Ứng viên tìm việc, coi chừng bị lừa!
Lần đó, sau khi được đăng lên mục “Lao động nữ tự giới thiệu” ở báo P.N, Thanh Vân được một “nhà tuyển dụng” gọi điện thoại mời dự phỏng vấn. Điều bất thường là ở chỗ, địa điểm phỏng vấn lại là... một quán cà phê.
Lý do “nhà tuyển dụng” này đưa ra khá thuyết phục: “Anh muốn sơ vấn trước, nếu đạt yêu cầu, mới báo cáo cho sếp và nhận vào làm việc luôn”.
Các chiêu lừa
Sáng hôm sau, trên đường đến điểm hẹn, Vân được “nhà tuyển dụng” (tự giới thiệu tên Phương) gọi điện, hẹn gặp ở một địa điểm khác, mời vào nhà “phỏng vấn”. Phương hỏi Vân về công việc của một thư ký văn phòng, rồi giảng giải: “Một thư ký văn phòng hiện đại là phải làm tất cả các công việc mà sếp yêu cầu, có khi còn phải ủi đồ cho sếp”. Anh ta hứa hẹn sẽ trả lương 2 triệu đ/tháng, dù mức lương đề nghị của Vân chỉ 1,2-1,5 triệu đ/tháng.
Sau đó, anh ta lại kêu Vân ủi đồ để anh ta đi công chuyện gấp. Rồi anh ta đi... tắm và gọi cô mang quần áo (vừa ủi) vào cho anh ta. Lúc này, “nhà tuyển dụng” lộ nguyên hình là một tên yêu râu xanh.
Một nạn nhân khác tên Ngô Kim Phượng được một văn phòng dịch vụ việc làm giới thiệu đến Công ty X ở quận 1, TPHCM, gặp ông Hoàng để được phỏng vấn nhận vào bán hàng, lương 900.000đ/tháng.
Khi Phượng đến, được Hoàng đón ngay trước cổng, mời qua quán nước bên cạnh để “xem hồ sơ”. Viện cớ xe hư, Hoàng quá giang xe Phượng đến “chi nhánh công ty trên đường Nguyễn Thị Minh Khai”.
Dọc đường Hoàng bảo Phượng ghé tiệm photo một số giấy tờ để bổ sung hồ sơ. Lợi dụng lúc Phượng sơ hở, Hoàng nhảy lên xe máy của Phượng chạy mất.
Xung quanh các vụ lừa này, đã có 2 văn phòng dịch vụ việc làm bị đình chỉ hoạt động, phải bồi thường phân nửa tài sản bị mất của người tìm việc. Chiêu thức của bọn lừa đảo tuy có khác nhau nhưng tựu trung đều nhắm vào niềm khát khao có việc làm của người tìm việc.
Nhận diện bọn lừa đảo
Cần lưu ý: không có nhà tuyển dụng đàng hoàng nào lại hẹn phỏng vấn ở bên ngoài cơ quan (quán nước, ngoài cổng công ty, nhà riêng...).
Khi được hẹn đến phỏng vấn ở một cơ quan, cần lưu ý xem cơ quan đó có bảng hiệu, bàn ghế, thiết bị, nhân viên gì không (vì đã có trường hợp thuê mặt bằng tạm bợ để làm “trụ sở” lừa).
Đề phòng những “nhà tuyển dụng” đưa ra nhưng yêu cầu, đề nghị lạ (bắt ứng viên ủi hộ quần áo) hoặc tỏ ra quá thân thiện với ứng viên ngay lần đầu tiên (xem xét hộ hồ sơ, xin đi nhờ,...).
Thận trọng với những lời hứa bởi những kẻ lừa đảo thường vẽ ra những vị trí tốt, thu nhập vượt quá khả năng của người dự tuyển, đưa ra thật nhiều hứa hẹn tốt lành trong buổi đầu gặp gỡ. Đó là điều bất thường mà người tìm việc cần bình tĩnh xem xét.
Theo Kiemviec.com