Hộ nghèo xây nhà vệ sinh đạt chuẩn sẽ được thưởng

(Dân trí) - Theo phương pháp tiếp cận dựa trên kết quả đầu ra, hộ nghèo được đầu tư xây dựng nhà vệ sinh và chứng minh họ đang sử dụng, các xã đạt được mục tiêu về số lượng các nhà vệ sinh được xây dựng đều được nhận thưởng.

Cục Quảng lý Môi trường y tế (Bộ Y tế) và Tổ chức Đông Tây Hội Ngộ (ĐTHN) đang phối hợp thực hiện Dự án “Cải thiện vệ sinh hộ gia đình dựa vào két quả đầu ra – WASHOBA” tại 4 tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang, Bình Định và Bến Tre từ tháng 11/2013 đến tháng 11/2016.

Với tổng vốn đầu tư hơn 15,77 tỷ đồng, dự án nhằm mục đích cải thiện vệ sinh môi trường, giảm các bệnh lây nhiễm qua nguồn nước, thay đổi thói quen hành vi vệ sinh của người dân ở 60 xã tại 4 tỉnh trên. Theo đó, dự án sẽ hỗ trợ 17.000 hộ nghèo, cận nghèo và khó khăn xây dựng nhà vệ sinh tự hoại hoặc nhà tiêu hai ngăn sinh thái.

Người nghèo ở nông thôn được hỗ trợ về cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường (Ảnh minh họa)
Người nghèo ở nông thôn được hỗ trợ về cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường (Ảnh minh họa)

Một số kết quả bước đầu của Dự án được chia sẻ tại Hội thảo quốc tế WEDC lần thứ 37 được tổ chức tại Hà Nội ngày 16/9.

Phương pháp tiếp cận dựa trên kết quả đầu ra (OBA) là một phương pháp tài chính thường được áp dụng hiệu quả khi triển khai các dịch vụ cơ bản cho người sử dụng không có khả năng thanh toán toàn bộ chi phí các dịch vụ. Sau khi nghiệm thu chất lượng, tiền thưởng sẽ bù lại hoặc thay thế chi phí họ phải bỏ ra.

Theo phương pháp OBA, sau khi nhà vệ sinh xây dựng đúng kỹ thuật được nghiệm thu, các hộ gia đình sẽ được nhận thưởng bằng tiền mặt. Các hộ nghèo đã đầu tư xây dựng nhà vệ sinh và chứng minh họ đang sử dụng, các xã đạt được mục tiêu về số lượng các nhà vệ sinh được xây đều được nhận gói thưởng về tài chính. Những tuyên truyền viên của dự án sẽ nhận thưởng bằng tiền mặt nếu thuyết phục thành công các hộ nghèo xây nhà vệ sinh. Họ cũng là người giúp sắp xếp các thủ tục về tài chính cho các hộ nghèo được hưởng lợi.

Bà Nguyễn Minh Châu, Phó Chủ tịch – Chương trình Nước sạch và Vệ sinh, ĐTHN cho biết, "Với sự hợp tác chặt chẽ và lâu dài với VIHEMA và các sở ban ngành, chương trình đã tạo được sự kết nối và gắn bó với cộng đồng địa phương trong nỗ lực nâng cao điều kiện vệ sinh ở nông thôn Việt Nam. Đây là điểm nổi bật của chương trình và điều này đã giúp chúng tôi hoàn thành mục tiêu – tiếp cận được 40% những người nghèo nhất, mà hầu hết họ là những người mẹ đơn thân và các gia đình có người khuyết tật."

TS. Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục Quản lý Môi trường Y tế chia sẻ, “Một bài học chúng tôi rút ra được khi áp dụng phương pháp tiếp cận dựa vào kết quả cho các dự án vệ sinh nông thôn là việc thưởng cho hộ dân nghèo sẽ thúc đẩy nhu cầu xây dựng nhà tiêu giá rẻ và hợp vệ sinh của người dân. Hiện tại, chúng tôi đang có tối thiểu 7 mô hình nhà vệ sinh giá rẻ có thể nhân rộng đến các cộng đồng khó khăn.”

Với phương pháp OBA, ĐTHN và các đối tác địa phương tại Việt Nam kỳ vọng sẽ có khoảng 130.000 hộ nghèo trong cả nước có thể được hưởng lợi từ các dịch vụ nước sạch vệ sinh đến năm 2017.

Nguyên An