Sẽ có lương hưu cho đối tượng lao động tự do

(Dân trí) - Người nông dân, tiểu thương, thợ thủ công…sẽ được nhận lương hưu khi tham gia đóng BHXH tự nguyện. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cùng các cơ quan chức năng đang gấp rút hoàn thành Luật BHXH và sẽ trình Quốc hội trong kì họp tới.

Trong tổng số trên 40 triệu lao động của cả nước, chỉ có hơn 10 triệu lao động tham gia BHXH bắt buộc. Và với 75% lao động không có điều kiện để đảm bảo bảo cuộc sống về già như hiện nay thì thông tin trên quả là một tín hiệu đáng mừng.

Tuy nhiên, theo các tiểu thương tại chợ Thái Hà (Hà Nội), một trong những lý do khiến những đối tượng lao động tự do, lao động không thuộc phạm vi cơ quan hành chính sự nghiệp… thì thủ tục đóng bảo hiểm rườm rà, không gãy gọn khiến họ ngại ngần không muốn tham gia.

Chị Lan Anh, chủ sạp hoa quả tại chợ tâm sự: “Ngoài những đồng tiền dành dụm sau những ngày đi chợ, tôi cũng đã có một cái thẻ của hãng Prudential để dành sau khi về già. Nếu được tham gia đóng bảo hiểm xã hội và sẽ có lương khi về hưu thì tôi cũng sẽ tham gia”.

Tuy nhiên, việc đóng BHXH bắt buộc là một cái gì đó rất xa so với thực tế hiện nay. Bởi bản thân các cán bộ, công chức, người lao động cũng chưa hoàn toàn được đóng BHXH tự nguyện; hồ sơ tồn đọng và trốn đóng đang chất thành đống tại cơ quan BHXH.

Với mục tiêu là để mọi người đều được tham gia, Luật BHXH (gần hơn là BHXH tự nguyện) sắp tới sẽ quy định tuổi tác “thoáng” hơn BHXH bắt buộc.

Theo ông Phạm Đỗ Nhật Tân - Vụ trưởng Vụ BHXH, người lao động khi đã đủ 20 năm tham gia đóng BHXH sẽ được hưởng hưu trí và tử tuất. Mức thấp nhất để tham gia BHXH tự nguyện phải tương đương mức lương tối thiểu do Chính phủ quy định chung cho mọi đối tượng.

Và như vậy, mức mà người tham gia đóng BHXH tự nguyện cũng được tính như lương hưu của BHXH bắt buộc, nghĩa là người lao động sẽ có mức lương tối đa 75% số tiền thu nhập hàng tháng đã tham gia trong quá trình đóng BHXH.

Nguyễn Hiền