1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

“Phu” xe đạp thồ

Ở Huế, bây giờ vẫn còn nhiều chiếc xe đạp gắn liền với một cái nghề lam lũ: xe đạp thồ. Cả thành phố có không dưới 500 con người vẫn đeo bám cái nghề nhọc nhằn này. Họ tập trung đông đảo tại các chợ đầu mối như: Đông Ba, An Cựu, Bến Ngự, Tây Lộc...

Những chiếc xe đạp đầu tiên có cái bánh to đùng xuất hiện ở Hà Lan vào thế kỷ 16 như một trò giải trí, chẳng ai ngờ sau này nó lại hữu dụng như vậy. Với người Việt Nam, dù xe đạp đã nép mình giữa dòng đời tấp nập xe máy, xe hơi đời mới, nhưng vẫn là phương tiện gắn bó với nhu cầu đi lại…

 

Xe nghèo chờ chở khách nghèo

 

Cách đây chỉ chừng chục năm, khắp vùng Bình Trị Thiên từ ga tàu, bến xe, hay mỗi ngã tư đường phố đâu đâu cũng gặp xe đạp thồ phục vụ nhu cầu đi lại, chuyên chở hàng hóa khi ai đó không có phương tiện. Chỉ cần trong túi có một vài ngàn là đã ôm ngang lưng một người phu xe kỳ cạch đi muôn nẻo. Đối với những người buôn bán nhỏ, hàng hóa ít, không cần tới xích lô thì xe đạp thồ là lựa chọn số 1.

 

Xe đạp thồ là rẻ nhất, mà lại tiện vì có thể chở hàng vào tận trong chợ. Từ khi những chiếc Honda “ôm” xuất hiện, vừa tiện lại vừa nhanh, xe đạp thồ lép vế. Chẳng bao lâu từ Quảng Bình, Quảng Trị người ta thấy vắng hẳn bóng mấy anh “xế” gồng mình đạp xe trong gió Lào, nắng lửa.

 

Bây giờ, có lẽ chỉ duy nhất ở Huế mới có nghề xe đạp thồ.

 

Trong thời buổi “người khôn của khó”, để tồn tại, xe đạp thồ cũng chia thành hai giới. Giới thứ nhất là những anh xe đạp thồ có lãnh thổ cố định tại các chợ. Không ai bảo ai, những người này sẵn sàng đánh đuổi những anh xe thồ ở nơi khác tò te tới, hòng “giữ niêu cơm”.

 

Những anh xe đạp thồ thấp cổ bé họng hay mấy anh chập chững vào nghề chỉ còn biết chấp nhận đời xe “gió”, đó là cách gọi giới thứ hai trong nghề xe đạp thồ. Mấy anh xe “gió” tuy vẫn lảng vảng ở các chợ đón khách nhưng họ không được dừng đỗ ở những nơi cố định. Rất dễ nhận ra họ bởi cái dáng còm cõi, cái túi đằng trước đựng bộ áo mưa, chai nước lọc và lỉnh kỉnh đồ nghề phòng khi xe hỏng.

 

Họ dắt lui, dắt tới chiếc xe trước cổng chợ chờ đón khách. Mà đâu có dễ dàng gì, có mối nào thì ai cũng cố giành bằng được cho mình. Chuyện ẩu đả, cãi vã xảy ra như “cơm bữa”, mà mỗi cuốc xe ai giỏi lắm cũng chỉ kiếm được ngót mười nghìn đồng.

 

Anh Phong - một “xế” xe đạp thồ kể: “Có bận mình chở một bà về nhà mãi tận Kim Long. Khi đến nơi bà hỏi mình bao nhiêu? Mình xin bà cho 4 nghìn đồng vì đường xa quá. Bà ta liền nói: “Tôi đi honda “ôm” cũng chỉ 6 nghìn đồng, chú chạy xe đạp chẳng mất đồng tiền xăng nào, chi mà đòi nhiều dữ rứa!...” mình đành ngậm thinh.

