Gầm lên để bảo vệ Hổ

(Dân trí) - Lần đầu tiên WWF (Quỹ quốc tế về Bảo vệ Thiên nhiên) đã ra mắt chiến chiến dịch Âm vang loài Hổ, để người sử dụng web có thể gầm lên để ủng hộ loài hổ.

Với số lượng hổ hoang dã chỉ còn chưa đến 3.200 cá thể, lần đầu tiên WWF đã ra mắt một chiến chiến dịch để người sử dụng web có thể gầm lên - theo nghĩa đen - để ủng hộ loài hổ.
 
Chiến dịch Âm vang loài Hổ, một chiến dịch truyền thông trực tuyến tại  www.panda.org/roar, nơi người dân có thể góp tiếng ủng hộ loài hổ với tư cách cá nhân, nhóm bạn, gia đình hoặc tập thể cơ quan.
 
Người ủng hộ có thể đăng tải ảnh của họ đang “gầm”, quay video tiếng gầm rồi tải lên mạng YouTube hoặc Vimeo. Thậm chí đơn giản hơn họ có thể diễn giải tiếng gầm của họ bằng chữ.
 
Gầm lên để bảo vệ Hổ - 1
Nhiều chương trình bảo vệ loài Hổ đang diễn ra khắp trên Thế giới. (Ảnh: WWF)
 
Sau khi đã đăng tải, những người tham gia có thể xem và bình chọn tiếng gầm yêu thích nhất trên trang web, như tiếng gầm hài hước nhất hoặc đáng sợ nhất.
 
Theo đó, cứ một tiếng gầm được đăng tải sẽ được tính là chữ ký vào bản kiến nghị đặc biệt của WWF. Bản kiến nghị này sẽ được đệ trình tới các nguyên thủ của 13 quốc gia có hổ sinh sống khi họ tham gia Hội nghị Thượng đỉnh về Hổ dự kiến nhóm họp vào tháng 11 sắp tới  tại thành phố St. Petersburg, Nga.
 
"Để cổ vũ các Nguyên thủ đưa ra quyết định đúng đắn nhằm biến chuyển mục tiêu quốc gia về bảo tồn hổ, cũng như mong muốn gia tăng số lượng hổ hoang dã lên gấp đôi vào năm 2022, chúng tôi cần các bạn đứng dậy và cất tiếng gầm, bằng bất cứ cách nào mà bạn có thể” - ông Michael Baltzer, Giám đốc Chương trình Hổ của WWF phát biểu.
 
Chiến dịch Âm vang loài Hổ là một phần của chiến dịch Năm Canh Dần do WWF khởi xướng, sẽ kết thúc vào tháng Hai năm 2011. Đến đầu năm nay, WWF đã ra mắt chiến dịch TX2 nhằm tăng gấp đôi số lượng cá thể hổ sống trong hoang dã vào năm Nhâm Dần 2022.
 
Vào 7/2010, lần đầu tiên bản tuyên bố bảo tồn hổ từ 13 quốc gia vẫn còn loài hổ sinh sống  được đưa ra tại Bali, Indonesia và dự kiến sẽ được thông qua tại Hội nghị Thưởng đỉnh.
 
WWF khẳng định sẽ giới thiệu những tiếng gầm hay nhất tại Hội nghị để hướng sự chú ý của các nguyên thủ và các quan chức đi cùng tới tình trạng gần như là tuyệt vọng hiện nay của loài hổ.
 
P. T