ĐBSCL: Quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp để ứng phó với biến đổi khí hậu

(Dân trí) - ĐBSCL là vùng sản xuất lúa chủ yếu của cả nước nhưng người nông dân vẫn còn nghèo. Diện tích đất lúa ngày càng bị thu hẹp do sự phát triển công nghiệp, dịch vụ thì sự biến đổi khí hậu cũng đang là nguyên nhân ảnh hưởng rất lớn đến nông nghiệp của vùng.

ĐBSCL: Quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp để ứng phó với biến đổi khí hậu - 1

Nông dân làm lúa vốn nghèo, sự biến đổi khí hậu càng làm cho việc sản xuất lúa khó khăn hơn.
 
Trên đây là những nhận định của các đại biểu trong Hội thảo “Lúa gạo và nông sản hướng tới phát triển bền vững” được tổ chức vào ngày 8/12 trong khuôn khổ Hội chợ Nông nghiệp Quốc tế 2010 đang diễn ra tại Cần Thơ. 

 

Mở đầu buổi Hội thảo, TS.Lê Văn Bảnh - Viện trưởng Viện lúa ĐBSCL - nhìn nhận ĐBSCL có dân số hơn 18 triệu người, trong đó gần 80% dân số ở nông thôn làm nông nghiệp (chủ yếu làm lúa, bên cạnh còn có thủy sản và trái cây). ĐBSCL sản xuất lúa gạo chính nhưng nông dân trồng lúa vẫn là người nghèo nhất và gặp nhiều khó khăn nhất.

 

Theo TS. Bảnh, sản xuất nông nghiệp ĐBSCL còn nhiều bất cập, nông dân gặp nhiều rủi ro, thách thức như thiên tai, dịch bệnh, tổ chức sản xuất còn nhỏ lẻ, liên kết 4 nhà còn yếu kém, khâu tiêu thụ còn nhiều khó khăn, thường xuyên xảy ra trúng mùa mất giá…

Trong khi đó, diện tích đất nông nghiệp (chủ yếu đất lúa) ngày càng giảm đi do nhu cầu công nghiệp hóa, đô thị  hóa. Theo tính toán từ 2009-2020 nhu cầu phát triển cơ sở hạ tầng công nghiệp, dịch vụ cần khoảng 600.000 ha, trong đó phải sử dụng đất lúa khoảng 270.000ha.

 

Ths. Lê Thị Xuân Lan - Đài khí tượng Thủy văn Nam Bộ, thì cho rằng, những hạn chế chính của điều kiện tự nhiên ở ĐBSCL đối với sản xuất lúa là 3 nguyên nhân chủ yếu do ảnh hưởng của lũ trên vùng đầu nguồn; sự xâm nhập mặn ở vùng ven biển; những vùng thấp trũng có đất bị phèn, chua và vấn đề thiếu nước ngọt trong các tháng màu khô ảnh hưởng đến vụ hè thu.

 

Dự báo mực nước biển sẽ dâng cao 33cm vào năm 2050 và 1m vào năm 2100. Do địa thế thấp vào năm 2050, khoảng 45% diện tích của ĐBSCL có nguy cơ nhiễm mặn cao, năng suất lúa có khả năng giảm 9%, diện tích trồng lúa sẽ bị thu hẹp đáng kể.

 

Cũng theo Ths. Lan, trong 5 năm tới số cơn bão và áp thấp nhiệt đới trên biển Đông sẽ tiếp tục tăng từ 9-15 cơn bão; nhiệt độ biển cũng cao trong các tháng đầu mùa bão (từ tháng 2 - 4) nên xu thế có bão trái mùa tăng.

 

Ths. Lan nhận định, BĐKH sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đời sống và sản xuất nông nghiệp ĐBSCL. Trong những năm gần đây lũ không về hoặc có về nhưng ở mức thấp, làm cho ĐBSCL cũng đứng trước nguy cơ mất mùa lũ; Xâm nhập mặn gia tăng làm giảm năng suất cây trồng; Diện tích canh tác cây lương thực có thểm giảm thêm do di dân từ vùng ngập lụt vùng duyên hải; sức đề kháng của vật nuôi giảm đồng thời tạo môi trường thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh phát triển bùng phát, gây ra những đại dịch trên gia súc, gia cầm…

 

“Trong đó, nhiệt độ tăng lên làm giảm năng suất cây trồng: ngô giảm từ 5-20% nếu nhiệt độ tăng lên 1 độ C và tới 60% nếu nhiệt độ tăng lên 4 độ C; còn lúa sẽ giảm 10% nếu nhiệt độ tăng lên 1 độ C”- Thạc sĩ Lan nói.

 

Theo bà  Lan, để ứng phó với BĐKH cần thực hiện một số giải pháp, chính sách cụ thể như áp dụng công nghệ, sử dụng năng lượng hiệu quả, tiết kiệm năng lượng; tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo (điện mặt trời, điện gió); trồng rừng và bảo vệ rừng; cải tiến kỹ thuật tưới tiêu trong nông nghiệp; thay đổi kỹ thuật canh tác giống, thời vụ; nâng cấp công trình thủy lợi, giao thông…

 

Còn theo PGS.TS Nguyễn Hữu Chiếm- Trường ĐH Cần Thơ, cho rằng để ứng phó với BĐKH cần có những vùng quy hoạch cụ thể để phát triển trồng trọt và chăn nuôi. 

 

Trong đó, những vùng lũ ngập sâu (trồng lúa đông-xuân, hè thu với cá đồng, tràm hoặc khóm); vùng lũ kín (lúa đông xuân, khoai ngọt, rừng tràm, sen với cá đồng); vùng lũ ảnh hưởng triều (mô hình VACB, lúa đông xuân, lúa hè thu, cây màu, cá tra); vùng phức hệ ven biển (bần chua chống xói lở, lúa mùa, tôm, cua biển, cá đồng); vùng mặn cao (mắm và đước, tôm quản canh, cá đồng, cua biển); vùng bán đảo Cà Mau (tràm, cá đồng, ong mật, lúa đông xuân, cây màu, mía, khóm)…

 

TS. Lê Văn Bảnh khẳng định thêm, để phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn và nhất là cây lúa cho vùng thì giải pháp liên kết vùng và tham gia 4 nhà là rất quan trọng. Điều này để tìm sự đồng thuận không những nguồn lực nhà nước mà cả xã hội trong sản xuất và tiêu thụ nhằm gia tăng thu nhập cho người nông dân.

 

Huỳnh Hải