Quảng Nam: Cả làng đổi thay với nghề làm chổi đót
(Dân trí) - Làng Thạnh Hòa, xã Quế Xuân 1, huyện Quế Sơn, Quảng Nam thay da đổi thịt với nghề làm chổi đót ngót nghét 30 năm qua. Nhà cửa khang trang, cổng ngõ đẹp đẽ, đường xá thuận lợi…
Anh Bùi Khắc Vinh (42 tuổi, thôn Thạnh Hòa) và vợ có hơn 10 năm với nghề làm chổi đót; mỗi ngày 2 vợ chồng làm trên 100 cây chổi. Mỗi cây chổi sau khi trừ chi phí, vợ chồng anh kiếm cũng được hơn 100 ngày. Tuy lời lãi không được bao nhiêu nhưng cũng đủ bữa chợ cho gia đình.
Anh Vinh nói nghề làm chổi đót này là nghề chính cũng như nghề phụ. Nhà anh sống ven sông Bà Rén nên có nghề khác là chài lưới kiếm con tôm con cá để chợ búa hàng ngày.
Hết chài lưới, vợ chồng anh lại ở nhà làm chổi. Cứ thế, công việc làm chổi đót của vợ chồng anh Vinh cũng được hơn chục năm.
Bà Phan Thị Lãnh (55 tuổi) cũng đã có hơn 10 năm trong nghề làm chổi đót ở làng Thạnh Hòa. Mỗi ngày bà làm được 15-20 cây chổi, giá bán từ 18.000 đồng một cây trở lên tùy loại. Bỏ công làm lời, mỗi ngày bà cũng lời được từ 60 ngàn đồng.
Bà cho biết, thường mua đót ở các huyện miền núi Quảng Nam như Đông Giang, Tây Giang, Đại Lộc… với giá hơn 7.000 đồng/kg; sau khi phơi 5-6 nắng thì cất để bó từ từ bán ra thị trường vì mùa đót tươi chỉ có vài tháng trong năm.
Bà Lãnh cho biết, cứ 3 kg đót tươi phơi thì được 1 kg đót khô, 1 kg đót khô làm được 2 cây chổi. Nếu có vốn, mua đót tươi về phơi khô để dành bó cả năm thì sẽ có lời nhiều hơn. Còn mua đót khô về làm thì có lời ít hơn.
Bà Huỳnh Thị Xuân (67 tuổi) đã gắn bó với nghề làm chổi đót ở Thạnh Hòa từ thời mới lập nghiệp. Từ nhỏ bà đã tìm tòi học nghề làm chổi từ các cụ cao niên, sau đó lên tận các huyện miền núi để hái đót tươi về phơi khô bện chổi.
“Khi xưa làng này nghèo lắm, đất canh tác thì ít mà rỗi nghề thì nhiều. Nên từ khi thấy được lợi ích kinh tế từ nghề làm chổi đót, tôi đã mạnh dạn học và giữ nghề cho đến bây giờ. Tuy nghề này không đem lại thu nhập cao, nhưng giúp tôi và nhiều hộ trong thôn thoát nghèo, ổn định cuộc sống, nuôi con cái ăn học đàng hoàng”, bà Xuân chia sẻ.
Theo bà Xuân, nghề làm chổi đót không khó nên mọi người trong làng ai cũng học được và cùng chỉ dạy nhau để phát triển kinh tế. Cây đót chỉ có một mùa trong năm nên lúc này nhà nào trong thôn cũng rộn ràng mua đót về phơi trữ. Nhà nhiều có vốn mua hàng chục triệu đồng tiền đót về nhà phơi khô trữ, để bó quanh năm bán ra thị trường.
Làng nghề chổi đót Thạnh Hòa không chỉ làm ra những cây chổi đót thủ công bền, đẹp mà còn luôn đổi mới sản xuất để làm ra những sản phẩm hợp với thị hiếu của thị trường. Bên cạnh sản phẩm chủ lực truyền thống là chổi đót bện mây, thì những loại chổi mới như chổi đót cán nhựa, chổi đót quấn dây cước, chổi hộp… cũng được nhiều hộ đẩy mạnh sản xuất.
Người dân trong thôn Thạnh Hòa đã số là sản xuất theo hộ gia đình nhỏ lẻ, tranh thủ lúc nông nhàn để làm chổi kiếm thêm thu nhập. Khi thị trường có nhu cầu tiêu thụ chổi mạnh thì nghề làm chổi đót trở thành nguồn thu nhập chính của nhiều hộ dân. Đến mùa đót tươi, nhiều người mạnh dạn đầu tư vốn mua đót về phơi cất trữ, hoặc vay vốn để có tiền mua nguyên liệu sản xuất lâu dài.
Chổi đót Thạnh Hòa được xuất bán đi nhiều nơi trong và ngoài tỉnh Quảng Nam, được đông đảo khách hàng tin dùng; điều này giúp người dân phấn khởi trong hoạt động sản xuất và tự hào về chất lượng, thương hiệu của làng nghề chổi truyền thống.
Bằng cách kết hợp làm chổi đót với sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi gia súc gia cầm, đánh lưới cá ở sông Bà Rén… bà con thôn Thạnh Hòa đã có đời sống ổn định, kinh tế phát triển bền vững và tiếp tục gắn bó với nghề làm chổi.
Ông Nguyễn Ngôn - Trưởng thôn Thạnh Hòa cho biết, làng nghề chổi đót Thạnh Hòa có khoảng 60 hộ tham gia sản xuất thường xuyên và hầu như nhà nào cũng biết làm chổi đót. Tuy là nghề phụ nhưng là nghề chính, trước đây người dân ở đây nuôi con cái ăn học cũng từ nghề làm chổi mà nên.
“Nhưng cách đây 2-3 năm, giá đót quá cao nên làm ra cây chổi bán không có lời nhưng người dân vẫn sản xuất, giải quyết công ăn việc làm tại địa phương trong thời gian nông nhàn. Nhiều em nhỏ cũng có thể giúp bố mẹ kiếm tiền từ làm chổi. Mỗi lao động nếu làm tốt một ngày kiếm cũng được trên dưới 100 ngàn đồng”, ông Ngôn cho biết.
Trao đổi với phóng viên, ông Phan Văn Thành – Phó Chủ tịch UBND xã Quế Xuân 1 - cho biết, làng nghề chổi đót Thạnh Hòa có truyền thống hơn 30 năm qua, trải qua nhiều thăng trầm, người dân làm chổi đót Thạnh Hòa vẫn bền bỉ giữ nghề truyền thống của cha ông, đồng thời cũng là kế sinh nhai của nhiều hộ dân.
“Thời gian qua, địa phương đã tạo điều kiện cho các hộ làm chổi vay vốn sản xuất, khuyến khích các hộ mở rộng quy mô để giải quyết lao động, nâng cao thu nhập. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng đang định hướng thành lập HTX chổi đót Thạnh Hòa giúp ổn định sản xuất cũng như đầu ra sản phẩm cho bà con; qua đó xây dựng thương hiệu chổi đót Thạnh Hòa ngày càng bay xa”, ông Phan Văn Thành nói.