 

Bà ấy có biết đâu, người ta chạy xe máy tốn xăng còn dân xe đạp thồ tụi mình tốn nhiều mồ hôi lắm. Làm cái nghề này thì gắng cho khỏe mạnh, còn như ốm đau coi như đói. Tôi muốn bây giờ mình cực, cũng cố lo cho con để đời nó khá hơn đời mình...”. Nói rồi anh Phong cười và đọc cho tôi nghe hai câu thơ ứng tác về cái nghề nhọc nhằn của mình:

 

Vắng khách đôi khi về chở gió/ Nhìn cuộc đời nhòe nhoẹt màu mưa.

 

Nghiệp đoàn xe đạp thồ chợ Đông Ba

 

Có lẽ lâu lắm rồi tôi mới lại được nhìn thấy những chiếc xe đạp có biển số. Miếng tôn sơn màu đỏ, nằm nguyên vị trí giữa thanh giằng chịu lực của chiếc xe đạp. Nó chẳng có ý nghĩa như chiếc biển số xe ngày nào, ghi những ký hiệu giúp người ta biết số đăng ký phòng ngừa mất cắp. Những cái biển số xe đạp ở bến Đông Ba đơn thuần chỉ là số thứ tự, và để cho người ta biết rằng: Chiếc xe đạp này thuộc “Nghiệp đoàn xe đạp thồ Đông Ba”.

 

Anh Trần Công Diệu thuộc tổ cơ động nghiệp đoàn (một bộ phận được phân công quản lý những anh em xe đạp thồ) cho biết: “Từ đầu năm 2004, để tiện cho việc quản lý những người làm nghề xe đạp thồ, tránh việc tranh giành khách làm mất mỹ quan thành phố và đảm bảo an ninh, nghiệp đoàn xe thồ Đông Ba được thành lập nằm dưới sự quản lý của Công đoàn thành phố Huế.

 

Từ khi vào nghiệp đoàn, anh em đã được bảo hiểm lao động. Khi có ai ốm đau, nghiệp đoàn có chế độ thăm hỏi, hỗ trợ từ tiền được trích ra trong quỹ đóng góp chung hàng ngày một nghìn đồng của tất cả các thành viên. Riêng tổ cơ động, ngoài việc quản lý anh em, chúng tôi còn tham gia giữ gìn trật tự chung như: tránh họp chợ ở vỉa hè, nhắc nhở những người đỗ xe ở lòng, lề đường làm ùn tắc giao thông, phối hợp với Công an chợ Đông Ba phòng tránh nạn trộm cắp, móc túi...”.

 

Sự ra đời Nghiệp đoàn xe đạp thồ Đông Ba được bà con buôn bán ở chợ rất hoan nghênh. Hiện nay, trong nghiệp đoàn đã quy tụ được hơn 200 người. Ông Lê Đắc Hòa, năm nay 70 tuổi vẫn phải tất bật lo miếng cơm manh áo nên ngày ngày dãi dầu nắng mưa cùng chiếc xe cũ kỹ để kiếm từng đồng tiền còm. Rất may, từ khi vào nghiệp đoàn, cuộc sống của ông Hòa đỡ chật vật hơn, vì bây giờ chẳng còn phải vất vả kỳ kèo giành khách như trước nữa.

 

Anh em đã tự biết phân công theo chuyến, chưa đến lượt mình thì nhường khách cho người khác chở. Cũng như ông Hòa, các anh em trong nghiệp đoàn cũng đã có đời sống ổn định hơn, dù thu nhập không nhiều nhưng mỗi người cũng kiếm được vài chục ngàn đồng một ngày công, tạm trang trải cuộc sống nghèo khó.

 

Nghề xe đạp thồ là một nghề vất vả nhất trong những nghề lao động phổ thông. Hầu như ai làm nghề này cũng mong muốn trong tương lai có một nghề khác ổn định hơn để làm.

 

Trên con đường phượng bay hay dưới tán cây hoa muối rì rào trước nhà thờ Phú Cam, hãy nhìn kỹ trong dáng chiều đỏ thẫm của cố đô, ta sẽ bắt gặp họ, người phu xe gò lưng đạp, chầm chậm như một dấu lặng buồn…

 

 

Theo Phùng Hưng

Sài Gòn Giải Phóng