Khởi động dự án phát triển giao thông bằng xe đạp tại Hội An

(Dân trí) - Ngày 24/10, UBND TP.Hội An, tổ chức Health Bridge Việt Nam và Tổ chức Hợp tác phát triển Đức GIZ/TUMI tổ chức hội thảo khởi động dự án “Lập kế hoạch phát triển giao thông bằng xe đạp và chương trình xe đạp chia sẻ miễn phí, chi phí thấp tại TP.Hội An”.

Sáng kiến dự án này đã được Chính phủ CHLB Đức chọn trao giải “Giao thông đô thị toàn cầu”, diễn ra từ 22-25/5/2018 tại Leipzig.

Hội thảo phát triển giao thông bằng xe đạp tại TP Hội An ngày 24/10
Hội thảo phát triển giao thông bằng xe đạp tại TP Hội An ngày 24/10

Dự án cũng chính thức được chính phủ Đức tài trợ với tổng số tiền 178.000 EUR (khoảng 4,1 tỷ đồng). Trong khuôn khổ hội thảo, GIZ đã chính thức trao giải thưởng cho UBND TP Hội An và Health Bridge.

Mục đích chính của hội thảo là giới thiệu về dự án; thảo luận, chia sẻ các chính sách và sáng kiến phát triển giao thông phi cơ giới tại Hội An; các kinh nghiệm quốc tế và các ví dụ về các chương trình phát triển xe đạp trên thế giới; cũng như những cơ hội và thách thức của chương trình phát triển xe đạp tại Hội An.

Sau hội thảo, ngày 25-26/10, đoàn công tác sẽ cùng các chuyên gia về giao thông, các ngành chuyên môn của TP Hội An sẽ tiến hành khảo sát thực tế và làm việc với Tổ công tác giao thông phi cơ giới của Hội An để xây dựng kế hoạch chi tiết cho việc triển khai dự án trong thời gian sắp tới.

Du khách đi xe đạp, tham quan trong phố cổ Hội An
Du khách đi xe đạp, tham quan trong phố cổ Hội An

Phát biểu khai mạc tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Sơn - Phó Chủ tịch TP Hội An bày tỏ mong muốn dự án sẽ góp phần tích cực trong việc xây dựng môi trường hỗ trợ xe đạp và từ đó giúp chuyển đổi phương thức đi lại trong thành phố từ phương tiện cơ giới sang phương tiện phi cơ giới.

“Yêu cầu phát triển bền vững là xu thế phát triển tất yếu của các đô thị trên thế giới, trong đó có Việt Nam nói chung và TP Hội An nói riêng. Cùng với sự phát triển, xã hội ngày càng quan tâm nhiều hơn đến vấn đề giao thông công cộng, trong đó, việc sử dụng phương tiện giao thông phi cơ giới có ý nghĩa quan trọng cho cuộc sống và sự kết nối xã hội bền chặt trong nhịp sống đô thị”, ông Sơn phát biểu.

Theo lãnh đạo Hôi An, trong nhiều năm qua, địa phương đã có những cam kết mạnh mẽ để xây dựng một thành phố sinh thái nhằm bảo tồn các giá trị lịch sử của thành phố cũng như nâng cao chất lượng sống cho người dân.

Đề án xây dựng Hội An: Thành phố Sinh thái - Văn hóa - Du lịch được phê duyệt vào năm 2009 là một chương trình tổng thể bao quát rất nhiều vấn đề với mục đích phát triển Hội An thành một thành phố thân thiện môi trường “thành phố sinh thái”, phát triển du lịch sinh thái.

Trong đó, thành phố đặt mục tiêu “phần lớn dân số sẽ sống và làm việc trong khoảng cách đi bộ và đạp xe nhằm giảm nhu cầu đi lại bằng các phương tiện giao thông cơ giới”, từ đó khuyến khích mọi người đi bộ và đi xe đạp, sử dụng phương tiện giao thông công cộng như là các phương thức đi lại chính trong thành phố.

Mặc dù vậy, hiện nay số lượng xe máy vẫn được sử dụng khá nhiều và chiếm tỉ lệ lớn trong tổng số phương tiện giao thông đang hoạt động tại Hội An. Việc thiếu những chính sách cụ thể và hạ tầng cho xe đạp đã khiến người Hội An đang theo xu hướng sử dụng xe máy cho các chuyến đi hàng ngày, kể cả các chuyến đi có khoảng cách ngắn.

“Dự án bắt đầu triển khai từ năm 2018 và kết thúc vào tháng 5/2019. Đây chỉ là bước khởi đầu, để thử nghiệm, còn trong tương lai sẽ có nhiều chương trình tổng thể để thực hiện dự án này cụ thể hơn”, ông Sơn nói.

Năm 2014, Hội An cũng phát động cán bộ đi đến công sở bằng xe đạp. Tuy nhiên, ông Sơn cho rằng, đây chỉ là khởi đầu để triển khai nội dung trong đề án xây dựng tổng thể thành phố sinh thái.

Tuy nhiên, ông Sơn cho biết, do việc chuẩn bị chưa kỹ, đặc biệt vấn đề tổ chức phương tiện cũng như hành lang, cơ sở hạ tầng cho người đi xe đạp chưa thuận lợi nên dự án chưa tạo được sự lan tỏa mạnh cũng như thu hút được nhiều cán bộ và nhân dân tham gia.

Để thực hiện dự án thành công, theo ông Sơn khó khăn nhất là hạ tầng giao thông. Nhiều tuyến đường ở Hội An quá bé, do đó việc bố trí dành riêng một làn dành cho xe đạp, xe thô sơ là rất khó khăn.

Do đó, ông Sơn cho rằng, để triển khai dự án hiệu quả thì phải cải thiện hạ tầng giao thông nhưng cái này hiện đang vướng bồi thường, giải tỏa mặt bằng nên việc mở rộng các tuyến đường rất khó khăn. Do đó, chính quyền Hội An phải tập trung vào nhiệm vụ cải thiện cơ sở hạ tầng, tạo hành lang an toàn cho người đi xe đạp. Có như vậy, dự án mới có hiệu quả.

Công Bính