Các dự án môi trường đề nghị vay đang tăng mạnh

(Dân trí) - Các dự án môi trường đề nghị vay đang tăng mạnh. Trong 2 năm qua số vốn giải ngân cũng tăng 60-150%. Đã đến lúc bảo vệ môi trường không còn là nghĩa vụ bắt buộc nữa mà là một kênh đầu tư hấp đẫn.

Đó là khẳng định của ông Nguyễn Nam Phương, Giám đốc quỹ Bảo vệ Môi trường Việt Nam (VEPF) - Bộ Tài Nguyên và Môi trường.

 

Không ít doanh nghiệp thẳng thắn cho rằng đầu tư cho xử lý ô nhiễm trở thành một gánh nặng chi phí trong thời điểm hiện nay. Vì thế đã không ít doanh nghiệp chấp nhận phạt mỗi khi bị phát hiện hành vi gây ô nhiêm môi trường chứ không muốn đầu tư để bảo vệ môi trường?

 

Đó đã là cái nhìn phiến diện ở thời điểm này. Trên thực tế, lợi ích khi đầu tư cho bảo vệ môi trường dễ thấy ở hai điểm: Một là nâng cao giá trị thương hiệu; hai là mang lại lợi ích về tài chính cho các doanh nghiệp.

 

Ngày nay, người tiêu dùng khá sành sỏi trong việc lựa chọn các sản phẩm tiêu dùng. Một trong những yếu tố tác động tới quyết định lựa chọn sản phẩm đó là doanh nghiệp sản xuất mặt hàng đó có trách nhiệm với xã hội. Ví dụ, cùng là sản phẩm của bột ngọt, nhưng Vedan bị tẩy chay sau những hành vi gây ô nhiễm môi trường vừa qua, trong khi đó Ajinomoto lại được khách hàng đánh giá cao vì sản xuất đi kèm với bảo vệ môi trường.

 

Đầu tư đổi mới công nghệ xử lý ô nhiễm, tái tạo năng lượng còn có tác dụng giảm thiểu chi phí vận hành đối với các cơ sở sản xuất. Tôi lấy ví dụ cụ thể, đối với một số ngành sản xuất đặc thù, trong quá trình sản xuất có thể thu hồi dịch để đốt hoặc trong xử lý nước thải phát sinh nhiều khí Biogas, đơn vị sản xuất có thể đầu tư công nghệ xử lý phù hợp cho phép thu hồi khí để đốt lò hơi hoặc phát điện. Sử dụng năng lượng tái tạo cho phép các đơn vị sản xuất tiết kiệm một lượng lớn nhiêu liệu đầu vào, đạt lợi ích kép vừa giảm thiểu ô nhiễm, vừa giảm thiểu chi phí vận hành. Lợi ích trực tiếp này đã được chứng minh tại các nhà máy sản xuất cồn, rượu, bia, giấy tại Việt Nam có vay vốn của chúng tôi.

 

Các dự án môi trường đề nghị vay đang tăng mạnh - 1
Hệ thống xử lý nước thải Khu công nghiệp Tiên Sơn - Bắc Ninh. (Ảnh: CTV)

 

Một vài kết quả cụ thể về những lợi ích mà doanh nghiệp được hưởng khi đầu tư bảo vệ môi trường?

 

Như làng nghề gốm sứ Bát Tràng (Hà Nội) mỗi năm tiêu thụ khoảng 70.000 tấn than, phát thải ra không khí khoảng 130 tấn bụi và thải ra môi trường 6.800 tấn tro xỉ… VEPF đã cho 26 cơ sở sản xuất tại làng gốm Bát Tràng để chuyển đổi công nghệ nung bằng than sang khí gas. Tính chung hàng năm các cơ sở này đã giảm được phát thải khí tương đương 1.579,08  tấn CO2, giảm chất thải rắn tương đương 600 tấn. Không chỉ vậy, với chi phí như nhau cho nguyên liệu thì sản phẩm của lò nung gas chỉ có tỉ lệ hư hao dưới 1% (của lò than trên 15%), giá bán cao hơn sản phẩm cùng loại nung lò than là 30%. Rõ ràng lợi nhuận của gốm nung bằng lò gas vượt trội hơn hẳn.

 

Trường hợp khác như Nhà máy xi măng Lưu Xá (Thái Nguyên), hệ thống lọc bụi khói lò trị giá 3,5 tỷ đồng đã giúp Lưu Xá giảm nồng độ bụi trong khói lò nung clanke từ 305mg/m3 khí thải xuống 42mg/m3 (mức cho phép là 144mg/m3 khí thải). Không những bảo vệ môi trường mà nhà máy còn tiết kiệm được khoảng 250 triệu đồng/năm từ việc tận dụng lượng bụi bị hóa bùn trước kia phải bỏ đi. Kể cả việc tận dụng nguyên liệu và lãi suất cho vay thấp, Lưu Xá đã tiết kiệm được 370 triệu đồng/năm. Điều kiện làm việc của công nhân đã được cải thiện rõ rệt, từ năm 2008 đến nay hoàn toàn không còn các ý kiến phàn nàn của nhân dân quanh khu vực về vấn đề ô nhiễm môi trường của nhà máy.

 

Các dự án môi trường đề nghị vay đang tăng mạnh - 2
Trạm xử lý nước thải tại các nhà máy chế biến thực phẩm. (Ảnh: CTV)

 

Xin ông cho biết cụ thể về báo cáo 2 năm trở lại đây số dự án môi trường được gửi đề nghị xin vay tăng mạnh, số vốn giải ngân cũng tăng từ 60-150% trải rộng các dự án tại hơn 30 tỉnh thành từ Cao Bằng tới Cà Mau?

