Bạc Liêu: Hứng chịu hơn 10 loại thiên tai

(Dân trí) - Theo UBND tỉnh Bạc Liêu, nhiều năm gần đây, tỉnh này xuất hiện hơn 10 loại thiên tai với các cấp độ rủi ro khác nhau, gây thiệt hại không nhỏ đến cơ sở vật chất và đời sống người dân.

Trong một hội nghị về “Thực trạng hạn hán, xâm nhập mặn ở Bạc Liêu và giải pháp ứng phó” vừa tổ chức mới đây tại tỉnh Bạc Liêu, theo UBND tỉnh Bạc Liêu, tỉnh này hiện đang phải gánh chịu những hậu quả nặng nề do tác động của biến đổi khí hậu gây ra.

Tỉnh Bạc Liêu nằm ở vị trí tiếp giáp với biển Đông, có hệ thống sông ngòi chằng chịt, ăn sâu vào nội đồng, địa hình lại tương đối thấp so với mực nước biển nên rất dễ bị tác động tiêu cực từ nước biển dâng.

Thời gian qua, khu vực nội ô TP Bạc Liêu và các phường, xã ven biển thường bị ngập do triều cường dâng cao hoặc khi mưa lớn. Trong khi đó, vào mùa khô, kết hợp với mực nước biển dâng lại gây ra tình trạng thiếu nước ngọt và sự xâm nhập mặn vào sâu trong nội đồng ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước, gây khó khăn cho sản xuất và đời sống người dân.

Hạn hán gây chết lúa trong năm 2016 xảy ra tại Bạc Liêu.
Hạn hán gây chết lúa trong năm 2016 xảy ra tại Bạc Liêu.

Qua thống kê cho thấy, nhiều năm gần đây, tỉnh Bạc Liêu xuất hiện hơn 10 loại thiên tai với các cấp độ rủi ro khác nhau, như: Bão và áp thấp nhiệt đới, lốc và sét, hạn hán và xâm nhập mặn, ngập lụt, sạt lở đất, nước dâng do triều cường, gió mạnh trên biển,…

Điển hình vào tháng 2/2017, trên địa bàn tỉnh xảy ra sạt lở kè đê biển Gành Hào (huyện Đông Hải) và kè biển Nhà Mát (TP Bạc Liêu) gây thiệt hại hàng tỷ đồng, đe dọa hàng ngàn hộ dân sống khu vực xung quanh. Để khắc phục, tỉnh này phải cần đến hàng trăm tỷ đồng để thực hiện một số biện pháp trước mắt và lâu dài để ổn định các bờ kè, giảm thiểu thiệt hại.

Sóng gió lớn đánh vào gây sạt lở kè đê biển Gành Hào hồi tháng 2/2017.
Sóng gió lớn đánh vào gây sạt lở kè đê biển Gành Hào hồi tháng 2/2017.

Trước thực trạng trên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phan Như Nguyện cho rằng, cả hệ thống chính trị cần phải vào cuộc tập trung phòng, chống thiên tai do hạn hán, xâm nhập mặn gây ra.

“Chúng ta cần phải thực hiện những biện pháp lâu dài như tăng cường tuyên truyền để nhân dân chủ động đảm bảo nguồn nước sinh hoạt, sản xuất trước tác động tiêu cực của hạn hán, xâm nhập mặn trong thời gian tới. Trong đó, điều chỉnh cơ cấu sản xuất theo hướng chuyển dịch mùa vụ nuôi trồng, thủy sản, cũng như đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật thích ứng và ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng”, Phó Chủ tịch tỉnh Bạc Liêu chỉ đạo rõ.

Huỳnh Hải