Thanh Hóa:

"Thổi hồn" vào những gốc cây bỏ đi, thu về hàng chục triệu đồng mỗi tháng

Thanh Tùng

(Dân trí) - Những gốc cây tưởng chừng như bỏ đi, nhưng qua bàn tay tài hoa của nam thanh niên 9X quê Thanh Hóa, nó đã mang về nguồn thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi tháng.

"Thổi hồn" vào những gốc cây bỏ đi, thu về hàng chục triệu đồng mỗi tháng

Thành ông chủ ở tuổi 20

Anh Vũ Đình Thắng (29 tuổi, xã Định Bình, Yên Định, Thanh Hóa) trở thành ông chủ xưởng điêu khắc gỗ từ khi mới 20 tuổi. Gần 10 năm hành nghề, anh không nhớ đã "thổi hồn" cho bao nhiêu gốc cây, tạo ra bao nhiêu tác phẩm nghệ thuật. 

Năm 2011, sau khi tốt nghiệp khoa điêu khắc gỗ, Trường Cao đẳng chế biến lâm sản Hà Nam, Vũ Đình Thắng khăn gói vào Nam để lập nghiệp. Với tay nghề tốt, chỉ sau 1 năm anh đã có một cơ sở điêu khắc gỗ tại tỉnh Kon Tum khi mới tròn 20 tuổi. 

Thổi hồn vào những gốc cây bỏ đi, thu về hàng chục triệu đồng mỗi tháng - 1

Anh Vũ Đình Thắng - Chủ xưởng điêu khắc gỗ Thắng Hà.

Đang làm ăn hiệu quả, năm 2016, anh Thắng quyết định về quê để phát triển kinh tế. Cái nghề tưởng chừng như lạ lẫm ở quê đã giúp anh thành công ngoài mong đợi.

Nhớ lại ngày đầu khởi nghiệp, anh Thắng kể: "Khi về quê như khởi động lại, từ nơi mở xưởng đến tìm kiếm khách hàng, nguồn nguyên liệu… đặc biệt là cần nguồn vốn lớn. Cùng với số vốn tích cóp được từ ngày làm trong Nam, tôi vay thêm 100 triệu đồng để đầu tư máy móc, mua nguyên liệu về làm. Năm đầu tiên chưa có khách hàng nhiều, có lúc tôi muốn từ bỏ, nhưng vì đam mê nên cố bám trụ để nuôi hy vọng".

Tìm kiếm khách hàng với anh Thắng lúc bấy giờ là một câu chuyện khá gian nan. Tiền thuê mặt bằng đắt đỏ, công việc ế ẩm, anh Thắng quyết định về mở xưởng tại nhà rồi lân la tìm kiếm khách hàng.

Thổi hồn vào những gốc cây bỏ đi, thu về hàng chục triệu đồng mỗi tháng - 2

Với tay nghề điêu luyện, anh Thắng đã trở thành ông chủ từ năm mới 20 tuổi.

"Khó khăn nhất lúc bấy giờ là việc tìm kiếm khách hàng. Tôi quan niệm phải sáng tạo ra những sản phẩm đẹp để phù hợp với sở thích của khách hàng và dần tạo nên thương hiệu cho mình. Những sản phẩm của tôi cũng dần được khách hàng biết và tìm đến" - anh Thắng bộc bạch.

Hiện, cơ sở của anh Thắng có 6 lao động làm việc, trung bình mỗi tháng nhận 10 đơn đặt hàng. Thông thường, những người thợ có tay nghề tốt sẽ được trả mức lương 10-15 triệu đồng/tháng. Với 6 thợ điêu khắc tại xưởng, mỗi tháng anh Thắng đang trả lương từ 60-70 triệu đồng. 

Bạn Lê Nguyên Hưng (thợ điêu khắc gỗ tại xưởng anh Thắng) cho hay: "Nghề này đòi hỏi sự khéo léo, cần cù và người thợ phải có óc thẩm mỹ, biết sáng tạo. Nhìn chung nếu công việc đều đặn mỗi tháng chúng tôi cũng có nguồn thu khá ổn". 

Thổi hồn vào những gốc cây bỏ đi, thu về hàng chục triệu đồng mỗi tháng - 3
Nghề điêu khắc đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ qua từng công đoạn.

"Mỗi tác phẩm là một đứa con tinh thần"

Theo anh Thắng, để tạo ra một tác phẩm hoàn hảo phải trải qua rất nhiều công đoạn. Phải xuất phát từ cái tâm, người thợ xem đó như những đứa con tinh thần của mình thì mới có được tác phẩm đẹp.

