV POP thường bao gồm các biểu hiện như khó chịu, toàn thân mệt mỏi, sốt rét, da bị sưng tấy, tái xanh, nôn mửa, đau bụng…Một số loại hóa chất có khả năng bay hơi mạnh nên gây khó chịu, mệt mỏi, thậm chí choáng ngất khi tiếp xúc trực tiếp”.
Ngoài ra, ông Bình cũng lưu ý người dân nên cẩn thận và tránh xa các địa điểm có hóa chất BVTV POP. Vì lượng hóa chất tồn đọng trong đất và nước do hóa chất BVTV POP tồn lưu có thể gây ngộ độc tức thời dẫn đến tử vong, hoặc nhiễm độc nhẹ, về lâu dài sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ, cuộc sống con người.
Đối với con người, các hóa chất BVTV POP là nguyên nhân trực tiếp gây nên các bệnh ung thư, các bệnh về da, ảnh hưởng có hại đối với khả năng sinh sản, sự phát triển, hệ thần kinh, tuyến nội tiết và hệ miễn dịch.
Hóa chất BVTV POP gây nên những dị tật bẩm sinh, sụt giảm dân số ở con người, một số loài cá, chim và động vật có vú. Hơn nữa, phần lớn tác động tiêu cực của hóa chất BVTV POP tồn lưu có liên quan đến việc sử dụng hóa chất làm rụng lá cây trong thời gian chiến tranh cũng gây ra tác động không nhỏ tới sức khỏe con người.
Chính phủ Việt Nam đã có những hành động tích cực nhằm xử lý triệt để ô nhiễm môi trường tại các điểm ô nhiễm hoá chất BVTV POP tồn lưu, tuy nhiên Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều trở ngại bao gồm những khó khăn về ngân quỹ, tiếp cận công nghệ thích hợp và sự phối hợp giữa các ban ngành.
Hiện tại, Việt Nam mới chỉ có duy nhất công nghệ đồng xử lý chất thải trong lò nung xi măng được cấp phép để xử lý dạng hoá chất BVTV POP, mặc dù vậy với trên 1.153 điểm ô nhiễm như trong số liệu điều tra gần đây thì việc xử lý bằng công nghệ đốt tại lò nung xi măng là hoàn toàn không khả thi bởi chi phí cho công nghệ xử lý này tương đối cao.
Để hạn chế tối đa những rủi ro đối với sức khoẻ người dân, bên cạnh việc quản lý các điểm ô nhiễm và thử nghiệm các công nghệ xử lý đối với đất ô nhiễm, ngay lúc này, mỗi cá nhân cần nâng cao nhận thực để hiểu biết đúng về mức độ nguy hiểm của hóa chất BVTV POP từ đó có ý thức ngăn chặn sự gia tăng nguồn tồn lưu POP, tự bảo vệ sức khoẻ bản thân, bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe của toàn xã hội.
Huyền Trang