 

Hoạt động cho vay, tài trợ và quản l‎ý CDM đều tăng mạnh trong 2 năm qua. Số tiền cho vay ưu đãi tăng nhanh theo các năm, cụ thể năm 2009 là 172 tỷ đồng, 2010 là 220 tỷ đồng. Tính đến nay, quỹ đã cho 113 dự án môi trường vay ưu đãi gần 600 tỷ đồng. Đồng thời quỹ đã tiếp nhận ký quỹ 25 tỷ đồng cho 65 đơn vị khai thác khoáng sản tại 11 tỉnh thành. Nhưng thực sự đây chưa phải là con số đủ và đẹp, bởi hiện vẫn còn nhiều doanh nghiệp vừa thiếu vốn vừa thiếu thông tin về bảo vệ môi trường nên còn nghĩ theo nếp cũ.

 

Được biết doanh nghiệp vay vốn theo của VEPF sẽ được hưởng chính sách ưu đãi khá hấp dẫn?

 

VEPF là quỹ hoạt động phi lợi nhuận nên đưa ra hỗ trợ tài chính cho các hoạt động bảo vệ môi trường trên phạm vi cả nước với lãi suất ưu đãi chỉ 5,4%/năm và không thay đổi trong suốt thời gian vay. Khách hàng có thể được vay 70-75% tổng vốn đầu tư trong thời gian 10 năm. Trong tình hình nguồn tài chính khó khăn như hiện nay thì đây thực sự là một sự ưu đãi rất lớn cho doanh nghiệp và nhà đầu tư. Không những thế, Quỹ còn đưa ra nhiều hình thức đa dạng như cho vay với lãi suất ưu đãi, hỗ trợ lãi suất vay, tài trợ và đồng tài trợ, quản lý dự án theo cơ chế phát triển sạch (CDM), ký quỹ phục hồi môi trường trong khai thác khoáng sản, bảo lãnh vay vốn. 

 

Đối tượng của Quỹ không chỉ là các dự án lớn mà còn trải rộng tới các hộ kinh doanh. Mặt khác, doanh nghiệp cần ‎lựa chọn đầu tư các lĩnh vực nóng bỏng, cấp thiết mà VEPF đang ưu tiên như xử lý nước thải ở các KCN; xử lý chất thải sinh hoạt; chất thải công nghiệp; xử lý khí thải; sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượng; nghiên cứu và triển khai công nghệ thân thiện với môi trường; bảo tồn đa dạng sinh học; giáo dục, truyền thông môi trường và phát triển bền vững.

 

Các dự án môi trường đề nghị vay đang tăng mạnh - 3
Xử lý ô nhiễm khói bụi xi măng tại Nhà máy Xi măng Duyên Linh - Hải Dương. (Ảnh: CTV)

 

Một phần không nhỏ vốn của quỹ cũng được rót cho tài trợ môi trường và cơ chế sản xuất sạch hơn (CDM). Xin ông cho biết cụ thể, làm cách nào để doanh nghiệp tiếp cận nhiều hơn nguồn vốn này?

 

Để tiếp cận được các nguồn tài chính này, các doanh nghiệp cần nắm rõ những lĩnh vực ưu tiên và tiêu chí lựa chọn. Trong đó, tiêu chí để các doanh nghiệp được chọn sẽ dựa vào một số yếu tố như tính cấp thiết, hiệu quả, tính phù hợp, tính nhân rộng và cuối cùng là khả năng hoàn trả vốn của dự án. Để việc tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ tài chính cho sản xuất sạch hơn tại Việt Nam, việc kết hợp giữa doanh nghiệp với các Quỹ và ngân hàng là rất cần thiết. Điển hình như Quỹ Uỷ thác tín dụng xanh (GCTF) phối hợp với ngân hàng Techcombank, ACB và VIB để cấp vốn vay tới các doanh nghiệp. Trong đó, tiêu chí để lựa chọn doanh nghiệp được cấp vốn vay sẽ phải hội tụ một số điều kiện như: đầu tư mới dây chuyền hoặc thay thế; ít nhất phải cải thiện được 30% thông số môi trường; quy mô công ty có vốn điều lệ dưới 5 triệu USD và đối tác Việt Nam chiếm 51%...

 

Nguồn vốn cho doanh nghiệp vay theo kiểu này sẽ kéo dài và phát triển theo hướng nào, thưa ông?

 

Trong ngắn hạn, VEPF sẽ tiếp tục duy trì cho vay ưu đãi với tốc độ hiện nay, đẩy mạnh tài trợ và hỗ trợ lãi suất. Vốn hỗ trợ sẽ tập trung giải quyết các vấn đề bức xức về môi trường, ưu tiên các công trình trọng điểm của nhà nước như cải thiện môi trường các lưu vực sống, xử l‎ý rác thải sinh hoạt và công nghiệp, biến đổi khí hậu. Đồng thời, VEPF mở rộng hợp tác quốc tế nhằm tăng cường nguồn lực và tranh thủ nguồn vốn, công nghệ tiên tiến, cũng như kinh nghiệm quản lý và đào tạo nghiệp vụ trong lĩnh vực hoạt động quỹ. Trong tầm nhìn đến 2020, VEPF phấn đấu trở thành một Ngân hàng môi trường vì một nền kinh tế xanh.

 

Trân trọng cảm ơn ông!

 

P. Thanh (thực hiện)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm