Khai khoáng tràn lan: Sẽ thêm nhiều dòng sông chết, nhiều làng ung thư?

(Dân trí) - Theo các chuyên gia, do không có chính sách quy hoạch tổng thể, hoạt động khai khoáng trở nên bừa bãi, tràn lan, sử dụng công nghệ lạc hậu. Ngân sách không thu được bao nhiêu nhưng hệ lụy đến môi trường, sức khỏe người dân lại rất lớn.

Góp ý kiến tại Hội thảo “Quản trị ngành công nghiệp khai khoáng của Việt Nam” do Liên minh Khoáng sản tổ chức ngày 3/12, TS. Nguyễn Thành Sơn - nguyên Trưởng ban Quản lý khai thác than đồng bằng sông Hồng (Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam – Vinacomin) cho rằng, nói Việt Nam “rừng vàng biển bạc” nhưng thực tế, tài nguyên khoáng sản của Việt Nam chỉ thuộc loại nhỏ, yếu, chủng loại thấp, là “hàng xén chợ quê” so với thế giới.

Theo ông Sơn, do không có chính sách tổng thể, quy hoạch tổng thể về tài nguyên khoáng sản nên dẫn đến khai thác “vơ vét”, bừa bãi, xuất khẩu bừa bãi.

Việc cấp phép khai thác tài nguyên khoáng sản tràn lan để lại nhiều hệ lụy (ảnh: VOV)
Việc cấp phép khai thác tài nguyên khoáng sản tràn lan để lại nhiều hệ lụy (ảnh: VOV)

Ông Sơn dẫn chứng, chẳng hạn đá vôi, chỉ có 171 triệu tấn nhưng dự báo lên tới 27 tỷ tấn, cấp cho 84 mỏ. “Như vậy là cấp phép khai thác bình quân cấp 2 triệu tấn/mỏ, tôi không hiểu cấp kiểu gì! Như là cấp lấy được vậy!” – vị chuyên gia bình luận.

Hay như việc Hà Tĩnh cấp phép tới 100  mỏ đá, nhiều mỏ đá “chết” nhưng lại “không chôn được”.

Bên cạnh đó, các mỏ khai thác này lại sử dụng công nghệ lạc hậu. Tiên tiến nhất là công nghệ đãi vàng ở Thái Nguyên thì cũng tổn thất 70% vì sử dụng công nghệ lạc hậu của Trung Quốc.

Giáo sư Đặng Hùng Võ, Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường thì cho rằng, Việt Nam đang thiếu nhiều quy định tài chính khoáng sản. Theo đó, vấn đề đấu giá được đưa ra nhưng quy trình lại không có định giá.

Ông Võ cho biết, có những địa phương cấp phép theo “kiểu của mình”, theo quan hệ quen biết, theo lợi ích nên đã ảnh hưởng xấu đến môi trường. Thêm vào đó, điều khó hiểu là Luật Khoáng sản 2010 lại khoanh vùng những dạng mỏ cấp quyền khai thác không phải đấu giá. “Cơ chế nào mà tại sao người này được mà người kia không được? Cơ chế này tạo rủi ro về tham nhũng rất lớn”, ông Võ lo ngại.

Sự thiết chặt chẽ trong cấp phép khai thác đã để lại những hệ lụy về môi trường mà chính người dân phải chịu hậu quả. Vị chuyên gia dẫn chứng trường hợp của Bắc Kạn, tình trạng đào bới khắp nơi, bãi chứa chất thải bừa bãi, rừng bị chặt, nước ô nhiễm, nước tưới nông nghiệp không đảm bảo an toàn…

Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội tư vấn Thuế cũng bày tỏ lo ngại, nếu quản trị không tốt về vấn đề khai thác tài nguyên khoáng sản thì hậu quả ghê gớm không chỉ là mất tài nguyên mà lớn hơn là ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng, sẽ có nhiều dòng sông chết, nhiều làng ung thư…

Hệ quả là như vậy nhưng theo ông Nguyễn Thành Sơn, tỷ trọng đóng góp của ngành khai khoáng vào GDP tại rất thấp, theo các công bố, tỷ trọng này chỉ đạt 10 - 12% GDP. Còn theo bà Cúc, số thuế thu được từ khai thác tài nguyên khoáng sản là rất thấp, có những mỏ thậm chí còn không thu được thuế.

Để khắc phục những vấn đề trên, các chuyên gia đều cho rằng, cần phải tăng cường minh bạch hóa, tạo sức ép công khai về dữ liệu. Việt Nam đã tiếp cận Sáng kiến minh bạch công nghiệp khai thác (EITI) từ năm 2006 nhưng cho đến nay vẫn chưa tham gia. Theo đó, nếu gia nhập EITI, Việt Nam sẽ phải công khai các dữ liệu về cấp phép sản xuất, các khoản thu, nộp, khai thác khoáng sản...

Bích Diệp