Xuất khẩu lao động nông nghiệp kiếm 1500 USD/tháng

(Dân trí) - Lao động nông nghiệp Việt Nam có cơ hội nhận lương từ 1300-1500 USD/tháng khi đi làm việc tại Israel. Đây là thị trường mới với nhiều sức hấp dẫn những cũng cần đề phòng yếu tố rủi ro.

Không khắt khe trong lựa chọn, các doanh nghiệp của Israel chỉ yêu cầu trong nhóm 10 lao động phải có 1 người nghe, nói tiếng Anh được để quản lý, điều hành. Người lao động sử dụng  thành thạo các loại máy nông nghiệp như máy cắt cỏ, phun thuốc…

Điều kiện tuyển chọn cũng khá đơn giản: Nam, nữ tuổi từ 20 đến 32, không mắc các bệnh truyền nhiễm; không tiền án, tiền sự... Tuy nhiên lao động nam phải có kinh nghiệm 4 năm làm nông nghiệp. Phía nước bạn ưu tiên sinh viên theo học từ năm thứ 3 trở đi hoặc đã tốt nghiệp các trường trung cấp, cao đẳng, đại học chuyên ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy lợi, kinh tế nông nghiệp. Ngoài ra, những người đang làm việc, công tác tại các tổ chức, doanh nghiệp thuộc ngành nông nghiệp... cũng có thể tham gia dự tuyển. Mức lương cơ bản ban đầu khi làm việc Israel khoảng 1300-1500 USD/tháng. Đây là thị trường mới có nhiều thuận lợi cho lao động Việt Nam với những yêu cầu không quá khắt khe như nhiều thị trường khác, trong khi mức thu nhập lại hấp dẫn.
 
Xuất khẩu lao động nông nghiệp kiếm 1500 USD/tháng - 1
Lao động nông nghiệp hưởng lương khoảng1500USD/ thang tại Israel. (Ảnh: TT)
 
 
Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, mỗi năm thị trường Isarel chỉ tiếp nhận khoảng 4- 5 nghìn người. Trong đó, lao động Thái Lan chiếm tới 60%, tỷ lệ lao động Việt Nam và một số nước Đông Nam Á khác như Indonesia, Philippin vẫn chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Trước đó, Israel thường chỉ tiếp nhận tu nghiệp sinh Việt Nam. Tuy nhiến từ đầu năm đến nay đã  có khoảng 20 tập đoàn và doanh nghiệp của Israel hoạt động trong các lĩnh vực nông nghiệp đã sang Việt Nam tìm hiểu cơ hội đầu tư, kinh doanh và đưa ra đơn đặt hàng về nhu cầu tuyển dụng người lao động.
 
Tuy nhiên, theo Cục trưởng Cục Quản lý Lao động ngoài nước (Bộ Lao động – Thương binh – Xã hội) Nguyễn Ngọc Quỳnh, khó khăn lớn nhất tại thị trường lao động Israel  hiện nay là  hai nhà nước chưa ký hiệp định hợp tác về lao động. Vì thế, những đơn đặt hàng của doanh nghiệp hoàn toàn do tự thân vận động. Vì thế, không loại trừ khả năng doanh nghiệp cũng vấp phải những rủi ro trong quá trình tìm kiếm đơn hàng cho người lao động. Theo ông Quỳnh, hiện Cục vẫn khá cẩn thận trong việc thẩm định các đơn hàng của các doanh nghiệp.

P. Thanh- L. Phương