Chuyên gia môi trường phản đối triển lãm có 1.000 rùa quý

(Dân trí) - Sự xuất hiện của 1.000 con rùa quý hiếm và hầm rượu ngâm nhiều động vật hoang dã tại Vườn sinh thái Đầm Bông nhận được sự phản đối kịch liệt từ nhiều chuyên gia và nhà hoạt động môi trường.

Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) cho biết, ngay sau khi triển lãm “Văn minh lúa nước sông Hồng với 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội” được khai mạc sáng 26/9, tại Vườn sinh thái Đầm Bông (Khu đô thị mới Định Công, Hoàng Mai), với sự “góp mặt” của 1.000 cá thể rùa quý hiếm, Trung tâm đã cử các cán bộ Chương trình Bảo vệ động vật hoang dã (ĐVHD)  tới khu vực triển lãm để tiến hành điều tra các loài rùa được trưng bày tại đây.

Kết quả cho thấy, có khoảng 16 loài rùa bản địa được trưng bày tại triển lãm với số lượng khoảng 340 cá thể. Trong số đó, rùa hộp ba vạch là loài ĐVHD quý hiếm được bảo vệ trong Nghị định 32/2006/NĐ-CP ngày 30/03/2006 của Chính phủ, thuộc nhóm IB (Nhóm các loài động vật rừng nghiêm cấm khai thác và sử dụng vì mục đích thương mại). Ngoài ra, rùa đầu to, rùa đất lớn, rùa răng, rùa núi vàng, rùa núi viền và rùa Trung bộ là những loài ĐVHD quý hiếm thuộc nhóm IIB (Nhóm các loài động vật rừng hạn chế khai thác và sử dụng vì mục đích thương mại).

Chuyên gia môi trường phản đối triển lãm có 1.000 rùa quý - 1

Loại rùa trong "sách đỏ" cũng có mặt tại triển lãm. (Ảnh: T. Nguyên)
 
Tại triển lãm còn có gian trưng bày ần 300 bình rượu ngâm các sản phẩm động, thực vật hoang dã. Một phần nhỏ trong số đó là các bình rượu ngâm rắn, kỳ đà, tê tê (nhóm IIB) và một bình rượu ngâm tay gấu (nhóm IB).

Theo ông Douglas Hendrie, chuyên gia quốc tế về rùa và cố vấn cao cấp của ENV - một thành viên tham gia khảo sát - hầu hết các cá thể rùa tại triển lãm đều được săn bắt từ tự nhiên dựa trên độ tuổi cũng như một số dấu hiệu trên mai rùa hoang dã khác biệt khá rõ so với rùa được gây nuôi.

Chuyên gia môi trường phản đối triển lãm có 1.000 rùa quý - 2
300 bình rượu ngâm với đủ loại động vật hoang dã. (Ảnh: ENV)
 
Trước đó, ENV đã làm việc với các cơ quan chức năng nhằm xác minh tính pháp lý của hoạt động gây nuôi rùa của Tập đoàn KAT nhưng chưa trực tiếp thực hiện được việc điều tra.

Kết quả điều tra từ cơ quan chức năng, tập đoàn KAT đăng ký gây nuôi 03 loài rùa với số lượng cụ thể như sau: 40 cá thể rùa núi vàng, 650 cá thể rùa đất lớn và 750 cá thể rùa tai đỏ. Chỉ trong ngày đầu khai mạc Triển lãm, cán bộ ENV mới có được cơ hội tiếp cận một trong các cơ sở gây nuôi của Tập đoàn này.

“Việc cho phép công chúng cơ hội tận mắt nhìn thấy và hiểu rõ những giá trị của loài rùa là hành động nên làm, nhưng những gì chúng tôi nhìn thấy tại Đầm Bông lại khiến chúng tôi nghĩ về một thực tế rất đáng buồn, đó là nạn săn bắt và buôn bán rùa đã và đang làm suy giảm rất nhiều quần thể rùa ngoài tự nhiên ở Việt Nam” -  ông Douglas Hendrie chia sẻ.
 
Chuyên gia môi trường phản đối triển lãm có 1.000 rùa quý - 3
Nằm chồng chất lên nhau trong bình rượu. (Ảnh ENV)
 
Nhiều bằng chứng cho thấy số lượng của hầu hết các loài rùa trong tự nhiên của Việt Nam đã giảm đáng kể trong 15 năm qua do một số lượng lớn đã bị bắt và bán trái phép sang Trung Quốc. Các quần thể rùa còn lại trong tự nhiên bị chia cắt và suy giảm nghiêm trọng. Trong số 25 loài rùa cạn và rùa nước ngọt của Việt Nam, 16 loài được Sách đỏ Thế giới xếp vào mức “Rất nguy cấp” hoặc “Nguy cấp”, 7 loài trong số còn lại xếp vào nhóm “Sắp nguy cấp”.

Bà Nguyễn Phương Dung, Phó Giám đốc ENV cho biết sẽ có buổi làm việc với Chủ tịch Tập đoàn KAT để thảo luận chi tiết về việc gây nuôi rùa tại đây.

Chiều 30/9, PV Dân trí cũng đã có mặt tại khu vực diễn ra triển lãm có sự xuất hiện của 1.000 con rùa quý và khu vực trưng bày rượu ngâm của Tập đoàn này. Tuy nhiên, những khu vực này đã tạm thời đóng cửa.

P. Thanh