Than phiền đúng cách

Thông thường nhân viên rất ngại than phiền vì nhiều lý do: sợ đồng nghiệp đưa chuyện, sợ sếp “trù”, nói chung là sợ mang họa vào thân. Tâm lý này khiến nhiều nhân viên trở nên vô cảm với trách nhiệm và quyền lợi của mình.

Rõ ràng, cam chịu không phải là một cách hay. Càng cố nhịn không phàn nàn thì càng cảm thấy bức xúc, chán nản, nhụt chí phấn đấu. Hậu quả là đã có nhiều người bỏ việc vì những ấm ức không thể nói ra.

 

Than phiền cũng giống như một cách chia sẻ, trút bỏ gánh nặng tâm lý. Khi có chuyện gì thắc mắc, bạn cứ than phiền đi, miễn là phải chọn đúng đối tượng nghe và nói đúng cách.

 

Trước hết, đừng bắt đầu bằng những lời tiêu cực, đừng vội nghĩ đến hậu quả mà hãy nói đến nguyên nhân, từ đó tìm ra cách khắc phục. Chẳng hạn, thay vì nói “Sếp mình tận dụng nhân viên triệt để lắm. Giao rõ lắm việc, mà lương thì có thấy tăng đâu”, bạn hãy mở đầu: “Dạo này công ty mình mới nhận thêm hợp đồng thì phải, nhiều việc quá. Cứ đà này có khi phải tuyển thêm người”. Rõ ràng, câu nói sau vẫn giúp bạn trút lời than phiền nhiều việc nhưng không gây cho người nghe cảm giác khó chịu của một lời phàn nàn, nói xấu. Nếu sếp có nghe thấy câu này cũng nghĩ rằng bạn đang lo lắng cho công ty mà thôi.

 

Trường hợp bạn muốn than phiền về sự bê trễ của một đồng nghiệp, có thể bắt đầu bằng lời phán đoán về hoàn cảnh hiện tại của người đó. “Hình như dạo này gia đình chị V. có việc bận…” là một cách mở màn không tệ. Nên nhớ, trước khi nói với người thứ ba, hãy “phàn nàn” trực tiếp với chính đồng nghiệp đó đã. Than phiền ở đây giống như cảm thông chia sẻ, người đồng nghiệp kia chắc chắn sẽ cảm ơn vì bạn đã nói thẳng, thật.

 

Cảm thấy lương không xứng với sức lao động, bạn có thể “dò dẫm”: “Công ty làm ăn có được không nhỉ, mà đời sống nhân viên không thấy cải thiện gì?”

 

Bạn vẫn than thở được nhưng lại có vẻ khách quan, và luôn biết nghĩ cho người khác (công ty) trước khi nghĩ đến mình.

 

Nên nhớ, trước khi định than phiền điều gì, hãy nghĩ thật kỹ xem mình đã đúng chưa, chuyện đó có đáng để phàn nàn không. Nếu vẫn cảm thấy bức xúc, hãy chọn người để phàn nàn. Đó chắc chắn phải là một đồng nghiệp tốt, thân thiết với bạn. Đó cũng có thể chính là người bạn định chê trách hoặc là sếp. Đừng chọn một cô nàng hay đưa chuyện nhất công ty để trút bầu tâm sự. Tuyệt đối không dùng điện thoại và e-mail của công ty để than phiền chuyện công việc với bạn bè.

 

Bạn cũng nên chuẩn bị sẵn tâm lý nếu những lời than thở của bạn được cân nhắc, biết đâu sếp sẽ tổ chức hẳn một cuộc họp và có khi bạn phải giải trình công khai. Vì vậy, dù chỉ là một lời phàn nàn cũng đừng chứa đựng điều khuất tất.

 

Theo Hồng Ngọc

Công ty Tư vấn Đào tạo nguồn nhân lực L & A

(Theo Jobvn)