1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

TPHCM: Lao động nghèo nghĩ đến tiền là... mất ngủ

Xuân Hinh

(Dân trí) - Thất nghiệp, thiếu tiền phòng trọ, không thể về quê, vay mượn khắp nơi để trả phí sinh hoạt... là thực trạng của nhiều lao động nghèo giữa mùa dịch ở Sài Gòn.

Gọi cho mẹ xong là khóc

Gần 3 tháng qua, anh Nguyễn T.A. (29 tuổi, quê ở Long An, trọ tại quận 8, TPHCM) thất nghiệp. Trước đây, anh làm bốc vác tại các bến xe chở hàng liên tỉnh với thu nhập khoảng 8 triệu đồng/tháng. Từ ngày nghỉ việc, mỗi tháng, anh vẫn phải chi tiêu khoảng 4 triệu đồng, nên giờ tiền tích lũy đã cạn kiệt.

"Cả tháng nay em sống nhờ tiền vay mượn của bạn bè và quà hỗ trợ của tổ dân phố, mạnh thường quân, không có tiền gửi về cho mẹ mua thuốc chữa bệnh. Thỉnh thoảng gọi về cho mẹ an tâm rồi tắt máy là em khóc. Chưa bao giờ bế tắc, bất lực như lúc này", anh Nguyễn T.A. tâm sự.

TPHCM: Lao động nghèo nghĩ đến tiền là... mất ngủ - 1

Để bám trụ ở TPHCM, T.A. phải vay mượn khắp nơi để trả tiền sinh hoạt, tiền trọ, tiền điện nước.

Kể từ khi thất nghiệp, mỗi tuần anh gọi điện cho các chủ xe một lần để hỏi khi nào có thể đi làm. Tuy vậy, lần nào chủ xe cũng nói: "Có việc sẽ gọi, không phải hối".

Cứ thêm một tuần là áp lực tiền bạc lại đè nặng lên vai chàng trai nghèo. Nhiều khi cả đêm anh T.A. trằn trọc không ngủ được vì cần tiền đóng tiền phòng trọ, tiền điện nước, tiền mua nhu yếu phẩm.

"Tôi không muốn về quê lúc này. Về không có tiền sợ má buồn. Nghe nói về cũng không dễ, tôi muốn bám trụ ở đây, ai kêu gì thì làm nấy. Tôi cần việc làm chân chính để có tiền đủ trang trải cuộc sống. Đi xin ăn hoài ngượng lắm", chàng trai 29 tuổi chia sẻ.

Cùng hoàn cảnh như T.A., chị Lê Thị Hiền (làm may tự do, trọ ở quận Bình Tân) cũng thất nghiệp 3 tháng nay. Bình thường chị nhận may gia công cho một cơ sở ở gần nhà nhưng giờ cơ sở đã đóng cửa.

TPHCM: Lao động nghèo nghĩ đến tiền là... mất ngủ - 2

Nhiều lao động nghèo ở TPHCM đang gặp khó khăn và họ mong muốn được miễn, giảm tiền phòng, tiền điện, nước.

"Chồng tôi chạy xe công nghệ cũng thất nghiệp gần 2 tháng rồi, còn tôi thì đã 3 tháng. Giờ vừa lo tiền nhà, tiền nuôi con, gần chục triệu đồng tiền trả lãi ngân hàng. Áp lực đến bạc đầu chứ không đùa", chị Lê Thị Hiền than thở.

Trước khi dịch bùng phát, chị có thu nhập khoảng 12 triệu đồng. Hai năm nay, thu nhập cứ giảm dần và tháng 5 vừa rồi chị chính thức thất nghiệp. Sau gần 10 năm đi làm, 2 vợ chồng chị dư được hơn 300 triệu đồng nhưng năm 2019 chồng đã mua ô tô trả góp để chạy xe công nghệ.

"Nhiều người trách sao mới có mấy tháng đã khó khăn, vay mượn tùm lum. Họ đâu biết, tôi hàng tháng phải trả góp ngân hàng, lo cho con cái, tiết kiệm cũng 15 triệu đồng/tháng. Giờ thất nghiệp vài tháng tiền đâu mà lo chi phí. Nhiều đêm nằm khóc vì tủi thân. Dịch mà kéo dài nữa không biết sống sao luôn", chị Lê Thị Hiền chia sẻ thêm.

