Đắk Nông:

8.000 hécta cây trồng trước nguy cơ hạn hán cấp bách

(Dân trí) - Do lượng mưa năm 2015 thấp hơn trung bình nhiều năm, chỉ đạt từ 52 đến 94%, nên lượng nước tại các sông, suối, hồ chứa giảm mạnh, nhiều hồ không đạt dung tích thiết kế. Dự báo đến giữa tháng 4, nếu trời tiếp tục nắng nóng kéo dài sẽ có thêm gần 60 hồ đập cạn nước và diện tích cây trồng bị hạn hán tăng lên trên 8.000 hécta.

Theo UBND tỉnh Đắk Nông, tính tới thời điểm này, toàn tỉnh có gần 1.000 ha cà phê, tiêu… bị ảnh hưởng bởi tình trạng nắng hạn, thiếu nước tưới. Các ngành chức năng của tỉnh và chính quyền các địa phương đang tập trung hỗ trợ người dân chống hạn, hạn chế thấp nhất ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt.

Người dân phải đưa máy bơm ra túc trực chờ nước để tưới cà phê
Người dân phải đưa máy bơm ra túc trực chờ nước để tưới cà phê

Theo đó, diện tích bị ảnh hưởng tập trung nhiều ở các huyện phía bắc của tỉnh như Đắk Mil, Krông Nô, Cư Jút. Đến ngày 22/2, có 135/159 hồ chứa do Công ty Khai thác Công trình thủy lợi Đắk Nông quản lý xuống dưới mực nước dâng bình thường. Trong đó, 5 hồ đã cạn trơ đáy, 1 hồ dưới mực nước chết, 8 hồ dưới mực nước dâng bình thường từ 2 đến 4m.

Một trong số các địa phương trọng điểm về hạn hán của Đắk Nông là hồ Đắk Ken, xã Đắk Lao, huyện Đắk Mil. Hồ Đắk Ken hiện đang cung cấp nước tưới cho hơn 200 ha cà phê khu vực lân cận. Đến thời điểm này, người dân chỉ mới tưới đợt một cho một nửa diện tích nêu trên nhưng hồ đã cạn trơ đáy. Cả chục máy bơm, máy nổ đang đợi nước từ trạm bơm từ hồ Tây (thị trấn Đắk Mil, huyện Đắk Mil) để tiếp tục chống hạn. Nhiều hộ dân tại đây đứng ngồi không yên nhiều ngày nay do tình trạng hạn hán, thiếu nước tưới đang ảnh hưởng từng ngày đến cây trồng, nguy cơ mất mùa không chỉ trong vụ này mà còn trong những vụ kế tiếp.

Hơn 1000 héc-ta cà phê đã bị ảnh hưởng và hơn 8000 héc ta cây trồng đang đứng trước nguy cơ khô hạn
Hơn 1000 héc-ta cà phê đã bị ảnh hưởng và hơn 8000 héc ta cây trồng đang đứng trước nguy cơ khô hạn

Ông Trần Đoàn (trú xã Đắk Lao, huyện Đắk Mil) cho biết, đập Đắk Ken đã hết nước từ 29 tết. Bà con đã tưới đợt 1, một số thì chưa nên bà con gặp rất nhiều khó khăn về nguồn nước. Hồ này cung cấp nước tưới cho 200 ha, nhưng đến nay mới 100 ha mà mới đợt 1 thôi mà cái hồ đã cạn đáy. Sản lượng cà phê năm nay sẽ sụt giảm khoảng 40%.

Để chống hạn, bên cạnh nguồn nước tự nhiên và từ các công trình thủy lợi, người dân tại nhiều địa phương đầu tư khoan giếng tầng sâu để chủ động nguồn nước tưới. Tuy nhiên, mực nước ngầm ngày càng tụt sâu là nguyên nhân khiến việc khoan giếng lấy nước chống hạn tại nhiều nơi không còn hiệu quả như trước. Nhiều hộ dân khoan 3, 4 giếng khoan liên tiếp nhưng vẫn không đủ nước để tưới cà phê. Người dân thiệt hại kép vì chi phí mỗi giếng khoảng 20 triệu đồng những nước tưới thì vẫn không có đủ.

