Quảng Nam:

Tuyệt chiêu dụ tôm của ngư phủ cả đời "cắm chốt" nơi cửa sông

Hoài Sơn

(Dân trí) - Đêm xuống, ngư dân ở xã Tam Hải (Quảng Nam) lại dong thuyền ra sông Trường Giang kéo rớ bắt tôm. Dù có bữa no, bữa đói nhưng họ vẫn chuyên tâm gắn bó với nghề vất vả này.

Săn tôm bằng rớ đèn

Đêm muộn, tầm 21h, ở ốc đảo Long Thạnh Tây (xã Tam Hải, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) đã có rất nhiều ghe, thuyền chong đèn đi săn tôm, cá. Theo ghe của ông Trần Tấn Trưởng (58 tuổi), chúng tôi xuôi về hướng sông Trường Giang để kéo rớ, bắt tôm.

Tuyệt chiêu dụ tôm của ngư phủ cả đời cắm chốt nơi cửa sông - 1

Ông Trần Tấn Trưởng đang xuôi về hướng sông Trường Giang để kéo rớ bắt tôm.

Đồ nghề dùng cho chuyến đi săn cũng vô cùng đơn giản, chỉ cần một chiếc đèn pin, thùng xốp để đựng thành phẩm và một thứ không thể thiếu là hương muỗi.

"Công việc kéo rớ trên sông của chúng tôi khá vất vả vì thường xuyên diễn ra vào ban đêm. Trên sông nước, muỗi rất nhiều nên hương đuổi muỗi là thứ không thể thiếu trong mỗi chuyến đi", ông Trưởng giải thích.

Theo ông Trưởng, nơi đây là đoạn sông Trường Giang chuẩn bị đổ ra biển nên phần lớn ngư dân khu vực này đều bám sông, bám nước, kéo rớ giàn mà sống.

Tuyệt chiêu dụ tôm của ngư phủ cả đời cắm chốt nơi cửa sông - 2

Ở ốc đảo Long Thạnh Tây, người dân chủ yếu làm nghề rớ đêm, hay còn gọi là rớ đèn, dùng ánh sáng để nhử cá, tôm.

Rớ giàn là cách gọi dân dã mà những cư dân sống cuối dòng sông dùng để phân biệt với rớ bè. Thay vì ngồi trên ghe lênh đênh nay đây mai đó để thả rớ như nghề rớ bè, ngư dân làm nghề rớ giàn dựng giàn tre để cố định lưới rớ giữa sông.

Rớ là một cái lưới hình vuông có chiều dài ngót nghét trăm mét, được bao quanh bằng giàn tre và dây thừng để giằng giữ, cố định rớ trên sông. Nhìn giàn tre có vẻ đơn giản nhưng để các thanh tre xung quanh rớ không bị nghiêng và lưới không bị xếp lại hoặc trôi đi... đòi hỏi người làm phải có kỹ thuật rất cao.

Tuyệt chiêu dụ tôm của ngư phủ cả đời cắm chốt nơi cửa sông - 3

Ngư dân dùng tay để quay trục thu dây, kéo rớ lên khỏi mặt nước.

Nghề kéo rớ bắt tôm trên sông Trường Giang cũng phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết và con nước. Điều đặc biệt là người dân ở đây chủ yếu làm nghề rớ đêm, hay còn gọi là rớ đèn (dùng ánh sáng để nhử cá vào rớ). Thời gian kéo thường bắt đầu từ giữa đêm cho đến rạng sáng.

"Đừng tưởng rằng kéo rớ ở sông không có cá to. Có người đã từng kéo được con nặng 10-30kg, bán tiền triệu đó. Hôm nay tôi thu cũng được 4kg tôm, bán được 300.000 đồng, còn cá thì đem về ăn", ông Trưởng chia sẻ.

