ĐBSCL sẽ ngập 90% diện tích nếu nước biển dâng cao 1m

(Dân trí) - Nếu mực nước biển dâng cao 1m, khoảng 40.000 km2 đồng bằng ven biển Việt Nam sẽ bị ngập hàng năm, trong đó 90% diện tích thuộc các tỉnh ĐBSCL bị ngập hầu như hoàn toàn.

Tại Diễn đàn thường niên vùng Duyên hải lần II với chủ đề “Cải thiện sức chống chịu với tác động của biến đổi khí hậu- vùng ven biển Đông Nam Á” được tổ chức tại tỉnh Sóc Trăng từ ngày 15-18/10, nhiều đại biểu đã bày tỏ lo ngại về sự biến đổi khí hậu và nước biển dâng sẽ ảnh hưởng rất lớn cho những địa phương vùng ven biển ĐBSCL.

Hậu quả của biến đổi khí hậu và nước biển dâng là cực kỳ nghiêm trọng

Ông Vũ Sỹ Tuấn - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ TN&MT) - đánh giá, biến đổi khí hậu sẽ tác động nghiêm trọng đến sản xuất, đời sống và môi trường trên phạm vi toàn thế giới. Theo dự báo của Việt Nam, đến năm 2080 sản lượng ngũ cốc có thể giảm 2- 4%, giá sẽ tăng từ 13- 45%; mực nước biển dâng cao gây ngập lụt, nhiễm mặn nguồn nước, ảnh hưởng đến nông nghiệp và rủi ro lớn đối với công nghiệp và các hệ thống kinh tế - xã hội. Các công trình hạ tầng được thiết kế theo các tiêu chuẩn hiện tại sẽ khó an toàn và cung cấp đầy đủ các dịch vụ trong tương lai.

Theo ông Tuấn, ở Việt Nam trong khoảng 50 năm qua, nhiệt độ trung bình năm đã tăng khoảng 0,7 độ C, mực nước biển đã dâng khoảng 20 cm. Hiện tượng El-Nino, La-Nina ngày càng tác động mạnh mẽ đến Việt Nam, biến đổi khí hậu thực sự đã làm cho các thiên tai, đặc biệt là bão, lũ, hạn hán ngày càng ác liệt.

Qua tính toán, nhiệt độ trung bình ở Việt Nam có thể tăng lên 3 độ C và mực nước biển có thể dâng 1m vào năm 2100. “Nếu mực nước biển dâng 1m, khoảng 40.000 km2 đồng bằng ven biển Việt Nam sẽ bị ngập hàng năm; trong đó 90% diện tích thuộc các tỉnh khu vực ĐBSCL bị ngập hầu như hoàn toàn”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam là một trong 5 nước sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu và nước biển dâng; trong đó vùng Đồng bằng sông Hồng và sông Mê Kông bị ngập chìm nặng nhất. Nếu mực nước biển dâng 1m sẽ có khoảng 10% dân số bị ảnh hưởng trực tiếp, tổn thất đối với GDP khoảng 10%. Nếu nước biển dâng 3m sẽ có khoảng 25% dân số bị ảnh hưởng trực tiếp và tổn thất đối với GDP lên tới 25%.

“Hậu quả của biến đổi khí hậu đối với Việt Nam là nghiêm trọng và là một nguy cơ hiện hữu cho mục tiêu xóa đói giảm nghèo, cho việc thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ và sự phát triển bền vững của Việt Nam và các quốc gia Đông Nam Á”, ông Tuấn quan ngại.

Một tỉnh ven biển thuộc khu vực ĐBSCL là Sóc Trăng, theo ông Lê Thành Trí- Phó Chủ tịch UBND tỉnh- cho biết, thế mạnh của tỉnh Sóc Trăng là phát triển nông nghiệp và thủy sản, có nhiều thuận lợi để phát triển kinh tế biển. Tuy nhiên, Sóc Trăng cũng là nơi chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

“Thời gian quan, tỉnh cũng có nhiều cố gắng và các tổ chức quốc tế hỗ trợ rất nhiệt tình và bước đầu có hiệu quả, nhưng để có thể phát triển bền vững và có điều kiện thích nghi với biển đổi khí hậu và nước biển dâng, các tỉnh khu vực ĐBSCL nói chung và tỉnh Sóc Trăng nói riêng vẫn còn nhiều khó khăn về kiến thức, kinh nghiệm và cả về nguồn lực đầu tư”, ông Trí nhìn nhận.