Không có nước tưới, hàng trăm héc ta đất trồng lúa của người dân xã Tâm Thắng đành bỏ hoang
Không có nước tưới, hàng trăm héc ta đất trồng lúa của người dân xã Tâm Thắng đành bỏ hoang

Tình trạng khô hạn tại huyện Cư Jút cũng đang diễn biến rất gay gắt, anh Nguyễn Văn An (trú xã Tâm Thắng, huyện Cư Jút) cho biết, thời tiết năm nay thì so với mọi năm nắng hạn gay gắt hơn. Gia đình có chủ động khoan giếng nhưng tới giờ mới đủ nước cho sinh hoạt, chứ chưa đủ cho tưới cà phê. Nguy cơ cà phê mất mùa do khô hạn rất là lớn.

Do lượng mưa năm 2015 thấp hơn trung bình so với nhiều năm, chỉ đạt từ 52 đến 94% nên lượng nước tại các sông, suối, hồ chứa giảm mạnh, nhiều hồ không đạt dung tích thiết kế. Dự báo đến giữa tháng 4, nếu trời tiếp tục nắng nóng kéo dài sẽ có thêm gần 60 hồ đập cạn nước và diện tích cây trồng bị hạn hán tăng lên trên 8.000 hécta, gây thiệt hại lớn cho sản xuất nông nghiệp của địa phương.

Ngành nông nghiệp tỉnh Đắk Nông, Công ty khai thác công trình thủy lợi tỉnh và chính quyền các địa phương đang tập trung hỗ trợ người dân chống hạn. Bên cạnh việc khuyến cáo người dân tiết kiệm nước, các giải pháp trước mắt là tổ chức khơi thông dòng chảy, nâng cao ngưỡng tràn, đắp đập tạm trên sông, suối để tích trữ nước. Về lâu dài, ngành nông nghiệp khuyến cáo người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại những khu vực bị khô hạn nặng, đồng thời cân đối nguồn vốn để đầu tư, nâng cấp một số công trình thủy lợi lớn. Có thể nói, nguồn nước phục vụ tưới tiêu đang là vấn đề sống còn đối với ngành nông nghiệp Đắk Nông hiện nay.

Người dân tìm mọi cách để tìm nước tưới cho cây trồng
Người dân tìm mọi cách để tìm nước tưới cho cây trồng

Về vấn đề này, ông Trương Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông cho biết: Công ty khai thác công trình thủy lợi sẽ chủ động khai thác, nạo vét kênh mương từ sông Sê-rê-pốk vào điểm tập kết nước để người dân có điều kiện bơm tưới. Đó là giải pháp nhanh, trước mắt, kịp thời để chống hạn, đặc biệt là cứu hơn 240 ha cây dài ngày có giá trị kinh tế cao của cà phê, tiêu của đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ. Chúng ta biết rừng, cà phê, hạt tiêu, nếu trong vòng một thời gian ngắn, khoảng một tuần, nếu không có nước tưới thì nó sẽ ảnh hưởng lớn đến vụ này, và cả vụ sau. Đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, họ đã bị mất mùa, sẽ kéo theo nhiều hệ lụy về tái diễn đói nghèo, trật tự xã hội trên địa bàn.

Với các biện pháp đồng loạt của chính quyền các cấp và sự chủ động của người dân, mong rằng việc phòng chống khô hạn của tỉnh Đắk Nông sẽ đạt được nhiều kết quả, hạn chế thấp nhất những thiệt hại đối với sản xuất nông nghiệp cũng như sinh hoạt của người dân. Về lâu dài, việc phòng chống khô hạn tại Đắk Nông nói riêng và Tây nguyên cần có thêm những giải pháp căn cơ, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu, nắng hạn ngày càng gay gắt như hiện nay.

Đức Cường