TS Võ Đại Lược: Hãy lo chuyện robot thay thế lao động trong tương lai!

(Dân trí) - Đồng tình với xu hướng máy móc, robot hóa sản xuất, thay thế con người nhưng PGS, TS Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế và chính trị thế giới cho rằng đó là tương lai... xa.

Nhân chủ đề gây tranh luận về nguy cơ robot tước đoạt việc làm của hàng triệu lao động mà Chủ tịch FPT Telecom Hoàng Nam Tiến đưa ra mới đây, PGS.TS Võ Đại Lược có cuộc trao đổi cặn kẽ vấn đề này với PV Dân trí.

Nhiều ngành tưởng có thể robot hóa vẫn chưa làm được

Thưa ông, mới đây Chủ tịch FPT Telecom đưa ra thông điệp về xu hướng thay thế người máy trong các nhà máy, dây chuyền sản xuất tại các doanh nghiệp sau khi họ chứng kiến sự đứt gãy chuỗi sản xuất bởi đại dịch. Ông nghĩ sao về vấn đề này?

- Theo tôi, đại dịch Covid-19 tác động lớn, thay đổi toàn bộ cấu trúc vận hành của nền kinh tế toàn cầu, nó phát lộ ra nhiều vấn đề, nhưng để thay thế con người bằng máy móc là vấn đề lớn, không dễ.

TS Võ Đại Lược: Hãy lo chuyện robot thay thế lao động trong tương lai! - 1

PGS, TS Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế, Chính trị Thế giới.

Máy móc, robot hóa sẽ thay thế mọi thứ, nhưng có rào cản lớn là giá. Nếu chi phí cho robot hoạt động đắt hơn lao động chân tay thì thay thế được không?

Rào cản thứ 2 là về mặt xã hội, robot hóa các nhà máy, lao động giải quyết ra sao? Lao động dư thừa bỏ đi đâu? Vấn đề xã hội này là một rào cản mà trong lịch sử thế giới như ở nước Anh thời phát minh ra động cơ hơi nước mà máy móc cũng phải mấy thập kỷ sau mới áp dụng được trong các ngành như dệt may.

Về đặc điểm, robot sẽ không phải là "lao động" đại trà, không thay thế được hoàn toàn con người. Robot chỉ sản xuất được những sản phẩm, những khâu ráp nối, theo lập trình sẵn và với sản phẩm giống nhau y như một, còn những sản phẩm tinh xảo, vẫn phải dùng óc sáng tạo, bàn tay con người.

Ngay tại Mỹ, nơi tự động hóa nền sản xuất rất cao, nhiều ngành tưởng rằng có thể robot hóa nhưng rồi vẫn không làm được. Nguyên nhân là sức ép việc làm quá lớn. Chúng ta thấy có rất nhiều cuộc biểu tình phản đối toàn cầu hóa diễn ra ở Mỹ, một phần nguyên nhân cũng vì vấn đề này.

Hơn nữa, về chi phí, máy móc hiện nay vẫn chưa rẻ hơn so với người nhân công và máy móc lại không linh hoạt. Theo tôi, máy móc, robot sản xuất ở các nhà máy là xu hướng tương lai... xa.

Trong một báo cáo của Tổ chức Lao động Thế giới (ILO), robot hóa sản xuất sẽ diễn ra đầu tiên ở các nước phát triển, sau đó sẽ là các nước đang, kém phát triển, các nước nghèo lộ trình sẽ lâu hơn. Ông nhìn nhận sao về vấn đề này?

- Tôi đặt vấn đề ngược lại! Bây giờ, nước Mỹ, một trong những quốc gia có nền sản xuất công nghệ hàng đầu thế giới họ đã robot hóa hay chưa? Nhiều hãng vẫn phải mở nhà máy ở các nước như Việt Nam, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia... để làm gia công các sản phẩm của họ.

Khi tôi làm cố vấn cho Nike, doanh nghiệp Mỹ chỉ tham gia hai khâu trong chuỗi giá trị sản phẩm là: Thiết kế và phân phối. Một đôi giày Nike, đơn cử, có giá 100 USD, các hãng gia công tham gia vào chuỗi chỉ hưởng lợi 10 - 20 USD, còn khâu thiết kế, phân phối của doanh nghiệp Mỹ kiếm được 80-90 USD.

TS Võ Đại Lược: Hãy lo chuyện robot thay thế lao động trong tương lai! - 2

Theo PGS, TS Võ Đại Lược, chi phí và chuỗi sản xuất đặt thách thức cho các doanh nghiệp đưa máy móc thay thế con người.