Cơ sở của anh Thắng chủ yếu nhận làm lấy công. Khách hàng đưa nguyên liệu là gốc cây hay thân gỗ, nu gỗ… đến, dựa vào kích thước và hình dáng, thợ điêu khắc sẽ tư vấn trước khi thi công.

Những gốc cây hoặc thân gỗ sau khi đưa về sẽ được làm sạch vỏ và lược bớt phần dư thừa. Sau đó, bằng con mắt nghệ thuật của mỗi người thợ và yêu cầu nội dung của khách hàng, họ sẽ dùng cưa máy để phác họa các bản thảo. Đây là khâu vô cùng quan trọng, quyết định đến sự thành công của tác phẩm. 

Thổi hồn vào những gốc cây bỏ đi, thu về hàng chục triệu đồng mỗi tháng - 4

Để tạo ra một sản phẩm hoàn chỉnh phải trải qua rất nhiều công đoạn.

"Việc phác họa bản thảo rất quan trọng, tất cả các sản phẩm từ gốc, thân cây đều không có bản vẽ sẵn. Điều này đòi hỏi người thợ phải có sự sáng tạo dựa theo hình dáng, màu sắc… trên từng khối gỗ, từ đó tạo ra những chi tiết sống động" - anh Thắng nói.

Sau khi có bản thảo sẽ tiến hành đục khắc các họa tiết, hoa văn. Hầu hết các tác phẩm được điêu khắc chủ yếu là những phối cảnh về tượng Phật, Phúc - Lộc - Thọ, các khung cảnh làng quê, cây cổ thụ hay các linh thú như Long - Ly - Quy - Phượng,… 

Trong suốt nhiều năm hành nghề, anh Thắng vẫn tâm đắc nhất tác phẩm "Đồng tử bái phật" mà anh cùng một người thợ nữa phải mất 3 tháng mới hoàn thiện. Tác phẩm này anh được trả công điêu khắc 60 triệu đồng.

Thổi hồn vào những gốc cây bỏ đi, thu về hàng chục triệu đồng mỗi tháng - 5
Từ một khối gỗ vô tri, những người thợ sẽ phác thảo nên những tác phẩm có hồn, có ý nghĩa.

Nói về kỹ thuật, theo anh Thắng, điêu khắc tượng người vẫn là trường phái khó nhất. Từ một khối gỗ vô tri để tạo ra một bức tượng phật hay tượng người có hồn, có thần thái đòi hỏi người thợ phải thật khéo léo, tay nghề phải cao, đặc biệt là có mắt nhìn nghệ thuật. 

Theo anh Thắng, nghề này hoạt động quanh năm nhưng cao điểm nhất vẫn là những dịp lễ Tết. Ngoài những khách đặt hàng về chơi Tết thì có một lượng lớn khách sẽ đặt làm quà biếu. 

Một số hình ảnh về công việc của những người thợ tại cơ sở mộc của anh Thắng:

Thổi hồn vào những gốc cây bỏ đi, thu về hàng chục triệu đồng mỗi tháng - 6
Anh Thắng đang nghiên cứu, sáng tạo nội dung cho gốc cây khô.
Thổi hồn vào những gốc cây bỏ đi, thu về hàng chục triệu đồng mỗi tháng - 7
Công đoạn phác họa bản thảo khá quan trọng trong quá trình điêu khắc.
Thổi hồn vào những gốc cây bỏ đi, thu về hàng chục triệu đồng mỗi tháng - 8
Đục chi tiết, một trong những công đoạn điêu khắc gỗ.
Thổi hồn vào những gốc cây bỏ đi, thu về hàng chục triệu đồng mỗi tháng - 9

Tác phẩm "Đồng tử bái phật" sau 3 tháng thi công của hai người thợ.

Thổi hồn vào những gốc cây bỏ đi, thu về hàng chục triệu đồng mỗi tháng - 10

Ngoài những tác phẩm lớn, anh Thắng cũng đổi mới bằng việc làm ra các tượng phật nhỏ.

Thổi hồn vào những gốc cây bỏ đi, thu về hàng chục triệu đồng mỗi tháng - 11
"Nghề này đòi hỏi sự khéo léo và cần cù; người thợ phải có óc thẩm mỹ, biết sáng tạo", Lê Nguyên Hưng (thợ điêu khắc gỗ tại xưởng anh Thắng) cho hay.