1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Ôsin Philippines, tiếp viên Thái: Hết thời giúp việc chảnh, phục vụ lườm

Hội nhập kinh tế sẽ giúp tạo thêm 14 triệu việc làm ở khu vực ASEAN và cải thiện đời sống của 600 triệu người dân hiện sinh sống trong khu vực. Trong đó, lao động Việt Nam cũng được hưởng lợi, nhưng đi kèm là cả thách thức lớn lao ngay trên sân nhà.

Người Thái, Philippines sang Việt Nam kiếm việc

“Ôsin nước ngoài chuyên nghiệp và thích nghi nhanh với các thiết bị gia đình, hầu như tôi không phải hướng dẫn họ về cách sử dụng”, đó là nhận xét của chị Hương, một người dân sống tại Phú Mỹ Hưng (TP.HCM) về người giúp việc của mình. Khá kỹ tính trong việc quản lý việc gia đình, chị Hương đã thuê ô sin ngoại đến từ Philippines.

Không đông như người giúp việc Việt, khu đô thị nơi chị Hương sinh sống khá phổ biến với hình ảnh những người giúp việc ngoại làm việc, nhất là trong gia đình ông chủ là Việt kiều hay ngoại quốc. Dù chi phí thuê giúp việc ngoại giá cao gấp nhiều lần so với thuê trong nước, nhưng họ vẫn chấp nhận.

Giúp việc người nước ngoài sẽ sang Việt Nam kiếm việc (ảnh minh họa)
Giúp việc người nước ngoài sẽ sang Việt Nam kiếm việc (ảnh minh họa)

Không chỉ người giúp việc, cũng bắt đầu xuất hiện những nhân viên là người đến từ các nước ASEAN trong những ngành nghề khác tại Việt Nam. Chẳng hạn trên chuyến bay từ Phú Quốc về Hà Nội mới đây của một hãng hàng không nội địa, có một nữ tiếp viên là người Thái Lan. Nhìn thoáng qua, cô tiếp viên này cũng chẳng khác người Việt là mấy, nhưng khi thấy chị tận tình đến từng hàng ghế, nhắc nhở hành khách bằng vốn tiếng Việt ít ỏi thì không ít người cảm thấy bất ngờ. Hay, trong lần tuyển tiếp viên của hãng này mới đây, đã có những cô gái đến từ Hàn Quốc, Malaysia,... cũng tham dự.

Giống như nữ tiếp viên người Thái, lao động tay nghề cao sớm lên kế hoạch làm việc tại các quốc gia khác. Sự xuất hiện của những người nước ngoài trong cộng đồng ASEAN đang trở nên khá phổ biến, đặc biệt khi Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) chính thức thành lập. Dự báo, sẽ có một sự dịch chuyển lớn lao động tới Việt Nam, nhất là với những người làm trong 8 ngành nghề được tự do di chuyển trong khu vực, gồm: kế toán, kiến trúc sư, nha sĩ, bác sĩ, kỹ sư, y tá, vận chuyển và nhân viên ngành du lịch.

Ôsin Philippines, tiếp viên Thái: Hết thời giúp việc chảnh, phục vụ lườm - 2

Trên quy mô tổng thể, hội nhập kinh tế sẽ giúp tạo thêm 14 triệu việc làm ở khu vực ASEAN và cải thiện đời sống của 600 triệu người dân hiện sinh sống trong khu vực. Một nghiên cứu mới của Tổ chức lao động quốc tế (ILO) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho thấy sự ra đời của AEC sẽ hỗ trợ thúc đẩy tăng tưởng GPD của Việt Nam thêm 14,5% và tăng trưởng việc làm thêm 10,5% vào năm 2025.

Thách thức hội nhập

Những con số thống kê về việc làm trên, rõ ràng, là cơ hội lớn cho nguồn nhân lực trong nước. Song, chúng ta cũng cần thẳng thắn nhìn nhận về chất lượng lao động, nếu không có giải pháp kịp thời, nguy cơ mất việc ngay tại quê hương mình là điều hoàn toàn có thể xảy ra.