Bây giờ, đặt giả thiết họ mua người máy, robot để đưa nhà máy gia công về Mỹ, "làm tất, ăn cả" liệu họ có làm không? Việc gì họ phải đi tự động hóa khi khâu gia công đang chiếm giá trị gia tăng quá thấp, trong khi đầu tư máy móc lại "ngốn" chi phí quá lớn.

Tại nước Nhật, các nhà máy ô tô như Toyota, có tỷ lệ tự động hóa hầu như gần hết nhưng cũng không thể hoàn toàn được. Họ vẫn chuyển những khâu gia công giá trị thấp sang các nước thứ 3 là Thái Lan, Indonesia, Trung Quốc... để giảm chi phí, giá thành.

Việc sản xuất những chi tiết quá phức tạp hoặc đòi hỏi sáng tạo, hay một sản phẩm phụ có giá thành thấp trong khi mua máy về làm lại quá tốn kém. Phương án cuối cùng vẫn là bàn tay con người.

Trong xu thế tương lai, những ngành, lĩnh vực, chuỗi sản xuất phức tạp, có quy mô công nghiệp hóa cao sẽ tiến lên ứng dụng robot. Tuy nhiên, rào cản chi phí, rào cản nguồn lực và đặc biệt là xã hội sẽ rất lớn để ứng dụng điều này. Ông đồng tình với quan điểm này?

- Không nói đâu xa, những nước phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, sao họ phát triển như vậy mà không tự động hóa được hết? Có thể kỹ thuật ngày càng tiến đến tự động hóa, nhưng sản phẩm làm ra từ máy móc không rẻ hơn, lợi thế hơn so với con người? Xét về tổng thể, điều đó chưa có minh chứng.

Xu hướng các nước phát triển tận dụng các nước đang, kém phát triển, các nước đông dân, các nước có độ mở kinh tế cao, nơi lại có giá nhân công rẻ để xây nhà máy, tận dụng các lợi thế sẵn có vẫn đã, đang và sẽ tiếp tục.

Việc ở đâu đó người ta nói có hiện tượng doanh nghiệp rút khỏi những nơi có giá trị thặng dư cao, tạo giá trị gia tăng lớn... thì cũng không phải là hiện tượng chứng minh máy móc thay thế con người mà là do các vấn đề thương mại, chính trị của các nước lớn, toan tính chiến thuật, chiến lược.

Máy móc có tạo ra sản phẩm như nghệ nhân?

Về bài toán doanh nghiệp, lợi ích sử dụng lao động và lợi ích ứng dụng máy móc hóa, robot hóa là khác nhau. Tuy nhiên, nó cũng nảy sinh hạn chế, bất cập khác, đúng không thưa ông?

- Xu hướng máy móc thay thế con người có thể diễn ra nhưng sẽ ở những ngành khác nhau, mức độ khác nhau và với những nước khác nhau.

Đến lúc con người ta không ai muốn những sản phẩm giống nhau 100%, mà họ muốn những sản phẩm có tính cá nhân hóa, tinh xảo. Vậy, máy móc có thể thay đổi được lập trình nhanh không? Máy móc có tạo ra được những sản phẩm như nghệ nhân, thợ lành nghề hay không? điều này vẫn chưa rõ.

Rào cản thứ hai là rất quan trọng là chiến lược thu hút đầu tư của các nước và chính sách phát triển các nước khác nhau.

TS Võ Đại Lược: Hãy lo chuyện robot thay thế lao động trong tương lai! - 3

Đại dịch Covid-19 khiến chuỗi sản xuất đứt gãy, nhiều giả thiết khác nhau về lao động, việc làm... đã được đặt ra trước bài toán lớn.

Tài nguyên toàn cầu để sản xuất ra máy móc, dây truyền có hạn ví dụ như sản xuất người máy cần có vật liệu cao, đất hiếm, vật liệu hiếm... Thế giới chưa giải được bài toán này.

Sản xuất, ứng dụng hàng loạt máy móc, robot sẽ phải cân đong đo đếm về năng lượng điện, về nguồn lực, về an sinh của các nước.

Trong khi đó, lao động, con người ở các nước đang phát triển có nhiều, quan hệ sản xuất và lực lượng sản xuất luôn phải được giải quyết ổn thỏa. Vì vậy, sẽ có những nước hạn chế ứng dụng robot vào sản xuất, nhà máy để giải quyết vấn đề lao động, việc làm của mình.

Tôi nhắc lại, robot hóa sự phát triển ngành, lĩnh vực sẽ tùy thuộc quốc gia, tùy thuộc nguồn lực mỗi nước.

