Đắk Lắk:

Cuộc sống gần 30 hộ dân “đảo lộn” vì nhà máy nhựa tái chế

(Dân trí) - Hàng chục người dân thôn Nghĩa Lập (xã Ea Kuăng, Krông Pắk, Đắk Lắk) cho biết cuộc sống của họ gần 5 năm qua trở nên “đảo lộn” và bị ảnh hưởng nghiêm trọng do hoạt động của một nhà máy nhựa tái sinh trong khu dân cư.

Bao bì phế thải
Bao bì phế thải dùng để tái sinh nhựa của nhà máy nhựa tại địa bàn thôn Nghĩa Lập (xã Ea Kuăng, Krông Pắk, Đắk Lắk).

Theo phản ánh của người dân, năm 2007, trong thôn có một nhà máy nhựa tái chế của ông Nguyễn Sỹ Hùng hoạt động trong khu dân cư khiến đời sống bàn con bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đặc biệt, giờ cao điểm nhà máy hoạt động mùi hôi khét của nhựa lan tỏa nồng nặc; tiếng động nhà máy phát ra như “trống đánh bên tai”; hệ lụy trước mắt, theo phản ánh của người dân, nguồn nước thải nhà máy chảy xuống ruộng làm lúa vàng úa, teo tóp. Một số người dân bắt đầu có dấu hiệu bị viêm xoang do ngửi phải mùi hôi khét khó chịu một thời gian dài.

Chị Trần Thị Tính (66 tuổi) cho biết do ảnh hưởng nguồn nước thải từ nhà máy, gần một năm qua nước giếng nhà chị chuyển sang mùi hôi không thể uống được phải chuyển sang dùng nguồn nước khác. “Không chỉ nước giếng gia đình tôi mà còn nhiều hộ khác nước giếng bây giờ cũng không thể uống được. Vị chi bây giờ mỗi ngày phải mất 30 ngàn để mua nước về uống mà dân tụi tui thì nghèo không có tiền…”, chị Tính bày tỏ.

Chúng tôi còn được người dân cho biết, họ đang có nguy cơ mắc bệnh do ngửi mùi khét nồng nặc từ nhà máy nhựa tái chế. Như trường hợp chị Hồ Thị Bé (SN 1992, con dâu chị Tính) thời gian qua thường xuyên ói ra máu, trong khi chị đang mang thai nên thường xuyên lánh khỏi khu dân cư sang nhà ngoại cách đó gần 2 km để “lánh nạn”. “Sau khi ói ra máu em có đi khám thì các bác sỹ cho biết do hít thở không khí không trong lành. Buổi sáng ngủ dậy đi ra rửa chén bát ngửi phải mùi khét của nhà máy em không có chịu nổi phải nhờ chồng chở ngay qua bên nhà ngoại để tránh ngửi phải mùi hôi khét khó chịu…”, chị Bé buồn bạn tâm sự.

Trong khi đó, chị Nguyễn Thị Phượng (SN 1972) - nhà đối diện nhà máy nhựa - cho biết do mùi hôi khét khó chịu gia đình chị phải thường xuyên đóng kín cửa suốt ngày, ăn cơm cũng phải đóng cửa, khi ngủ thậm chí phải bịt cả khẩu trang suốt đêm. Chị Phượng còn cho biết 2 con gái của chị là Yến Nhi (17 tuổi) và Kim Ngân (10 tuổi) đang có dấu hiệu bị viêm xoang do ngửi phải mùi khét của nhà máy.

Bể lọc chứa nước thải của nhà máy nhựa tái sinh tại thôn Nghĩa Lập.
Bể lọc chứa nước thải của nhà máy nhựa tái sinh tại thôn Nghĩa Lập.

Ông Lương Phước Triệu - Trưởng thôn Nghĩa Lập cho biết từ khi nhà máy nhựa tái sinh hoạt động khiến đời sống của gần 30 hộ dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Trước thực trạng trên, bà con trong thôn đã làm đơn gửi lên các cấp có thẩm quyền nhờ can thiệp nhưng đến nay vẫn chưa nhận được văn bản trả lời cụ thể trong khi nhà máy vẫn thường xuyên hoạt động.

“Mong muốn của bàn con trước mắt là nhà máy cần xử lý phần nước thải, khống chế được mùi hôi. Còn về lâu dài bà con trong thôn mong muốn nhà máy cần nhanh chóng di dời đi chỗ khác, cách xa khỏi khu dân cư. Tội nhất là tụi trẻ nhỏ ngửi phải mùi khét nhiều đứa đang có dấu hiệu bị viêm xoang, lúa ngoài đồng do ảnh hưởng nguồn nước thải bị vàng úa và đang chết dần”.

Bể lọc chứa nước thải của nhà máy nhựa tái sinh tại thôn Nghĩa Lập.
"Từ khi nhà máy nhựa tái sinh hoạt động khiến đời sống của gần 30 hộ dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng..."

Ông Trần Hữu Thái - Trưởng Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Krông Pắk cho biết thời gian tới phòng sẽ phối hợp với Chi cục Bảo vệ Môi trường tỉnh Đắk Lắk tiến hành kiểm tra, giám định không khí, độ ồn và nguồn nước để có kết luận cụ thể. Nếu cơ sở vi phạm không khắc phục sẽ có biện pháp mạnh hơn.

“Trước đó, UBND huyện Krông Pắk đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành và lập biên bản vi phạm hành chính đối với cơ sở này vì vi phạm cam kết bảo vệ môi trường hoạt động sau 22h đêm. Chúng tôi cũng đã tiến hành công tác kiểm tra, giám định nhưng do hạn chế về phương tiện nên chưa có kết luận cụ thể. Sắp tới đây chúng tôi sẽ tiến hành giám định lại nếu cơ sở vi phạm không khắc phục cần thiết chúng tôi sẽ đóng cửa cơ sở…” - ông Thái cho hay.

Được biết, cơ sở sản xuất nhựa tái sinh địa bàn thôn Nghĩa Lập mỗi ngày tái chế khoảng 1 tấn nhựa từ nguyên liệu khoảng 2 tấn bao bì phế thải.

Viết Hảo