Xuyên đêm theo chân ngư dân kéo rớ bắt tôm trên sông

Khó giữ nghề

Trên chiếc chòi tre rộng chưa tới một mét vuông dựng ngay bên cạnh chiếc rớ giàn của gia đình, ông Trần Văn Tâm (57 tuổi, trú tại thôn Long Thạnh Tây) cùng vợ tỉ mỉ quan sát, canh thời gian để kéo rớ.

Khi thấy tôm búng lên mặt nước, ông Tâm vội nhắc vợ quay trục để thu dây, kéo rớ thật nhanh, còn bản thân thì lật đật bước xuống chiếc ghe neo ngay dưới chân chòi tre, rồi chèo thật nhanh tới rớ để thu "chiến lợi phẩm".

Tuyệt chiêu dụ tôm của ngư phủ cả đời cắm chốt nơi cửa sông - 4

Ngư dân dùng con thuyền nhỏ để tiếp cận rớ, thu "chiến lợi phẩm".

"Được nhiều tôm lắm bà ơi", ông Tâm mừng rơn, nói to khoe với vợ. Ở trên chòi, người phụ nữ quệt vội những giọt mồ hôi, rồi trả lời: "Chừng đó cũng được chục ký ông nhỉ?".

"Theo giờ nước lên, mỗi đêm thường kéo rớ được 2 lần. Đêm nay, với 2 cái rớ, tôi kéo được gần 10kg tôm, vài kg cá tạp và một ít cua. Tôm, cá thì mai vợ tôi đem ra chợ bán, chắc được hơn 700.000 đồng, còn cua thì để ăn", ông Tâm bộc bạch.

Tuyệt chiêu dụ tôm của ngư phủ cả đời cắm chốt nơi cửa sông - 5

Cá, tôm được gom vào một cái rổ rồi được đưa lên thuyền lớn để phân loại.

Nhà ông Tâm đã có nhiều đời làm nghề rớ giàn. Dù không mong muốn nhưng vợ chồng ông Tâm sẽ là thế hệ cuối cùng mưu sinh với nghề này. Vì con nước ngày càng thay đổi, nguồn cá trên sông đã giảm hẳn. Những người làm nghề rớ giàn từ chỗ sống khỏe, dần khó khăn, chật vật hơn.

"Biết làm sao thuyết phục con cái theo đuổi nghề này bây giờ. Chúng nó trẻ, để chúng vào bờ làm ăn, lập nghiệp. Vợ chồng già chúng tôi gắn với sông nước cả đời rồi, giờ mà nhổ cọc, cất rớ thì lại nhớ nghề", ông Tâm chia sẻ.

Tuyệt chiêu dụ tôm của ngư phủ cả đời cắm chốt nơi cửa sông - 6

Rớ kéo được chủ yếu là tôm và một số loài cá nhỏ.

Tuyệt chiêu dụ tôm của ngư phủ cả đời cắm chốt nơi cửa sông - 7

Đôi lúc ngư dân còn kéo được cua đá có kích thước lớn.

Tuyệt chiêu dụ tôm của ngư phủ cả đời cắm chốt nơi cửa sông - 8

Tôm, cá sẽ được phân loại kỹ lưỡng theo kích cỡ.

Tuyệt chiêu dụ tôm của ngư phủ cả đời cắm chốt nơi cửa sông - 9

Một số tôm còn sống sẽ được nhốt trong chiếc lồng ngâm dưới nước.

Tuyệt chiêu dụ tôm của ngư phủ cả đời cắm chốt nơi cửa sông - 10

Khi trời sáng, những người phụ nữ sẽ mang cá, tôm kéo được vào chợ trong đất liền bán.

Tuyệt chiêu dụ tôm của ngư phủ cả đời cắm chốt nơi cửa sông - 11

Kéo rớ dù có bữa no, bữa đói nhưng nhiều ngư dân vẫn chuyên tâm gắn bó với nghề vất vả này.

Tuyệt chiêu dụ tôm của ngư phủ cả đời cắm chốt nơi cửa sông - 12

Dù không mong muốn, nhưng ông Tâm sẽ là thế hệ cuối cùng mưu sinh từ nghề kéo rớ đêm.