Do đó, tại diễn đàn, ông Trí mong muốn trong thời gian tới, các tổ chức Quốc tế, các nhà khoa học trong và ngoài nước, các bộ, ngành Trung ương  tiếp tục quan tậm hỗ trợ đầu tư cho Sóc Trăng nói riêng và các tỉnh trong khu vực ĐBSCL nói chung ứng phó có hiệu quả, có điều kiện chung sống thích nghi với biển đổi khí hậu và nước biển dâng để có thể phát triển bền vững.

Biến đổi khí hậu và nước biển dâng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến những địa phương ven biển ĐBSCL.
Biến đổi khí hậu và nước biển dâng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến những địa phương ven biển ĐBSCL.

Trong khi đó, các nhà chuyên môn của Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN)- đánh giá, theo kịch bản biến đổi khí hậu thì một số địa phương vùng ven biển ĐBSCL như Kiên Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Bến Tre, Trà Vinh…cho thấy sức gió sẽ mạnh hơn, sóng cao hơn, lượng mưa thay đổi và tần suất các cơn bão sẽ gia tăng. Mực nước biển Đông tại vùng biển thuộc các tỉnh này đang tăng từ 3- 5,5mm mỗi năm. Nhiệt độ trung bình hàng năm và số ngày trong năm có nhiệt độ cao hơn 30 độ C dự kiến cũng tăng lên.

“Biến đổi khí hậu không chỉ gây ra những thảm họa thiên nhiên mà còn tác động tiêu cực đến nguồn tài nguyên thiên nhiên và ven biển qua những thay đổi thường xuyên hơn, cụ thể như sự tăng nhiệt độ nước biển, thay đổi độ mặn, nồng độ acid, sự xáo trộn và mất nơi cư trú do mực nước biển dâng. Điều này cuối cùng sẽ ảnh hưởng đến sinh kế của cộng đông dân cư”, đại diện IUCN nhận định.

Đại diện IUCN cũng cho rằng, những nhân tố phi khí hậu cũng khiến sinh kế của cộng đồng địa phương rơi vào tình trạng dễ bị tổn thương. Như ô nhiễm nông nghiệp do sử dụng bừa bãi thuốc trừ sâu và khai thác nước ngầm quá mức khiến cho tầng nước ngầm bị cạn kiệt; sản lượng cá trong những năm gần đây đã giảm do số lượng ngư dân đánh bắt xa bờ tăng lên cùng với việc sử dụng các thiết bị đánh bắt hủy diệt; không giữ được đất, đặc biệt là đất sản xuất bên ngoài những con đê được xây dựng không chắc chắn; năng lực của địa phương còn hạn chế khi áp dụng các kỹ thuật nuôi trồng thủy sản mới và các chính sách hỗ trợ kinh tế và kỹ thuật không phù hợp.

Đánh giá những ảnh hưởng, theo IUCN thì xói lở đê biển, mực nước biển dâng, triều cường, lũ kết hợp với lượng mưa gia tăng sẽ dẫn đến hiện tượng xói lở và đe dọa các tuyến đê bằng đất. Diện tích rừng ngập mặn cũng bị suy giảm theo từng năm do tác động kép của nước biển dâng, xói lở và các hiện tượng thời tiết cự đoan khác cùng với việc chặt phá rừng ngập mặn bất hợp pháp. Thời tiết bất ổn như hạn hán, bão và lụt đang đe dọa vụ mùa người nông dân. Do hậu quả của xâm nhập mặn vào mùa khô, tầng nước ngầm bị nhiễm mặn dẫn đến thiếu nguồn nước canh tác cho nông nghiệp và cuối cùng là giảm sản lượng vụ mùa. Thời tiết thay đổi và nguồn tài nguyên thủy sản bị suy giảm đang gây ra nhiều rủi ro cho sinh kế của người dân, đặc biệt là người nghèo và những hộ gia đình không có đất đai canh tác.

Một số địa phương vùng ven biển đang đối mặt với tình trạng thiếu nước sạch để sinh hoạt. Tình hình lũ vào mùa mưa đã khiến cho nước ngầm bị nhiễm bẩn gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân. Hơn thế nữa, do thiếu nhà vệ sinh, ô nhiễm nước tại nhiều kênh rạch đang ngày càng trầm trọng hơn.

