Dân thủ đô khốn khổ vì ô nhiễm

(Dân trí) - Tại khu vực giáp ranh hai xã Cổ Nhuế và xã Phú Diễn của huyện Từ Liêm (Hà Nội) đang tồn tại một số nhà máy gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, khiến người dân nơi đây phải sống trong tình trạng “ngắc ngoải”.

Từ tháng 4/2005, Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Việt Hà (Công ty Việt Hà) đã cho Công ty TNHH In và Thương mại Tây Đô (Công ty Tây Đô) và Công ty TNHH Nam Phong thuê lại 4.000m2 mặt bằng tại Khu công nghiệp Phú Minh (xã Cổ Nhuế, Từ Liêm) để xây dựng nhà xưởng sản xuất. Khi đó, Công ty Tây Đô đã cam kết với tổ dân phố Phú Minh là bảo đảm vệ sinh môi trường. Thế nhưng, kể từ khi hoạt động đến nay, Công ty Tây Đô không đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải và khí thải theo quy định, xả trực tiếp nước thải sang khu dân cư. Không những thế, hệ thống ống khói của nhà máy in đã xả thẳng vào không khí, khiến môi trường bị ô nhiễm nặng nề, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân nơi đây.
Dân thủ đô khốn khổ vì ô nhiễm - 1

Ống khói của nhà máy in thuộc Công ty Tây Đô xả thẳng vào khu dân cư (ảnh: Vũ Văn Tiến)

Qua tìm hiểu xác minh của PV Dân trí, việc người dân “tố” các cơ sở nằm trong khu công nghiệp Phú Minh, chuyên sản xuất kinh doanh dịch vụ in và một số loại hình khác, gây ô  nhiễm môi trường là có cơ sở.

Cụ thể, Công ty Tây Đô và Công ty Nam Phong trong suốt quá trình hoạt động đã không xử lý nước thải và khí thải theo quy định mà xả thẳng ra khu dân cư Phú Minh; cùng với đó là hệ thống ống khói xả vào không khí không đủ độ cao, khiến môi trường khu vực này ô nhiễm nặng nề.

Trao đổi với PV Dân trí, bà Lê Thị Bình, tổ phó tổ dân phố Phú Minh (xã Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm, Hà Nội) cho biết: “Người dân ở đây bị ngạt thở vì mùi khói bốc ra từ các nhà máy quanh đây. Mùi rất khó ngửi, người dân như bị tra tấn, đây là nguyên nhân tại sao người dân quanh đây bị mắc bệnh đường hô hấp rất nhiều”.

Theo bà Bình, trẻ nhỏ ở tổ dân phố này do hệ hô hấp còn yếu đã bị sưng đỏ mũi, chữa trị được một thời gian lại tái phát. Hít phải khói độc nhiều, trẻ con ăn uống bị nôn trớ, sức khỏe ảnh hưởng nghiêm trọng. Có lần, hàng trăm người dân không chịu nổi sự hành hạ của khí ô nhiễm, đã tập trung trước cửa Cty Tây Đô gây sức ép, yêu cầu Cty này “làm sạch” không khí ở khu vực.

Về vấn đề này, ông Chu Văn Đoàn, Chủ tịch UBND xã Cổ Nhuế cho biết: Thẩm quyền của địa phương là chỉ quản lý về đất đai; còn phần nước thải và khí thải do Sở Tài nguyên - Môi trường quản lý.

Dân thủ đô khốn khổ vì ô nhiễm - 2

Dân thủ đô khốn khổ vì ô nhiễm - 3
Tại vị trí nước từ cống xả thải của Công ty Tây Đô chảy xuống dòng sông Pheo (một nhánh của sông Nhuệ), bọt trắng xóa, bốc mùi hôi thối nồng nặc.

Quan sát thực tế tại hiện trường, tại vị trí “dòng sông tuyết trắng” có một ống cống rất lớn, tương tự như ống cống thoát nước của thành phố, nước chảy ra từ đây có màu tím như màu mực, những lớp bọt trắng và dày từ miệng cống nối tiếp nhau trôi ra ngoài.

Ngày 17/9/2010, ông Nguyễn Tuấn Anh (Giám đốc Công ty Việt Hà), ông Nguyễn Văn Tuấn (Giám đốc Công ty Tây Đô) cùng đại diện tổ dân phố Phú Minh đã họp bàn về việc Công ty Tây Đô gây ô nhiễm môi trường. Đại diện tổ dân phố yêu cầu Công ty Tây Đô xử lý rác thải công nghiệp tập trung và tiêu hủy đúng chỗ theo quy định; Xử lý lại hệ thống thoát khí của ống thải theo hướng: làm 5 quạt gió trên đỉnh nóc, độ cao ống dẫn tối thiểu là 5m, bịt toàn bộ cửa hút gió cũ. Thời gian khắc phục từ 17/9 đến 30/9. Tại cuộc họp, lãnh đạo Công ty Tây Đô hứa sẽ khắc phục tình trạng ô nhiễm và sẽ mua hệ thống máy móc để xử lý.

Các bên đã ký cam kết thực hiện nghiêm túc theo văn bản. Tuy nhiên sau đó Cty Tây Đô vẫn tiến hành sản xuất bình thường, người dân tiếp tục bị tra tấn bởi mùi khí ô nhiễm.
 
Ngày 27/9, một cuộc họp khác được tiến hành, vẫn đầy đủ ban bệ như cuộc họp trước đó. Đại diện tổ dân phố yêu cầu Công ty Tây Đô tạm dừng sản xuất từ ngày 27/9 đến 29/9 để xử lý khí thải, đảm bảo vệ sinh môi trường. Đề nghị Cty Tây Đô thực hiện đúng theo biên bản của cuộc họp ngày 17/9. Sau khi xử lý xong trong thời gian quy định thì Cty Tây Đô mới được sản xuất bình thường. Yêu cầu này được đại diện Công ty Việt Hà và Công ty Tây Đô chấp nhận bằng chữ ký của các lãnh đạo các Cty này.
 
Tuy nhiên, từ đó đến nay, Công ty Tây Đô vẫn hoạt động bình thường, chỉ những lời hứa là... bay mất, người dân tiếp tục phải hứng chịu cảnh ô nhiễm môi trường, đặc biệt là khí thải.
 
Được biết, hàng trăm hộ dân nơi đây đã có đơn kiến nghị gửi đến Cục Cảnh sát Môi trường (Bộ Công an) và các cơ quan chức năng có thẩm quyền của huyện Từ Liêm, Thành phố Hà Nội nhưng vẫn chưa được giải quyết.

Vũ Văn Tiến