VN có một hệ thống chính sách toàn diện cho người khuyết tật

“Chính sách pháp luật đối với người khuyết tật, người cao tuổi đã tiếp tục được hoàn thiện trên cơ sở tiếp cận quyền con người, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người khuyết tật, người cao tuổi phù hợp với phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”


Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân phát biểu tại Hội thảo "Giải pháp sáng tạo thúc đẩy hòa nhập dành cho người khuyết tật và người cao tuổi". Chương trình do Bộ LĐ-TB&XH phối hợp cùng Ủy ban về các Quyền bình đẳng của Người khuyết tật Isarel và Quỹ dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) tại VN tổ chức  ngày 7/12 tại Hà Nội.

Đánh giá lại kết quả thực hiện các quyền của người khuyết tật và người cao tuổi trong những năm qua, Thứ trưởng Nguyễn Minh Huân cho biết: Tính đến tháng 6/2015, Việt Nam có khoảng 7 triệu NKT (chiếm 7,8% dân số), người khuyết tật đặc biệt nặng và nặng chiếm khoảng 28,9%, khoảng 58% người khuyết tật là nữ, 28,3% người khuyết tật là trẻ em, 10,2% người khuyết tật là người cao tuổi, khoảng 10% người khuyết tật thuộc hộ nghèo.

“Quá trình tổ chức thực hiện Luật Người khuyết tật trong những năm qua cho thấy, Nhà nước, gia đình và xã hội đã nỗ lực cho mục tiêu bảo đảm quyền bình đẳng về chăm sóc sức khỏe, giáo dục, dạy nghề và việc làm, bảo đảm điều kiện tiếp cận trong các hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao, giải trí, du lịch, nhà chung cư, công trình công cộng, giao thông, công nghệ thông tin và truyền thông…” - Thứ trưởng Phạm Minh Huân nói.

Tại buổi lễ, ông Ahiya Kamara - Chủ nhiệm Ủy ban về các quyền bình đẳng của Người khuyết tật Israel - đã cung cấp nhiều thông tin về chính sách hỗ trợ dành cho NKT và người cao tuổi tại Israel, như: Đa số công trình công cộng tại nước này đều đảm bảo tính tiếp cận cho tất cả những NKT. Trẻ em khuyết tật khi đi học sẽ được hòa nhập từ mẫu giáo đến hết phổ thông, có giáo viên trợ giảng chuyên nghiệp và được tiếp cận miễn phí hoàn toàn với những hình thức phục hồi chức năng tối tân nhất…

Theo đại diện Bộ LĐ-TB&XH, những hoạt động này nhằm khắc phục một phần khó khăn cho người khuyết tật trong hòa nhập cuộc sống và tiếp cận các dịch vụ xã hội, giảm thiểu dần những rào cản hòa nhập xã hội đối với người khuyết tật.

Nêu vai trò của công tác chăm sóc NKT và người cao tuổi, bà Ritsu Nacken - Quyền Trưởng đại diện UNFPA tại VN, cho biết: “Người cao tuổi  luôn chiếm tỷ lệ cao nhất trong các nhóm người khuyết tật, thường là đa khuyết tật nguyên nhân chính là do sự giảm thiểu các chức năng hoạt động của con người và một số bệnh của người cao tuổi”.

Theo UNFPA, già hóa dân số là một trong những xu hướng có ý nghĩa nhất của thế kỷ 21, có tác động mạnh mẽ đến rất nhiều khía cạnh của đời sống kinh tế và xã hội của các quốc gia, trong đó có cả các nước với dân số trẻ như VN. Xu hướng già hóa dân số đã bắt đầu xảy ra tại Israel từ 2009. VN là trường hợp khá đặc biệt vì hiện nay đất nước đang ở thời kỳ dân số vàng, đồng thời tốc độ già hóa dân số rất nhanh (10% dân số là người cao tuổi).

Bà Ritsu Nacken khẳng định người cao tuổi là người có ích chứ không phải là gánh nặng hay tốn kém cho xã hội. Chính phủ VN cần chuẩn bị kỹ trước khi quá muộn bằng cách quy hoạch và xây dựng hệ thống bảo vệ, chăm sóc thích hợp cũng như cung cấp các hỗ trợ và tạo cơ hội việc làm cho người cao tuổi. “Khi người cao tuổi đảm bảo được thu nhập hay có tiết kiệm , thậm chí có thể tạo được’ thị trường bạch kim’, giống như chúng ta thấy ở một số nước có dân số siêu già”.

Hoàng Mạnh

Tin liên quan: "Tôi đẹp - bạn cũng thế!”

Tối 21/11, tại Hà Nội, chương trình thời trang "Tôi đẹp - bạn cũng thế!” dành cho phụ nữ là người khuyết tật (NKT) lần đầu tiên đã được tổ chức nhằm kỷ niệm Ngày Quốc tế Người khuyết tật thế giới.

Chương trình do Tổ chức Nghị Lực Sống cùng sự hỗ trợ của tổ chức Liên Hợp Quốc tại Vn, Đại sứ quán Ý, Đại sứ quán Úc tại VN và trường đại học Flinders  cùng với các thương hiệu thời trang nổi tiếng. Hơn 30 phụ nữ khuyết tật đến từ khắp các tỉnh, thành đã trình diễn các trang phục của nhiều nhà thiết kế nổi tiếng.

Ảnh internet
Ảnh internet

Họ được trang điểm, làm tóc và được khoác lên mình những bộ trang phục đẹp. Khán giả thực sự xúc động và thuyết phục bởi vẻ đẹp, sự tự tin của những người mẫu khuyết tật. Theo bà Nguyễn Thị Vân, Giám đốc Trung tâm Nghị lực sống, người khởi xướng chương trình, phụ nữ khuyết tật cũng như những người khác đều có quyền và khao khát muốn được cảm thấy hấp dẫn, tỏa sáng trên sàn diễn. Hơn thế nữa, nguyện vọng này còn là cách làm đẹp cho cuộc sống và cổ vũ những người khuyết tât vươn lên trong cuộc sống.

Đây cũng là một sự kiến nhằm thay đổi sự nhìn nhận có tính khuôn mẫu của cộng đồng khi áp đặt về người khuyết tật, đưa ra một chuẩn mực mới cho cái đẹp và sự chuyên nghiệp bắt nguồn từ sự đa dạng và khác biệt. Sau sự kiện ở Hà Nội, chương trình “Tôi đẹp - bạn cũng thế!” sẽ tiếp tục được diễn tại Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh. Chương trình nhằm nhấn mạnh sự cần thiết của Công ước quốc tế về sự bình đẳng, tôn trọng, tiếp cận, hòa nhập và nhân quyền trong cuộc sống sáng tạo của người khuyết tật tại VN. V.K