Sự phát triển của máy móc, robot có thể ứng dụng đại trà, nhưng điểm yếu của máy móc, robot là không linh hoạt, không thích ứng nhanh được. Chi phí cố định, suất đầu tư cho máy móc là thách thức lớn cho doanh nghiệp. Theo ông, bài toán này có dễ giải?

- Một con người từ khi có năng lực sản xuất là 15 tuổi, thành thục là từ 18 tuổi, họ có thời gian làm việc chính thức lên 60 tuổi, tức có hơn 40 năm làm việc, thay đổi, thích ứng. Điểm mạnh của con người là năng động, linh hoạt với sự vận động của lịch sử, thời cuộc.

Với một cỗ máy, khi người ta tạo ra trong năm này có thể ứng dụng vào sản xuất, đem lại giá trị gia tăng, năng suất cao. Tuy nhiên 3-5 năm sau lại có nghiên cứu mới, có máy móc mới, tiết kiệm điện hơn, hiệu quả hơn, doanh nghiệp có dám thay đổi, bỏ hết máy móc cũ đi hay không?

Nếu bỏ đi thì máy móc cũ tính sao, nếu doanh nghiệp ôm lấy cỗ máy cũ, lại không gia tăng cạnh tranh được với doanh nghiệp họ đầu tư máy móc mới đầu tư mới. Trong khi mua máy móc mới sẽ phải đặt bài toán chi phí đầu tư, khấu hao, chi phí cố định lớn... Không nhà tư bản nào muốn đổ lượng tiền vào chi phí cố định lớn cả, đó là rủi ro.

Với lao động là con người, giới chủ không phải bỏ chi phí cố định, chỉ bỏ ra chi phí hàng tháng để nuôi họ, để họ sản xuất và điều chỉnh họ theo cách của mình.

Đối với máy móc, khởi đầu là chi phí cố định, suất đầu tư rất cao, ảnh hưởng vào giá vốn, giá sản phẩm, khấu hao nhà máy... Bài toán này, lợi ích này doanh nghiệp tính đến rồi.

TS Võ Đại Lược: Hãy lo chuyện robot thay thế lao động trong tương lai! - 4

Ông Hoàng Nam Tiến, Chủ tịch FPT Telecom cảnh báo sau đại dịch, chứng kiến chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy, xu hướng máy móc, robot hóa có thể được thúc đẩy nhanh hơn và trong 5-7 năm tới, hàng triệu lao động trẻ Việt có nguy cơ mất việc làm.

Nếu tôi có 1 tỷ USD, tôi cũng phải tính các giải pháp trong dòng tiền để kinh doanh, chứ không dại gì đổ hết vào chi phí cố định một lúc cả. Thời thế thay đổi nhanh, vòng đời của các máy móc, robot sẽ rút ngắn và sự lạc hậu sẽ diễn ra nhanh hơn nếu các nhà máy, xí nghiệp ứng dụng hoàn toàn máy móc.

Tạo nguồn nhân lực có thể cạnh tranh với máy móc

Mặc dù hiện nay máy móc, robot hóa chưa diễn ra, nhưng cảnh báo trong thời gian tới xu hướng này sẽ diễn ra nhanh, mạnh theo sự phát triển của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (Cách mạng 4.0) đi liền với trí tuệ nhân tạo. Ông nghĩ sao về bài toán thay đổi, thích ứng nhanh với xu thế này được đặt ra đối với những nền thâm dụng nhiều lao động như Việt Nam?

- Đào tạo nhân lực tương lai cần phải do doanh nghiệp, xu hướng phát triển đất nước quyết định. Dạy nghề, đào tạo không gắn hoặc chậm chuyển biến theo thời cuộc sẽ thất bại.

Máy móc vẫn chỉ có tính chất dập khuôn. Một nhà máy mà ứng dụng hết máy móc thì cực kỳ tốn tiền, phải cỡ đại gia mới dám dùng. Người ta cũng chỉ sử dụng người máy cho tùy bộ phận, phân xưởng, dây chuyền nào phù hợp. Còn về tính linh hoạt, tính năng động và biến hóa, con người vẫn vượt trội.

Lỗi không phải ở máy móc mà ở việc chúng ta có tạo ra được những con người có thể cạnh tranh được với máy móc hay không? Theo tôi, con người vẫn có lợi thế dù cho xu hướng của thế giới đang đi đến ngưỡng cửa máy móc hóa nhiều phân xưởng, nhiều dây chuyền.

Việt Nam cần phải tạo ra những lao động có kỹ năng, công dân toàn cầu, những người thợ, kỹ sư có trình độ điều hành máy móc thay vì chỉ là những người công nhân có giá trị gia tăng thấp.

Trân trọng cảm ơn ông!