Bởi, nếu lấy thang điểm là 10, Việt Nam chỉ đạt 3,79 điểm - xếp thứ 11/12 nước châu Á tham gia xếp hạng của Ngân hàng Thế giới. Việt Nam thiếu nhiều lao động lành nghề, nhân lực qua đào tạo cũng chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp về tay nghề và các kỹ năng mềm khác.

Từ năm 2008 trở lại đây, tốc độ tăng năng suất trung bình hằng năm của Việt Nam chậm lại, chỉ còn 3,3%. Thâm dụng nhân công giá rẻ với năng suất lao động thấp, tiêu biểu trong các ngành công nghiệp như dệt may, da giày, chế biến thực phẩm,... sẽ dẫn đến tình trạng nguồn lao động luôn biến động, chất lượng không cao, không có thời gian để nâng cao trình độ, tay nghề.

Lao động trong nước phải cạnh tranh với nguồn nhân lực của khu vực
Lao động trong nước phải cạnh tranh với nguồn nhân lực của khu vực

Đối với các nghề như cơ khí, điện tử, máy công nghiệp,... các doanh nghiệp thường phải đào tạo lại khi tuyển dụng.

Năng suất thấp, thiếu lao động tay nghề, trình độ ngoại ngữ và các kỹ năng mềm khác đang khiến các lao động của Việt Nam yếu thế trong cuộc cạnh tranh khốc liệt trên thị trường lao động khi hội nhập. Trong khi người lao động các nước lại hơn hẳn người lao động Việt Nam về những mặt này.

Còn theo đánh giá của các chuyên gia ILO, bất chấp kinh tế phát triển mạnh mẽ, gần một nửa số lao động Việt Nam đang làm việc trong ngành nông nghiệp, lĩnh vực có năng suất lao động, thu nhập và điều kiện lao động còn ở mức thấp điển hình so với một vài nền kinh tế ASEAN khác.

Có thể chưa có xáo trộn lớn trên thị trường lao động trong thời gian gần, bởi trên thực tế còn một số điều kiện khác như thông thạo bản ngữ, đánh giá trình độ, thi chuyên môn bằng bản ngữ, yêu cầu hiểu biết pháp luật,... Dù vậy, cần phải chuẩn bị từ bây giờ.

Hào hứng đón chờ AEC, Nguyễn Quang Anh vừa tốt nghiệp ĐH Ngoại thương, chia sẻ tham vọng của mình về cơ hội sang Singapore hay Thái Lan làm việc trong thời gian tới. Quang Anh tự tin với vốn tiếng Anh của mình, cộng với một số khóa học ngắn hạn của các tổ chức giáo dục quốc tế, tân cử nhân này sẵn sàng làm việc ở một môi trường mới năng động hơn - điều mà trước đó, không ít những bạn trẻ mới ra trường chưa thực hiện được.

“Làm việc ở nước phát triển như Singapore dù áp lực cạnh tranh hơn nhưng mình sẽ học hỏi được nhiều hơn và cơ hội được lương bổng cao hơn”, Quang Anh chia sẻ. AEC hình thành sẽ cho phép một số lượng người lao động kỹ năng cao của Việt Nam, với đủ trình độ và bằng cấp, được theo đuổi các cơ hội việc làm tốt hơn ở các nước khác trong khu vực.

Nhiều lao động tay nghề cao cũng đang mong chờ một cơ hội mới. Như Nguyễn Thị Trinh (tốt nghiệp quản lý khách sạn tại TP.HCM) đang tích cực rèn luyện thêm kỹ năng nghề để có thể bắt kịp cơ hội. “Mình đang thực tập tại một khách sạn lớn ở Việt Nam, chỉ nay mai thôi có thể sang bất cứ nước nào trong khối ASEAN để làm việc. Chính vì vậy, ngay từ bây giờ mình cần chuẩn bị các kỹ năng đạt chuẩn để không bị bỡ ngỡ”, Trinh nói.

Theo Vietnamnet.vn