Mong được giảm tiền trọ, điện nước

Mỗi tháng gia đình chị Lê Thị Hiền chi tiêu khoảng 5 triệu, gồm tiền nhà trọ, điện, nước. Vì thiếu tiền nên chị xin chủ nhà cho nợ 2 tháng nay, hứa đầu tháng 9 sẽ trả 3 tháng một lần.

"Có người anh bên nhà chồng hứa đầu tháng 9 cho vay tiền nên mình hứa như vậy với chủ nhà trọ. Lúc ấy mà chưa có tiền không biết ăn nói với bà chủ sao. Mình ở trọ mà không trả tiền kỳ lắm", chị Lê Thị Hiền nói.

TPHCM: Lao động nghèo nghĩ đến tiền là... mất ngủ - 3

Liên đoàn lao động TP cùng các quận, huyện vẫn đang tích cực hỗ trợ nhu yếu phẩm cho người lao động khó khăn, đồng thời tiếp tục kêu gọi các chủ nhà trọ giảm tiền nhà cho người dân.

Thấy chị khó khăn, 2 tháng nay chủ nhà trọ đã giảm cho 500.000 đồng/tháng. Tuy vậy, số tiền còn lại vẫn quá lớn với chị vào lúc này.

"Giờ mà được miễn tiền phòng trọ thì mừng quá. Mình đỡ phải lo lắng và dùng tiền đó mua lương thực trữ ở nhà. Mong thì mong vậy thôi chứ cũng khó lắm, họ cũng kinh doanh mà", chị Lê Thị Hiền cho hay.

Anh T.A. thuê riêng một căn trọ với giá 1,5 triệu/tháng gồm tiền phòng, tiền điện nước, tiền internet. Sau 3 tháng thất nghiệp, anh cũng được chủ nhà trọ giảm cho 300.000 đồng. 

"Lúc khó khăn này ai cũng mong được giảm hoặc miễn tiền nhà trọ. Gần đến ngày đóng mà chưa có tiền là mất ăn mất ngủ. Sợ thiếu tiền người ta đuổi mình ra khỏi nhà rồi ở đâu lúc này. Không lẽ ra gầm cầu ở", anh Nguyễn T.A. nói thêm.

Theo bà Trần Thị Diệu Thúy - Chủ tịch Liên đoàn lao động TPHCM, trung bình mỗi lao động phải chi khoảng 1,5 triệu đồng tiền thuê nhà trọ, tiền điện, nước. Thành phố giãn cách 3 tháng qua, nhiều người đã thất nghiệp, không có tài sản tích lũy nên chi phí tiền nhà trọ cũng là gánh nặng.

Thời gian qua Liên đoàn lao động TPHCM đã kêu gọi hàng trăm tấn rau củ quả và nhu yếu phẩm để hỗ trợ cho người lao động nghèo. Liên đoàn lao động các quận cũng đã tổ chức các đội tình nguyện để mang nhu yếu phẩm đến tận phòng trọ cho người lao động.

Theo bà Trần Thị Diệu Thúy, tính đến đầu tháng 8, cùng với các cấp chính quyền, ngành công đoàn đã vận động được 670 chủ nhà trọ miễn, giảm hơn 5 tỷ đồng tiền thuê nhà cho gần 36.000 người.

Thời gian tới, Liên đoàn lao động TPHCM sẽ tiếp tục kêu gọi các tổ chức, cá nhân để hỗ trợ nhu yếu phẩm cho người lao động. Đồng thời tuyên truyền, vận động để các chủ nhà trọ miễn, giảm tiền thuê phòng cho lao động khó khăn.  

Bộ LĐ-TB&XH đề nghị chủ trọ miễn, giảm tiền nhà, điện, nước

Bộ LĐ-TB&XH vừa có văn bản gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 triển khai các biện pháp khẩn cấp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19.

Theo đó, Bộ LĐ-TB&XH đề nghị các địa phương rà soát, nắm chắc tình hình đời sống người dân khó khăn trên địa bàn, thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ người lao động theo Nghị quyết 68 và Quyết định 23/2021 của Thủ tướng.

Không để người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu nhu yếu phẩm thiết yếu. Vận động các tổ chức chính trị - xã hội, nhân dân kêu gọi ủng hộ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm gửi tới các khu vực giãn cách xã hội.

Đặc biệt, Bộ LĐ-TB&XH đề nghị các địa phương miễn, giảm tiền điện, nước cho người thuê trọ, vận động chủ nhà trọ miễn, giảm tiền nhà cho người dân.