Thị trường XKLĐ Malaysia:

Thừa hợp đồng - thiếu lao động

Các doanh nghiệp xuất khẩu lao động Việt Nam đã ký được rất nhiều hợp đồng với các đối tác Malaysia, với số lượng không hạn chế, công việc ổn định và hơn cả, thu nhập được đảm bảo không dưới 200 USD/người/tháng.

Nhưng các doanh nghiệp vẫn bó tay trong tạo nguồn, người lao động thì thờ ơ... Có lẽ chưa bao giờ XKLĐ đi Malaysia lại “đìu hiu” như thời điểm này.

“Cháy” lao động đi Malaysia

Thị trường XKLĐ Malaysia đã dần ổn định sau sự cố 700 lao động xây dựng VN phải về trước hạn (đầu năm 2003). Đặc biệt, sau đợt truy quét lao động bất hợp pháp, thị trường này đang thiếu khoảng 400.000 lao động ngoài nước.

Từ đầu năm 2005, các đối tác Malaysia đã chủ động liên hệ, thậm chí sang hẳn VN để mời các doanh nghiệp VN ký hợp đồng tuyển chọn, cung cấp lao động. Nhiều đơn vị lo ngại không tuyển được lao động đúng hạn, đủ số lượng nên đành tiếc nuối chối từ. Chỉ những doanh nghiệp lớn, có thực lực mới dám ký hợp đồng với bạn và thường những hợp đồng này đã được ưu ái với những điều kiện khá thông thoáng, tuyển số lượng lớn, được đảm bảo công việc và mức thu nhập ổn định.

Chẳng hạn, Trung tâm XKLĐ Airserco (Tổng công ty Hàng không VN) đã ký được các hợp đồng với 7.000 chỉ tiêu (thậm chí nhiều hơn). Mức lương “cứng” tối thiểu (chưa tính tiền làm thêm giờ) đã được tăng lên (công nhân làm việc trong lĩnh vực may mặc là từ 3,5 triệu đồng/người/tháng; lĩnh vực điện tử là 4,5 triệu đồng; mộc, mỹ nghệ thấp nhất 6 triệu đồng/người/tháng...). Nhưng dù chạy hết tỉnh nọ, huyện kia, về tận thôn, xã mời gọi người lao động đi XKLĐ thì “cũng chẳng mấy lao động đi”.

Hết bảy tháng đầu năm 2005, Airserco mới tuyển và đưa đi chưa đến 2.000 lao động. Hoặc một đơn vị rất mạnh trong XKLĐ đi Malaysia khác là Công ty Hợp tác lao động nước ngoài (LOD - Bộ Giao thông vận tải), mọi năm vẫn đảm bảo đưa 1.500-3.000 lao động/năm thì năm 2005 chỉ đặt mục tiêu 500 người. Vậy mà đến hết tháng 7/2005 chỉ mới tuyển chọn, đưa đi được trên 100 lao động. Trung tâm Hợp tác quốc tế và XKLĐ (Tổng công ty Du lịch Hà Nội) cũng mới chỉ đưa được 100/500 lao động...

“Mua” cũng không có

Theo đánh giá của các chuyên gia XKLĐ, Malaysia sẽ còn thiếu lao động nhiều năm nữa, với số lượng mỗi năm lên tới 300.000 - 400.000 lao động. Malaysia lại là thị trường khá dễ tính, chỉ cần lao động phổ thông.

Cục trưởng Cục Quản lý lao động nước ngoài (Bộ LĐ-TB&XH) Nguyễn Thanh Hòa đã phải thốt lên: “Đây là thị trường tiềm năng, cơ hội đang rộng mở để xóa đói giảm nghèo cho những người lao động nông thôn đang mất việc”.

Do đã ký các hợp đồng nên các doanh nghiệp không thể không tuyển chọn, cung cấp đủ lao động cho đối tác để giữ thị trường. Để có đủ lao động, đưa được 2.000 lao động đi, Airserco thậm chí đã chấp nhận “mua” lao động từ các địa phương. Về huyện miền núi Thanh Sơn (Phú Thọ) tuyển người, Airserco phải “đặt hàng” từ ban chỉ đạo XKLĐ huyện với giá 1 triệu đồng/lao động được tuyển.

Các doanh nghiệp khác cũng xuất đủ các “chiêu” để lấy người. Mức phí đóng góp của người lao động trước khi đi được hạ xuống mức 950 USD/người. Có đơn vị còn miễn toàn bộ chi phí đào tạo, giáo dục định hướng cho người lao động. Nhiều đối tác Malaysia còn sẵn sàng tiếp nhận lao động “thô” (chưa qua đào tạo), thỏa thuận trả lương theo sản phẩm. Để có lao động cung cấp cho đối tác, có doanh nghiệp tên tuổi, “vai vế” trong Hiệp hội XKLĐ nhưng cũng đành... “quên” qui định; “bao” hẳn một địa phương để lấy người.

Theo Đức Bình
Tuổi Trẻ