Xảy ra hiện tượng trái ngược trên thị trường lao động
(Dân trí) - Trên 1.000 doanh nghiệp hiện đang gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, hiện tượng thiếu lao động lại xảy ra cục bộ tại một số địa phương.
Theo thống kê của Cục Việc làm, Bộ LĐTB-XH, quý I năm 2009, có 1.264 doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh khiến 64.897 lao động mất việc, chiếm 10% tổng số lao động và gần 39.000 LĐ bị thiếu việc làm.
Các ngành có lượng lao động mất việc và thiếu việc nhiều nhất là: gia công, chế biến hải sản, nông sản, điện tử, địa ốc...
Tuy nhiên, theo báo cáo từ những tỉnh, thành lớn như: TP Hà Nội, TPHCM, tỉnh Bình Dương... tình trạng thất nghiệp của người lao động không kéo dài quá lâu, bởi hầu hết số lao động bị cắt giảm trong thời gian vừa qua đều đã được hỗ trợ tìm việc làm mới. Thậm chí một số địa phương còn báo cáo về tình trạng thiếu hụt lao động, đặc biệt tại những doanh nghiệp dệt may.
Đơn cử như tại TPHCM, tính đến cuối tháng 5/2009, có gần 21.900 người mất việc trong khi nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp là 61.527 người, gấp 3 lần số lao động mất việc.
Theo nhận xét của các chuyên gia hiện tượng thiếu lao động chỉ xảy ra cục bộ. Đây là hậu quả của “chiến lược” vội vã cắt giảm lao động, đến khi tình hình sản xuất đã ổn định thì không thể tuyển đủ số lượng lao động cần thiết. Cùng đó là tình trạng người lao động chuyển dịch từ địa phương hoặc doanh nghiệp này sang doanh nghiệp khác.
Tuy nhiên, theo cảnh báo của các chuyên gia kinh tế, từ nay đến cuối năm 2009, Việt Nam vẫn phải đối phó với tình trạng suy giảm kinh tế, sẽ có thêm 300.000 lao động mất việc làm.
P. Thanh