Bên cạnh những mối đe dọa đối với nông nghiệp và tài nguyên biển, các sản phẩm nông, thủy sản còn phải đối mặt với tình trạng giá cả thị trường thường xuyên không ổn định. Ngoài ra, vài vụ nuôi trồng thủy sản mất mùa khiến người dân không thể trả nổi ngân hàng. Thiếu vốn cũng hạn chế khả năng đa dạng hóa sinh kế và không thể giữ được đất càng làm tăng mức độ tổn thương cho người dân.

Giải pháp chống chọi

Theo ông Robert Mather- Giám đốc phụ trách Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Thế giưới tại Đông Nam Á, dự án “Cải thiện sức chống chịu với tác động của biến đổi khí hậu vùng ven biển Đông Nam Á” (BCR) được thực hiện cũng là nhằm đưa ra những giải pháp để chống chọi với sự ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và nước biển dâng ở khu vực.

Trong đó, dự án BCR xác định những vấn đề ưu tiên tại các địa phương vùng ven biển ĐBSCL của Việt Nam nói riêng, của các nước Đông Nam Á nói chung là bao gồm các tuyến đê bị xói lở, đảm bảo nước ngọt cho hoạt động nông nghiệp, thiếu nước ngọt sinh hoạt và hệ thống hạ tầng vệ sinh môi trường, giảm nguồn lợi thủy sản cũng như thiếu các nguồn sinh kế thay thế tại vùng ven biển.

Biến đổi khí hậu và nước biển dâng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến những địa phương ven biển ĐBSCL.
Một trong những giải pháp chống xói lở bờ biển của Tổ chức hợp tác phát triển Đức (GIZ) là thực hiện hàng rào chữ T. (Ảnh: Huỳnh Hải)

Về giải pháp, đại diện dự án BCR cho biết, dự án hỗ trợ cộng đồng dân cư trồng các hàng rào giữ bùn nhằm giữ lại phù sa chảy từ các vùng bờ biển phía trên. Các hàng rào này sẽ góp phần tạo nên một vùng đất bùn giúp trồng rừng ngập mặn. Nâng cao nhận thức và tầm quan trọng của rừng ngập mặn sẽ góp phần nâng cao năng lực cộng đồng ven biển trong việc thích ứng biến đổi khí hậu và thảm họa do thiên nhiên.

Phối hợp với các cơ quan chuyên môn cung cấp các kỹ thuật trồng trọt và tập huấn các phương pháp đa dạng hóa vụ mùa cho người nông dân nhằm giúp người dân nâng cao sinh kế, thích ứng tốt hơn với sự thay đổi thời tiết. Thông qua các hoạt động hỗ trợ như tổ chức chương trình thu gom rác thải, cải thiện các thiết bị chứa nước sạch và nhà vệ sinh góp phần hỗ trợ người dân tiếp cận với nguồn nước sạch, nâng cao nhận thức người dân về bảo vệ môi trường. Phối hợp với các cơ quan chuyên ngành thủy sản hỗ trợ ngư dân chuyển đổi các ngư lưới cụ khai thác thủy sản bất hợp pháp sang các phương tiện thân thiện với môi trường nhằm mục đích khôi phục và bảo tồn nguồn lợi thủy sản địa phương.

Đại diện BCR kết luận, trong tương lai, dự án đề xuất hỗ trợ việc lồng ghép chiến lược thích ứng với biến đổi khí hậu vào quá trình xây dựng chính sách và quy hoạch kinh tế- xã hội địa phương. Cụ thể, dự án thúc đẩy các giải pháp dựa trên hệ sinh thái nhằm tăng cường sự tương tác hài hòa giữa con người với thiên nhiên, vận động người dân chuyển đổi tập quán trồng rừng ngập mặn một loài sang mô hình phục hồi rừng với đa dạng loài cây ngập mặn và kết hợp nuôi trồng thủy sản dưới tán rừng nhằm đem lại không chỉ lợi ích sinh thái mà còn đem lại lợi ích kinh tế và xã hội trong tương lai.

Các hoạt động, giải pháp đã, đang thực hiện tại các tỉnh ĐBSCL cho thấy việc sử dụng, quản lý bền vững nguồn tài nguyên biển và ven bờ có thể đóng vai trò quan trọng cốt lõi trong quá trình thích ứng với biến đổi khí hậu.

                                                                                                Huỳnh Hải

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm