Ổn định thị trường lao động trong bối cảnh Covid-19
(Dân trí) - Theo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Phú Yên, từ đầu năm đến nay dịch bệnh Covid-19 bùng phát, diễn biến phức tạp đã tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống của nhân dân trên địa bàn.
Trong tình hình này, nhiều doanh nghiệp trong tỉnh đã phải tạm nghỉ hoặc tạm ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh; người lao động bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập.
Tạo việc làm cho 22.350 lao động
Nhu cầu tuyển dụng lao động của doanh nghiệp đã giảm đi hơn 1.000 lao động, nhiều đối tác các tỉnh phía Nam hoãn thực hiện hợp đồng, giảm đơn đặt hàng đối với các Trung tâm dịch vụ việc làm của tỉnh, dẫn đến việc giới thiệu việc làm cho người lao động giảm theo.
Tuy nhiên, với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Phú Yên dần ổn định và có sự phát triển.
Qua đó, từ đầu năm đến nay, thị trường lao động tỉnh Phú Yên đã giải quyết việc làm cho 22.350 lao động (trong đó trong tỉnh 15.630 lao động, ngoài tỉnh 6.530 lao động, đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 190 lao động). Hỗ trợ vay giải quyết việc làm từ nguồn quỹ quốc gia giải quyết việc làm khoảng 88.500 triệu đồng giải quyết 2.270 lao động tập trung vào khu vực nông - lâm - thủy sản.
Sở đã tổ chức thẩm định 14 đơn vị, chấp thuận 80 vị trí việc làm cho chuyên gia, nhà quản lý, giám đốc điều hành, lao động kỹ thuật; cấp mới 13 giấy phép lao động; cấp lại 25 giấy phép lao động; xác nhận 5 trường hợp không thuộc diện cấp giấy phép lao động là người nước ngoài làm việc tại Phú Yên.
Trong tình hình đó, Trung tâm Dịch vụ việc làm Phú Yên đã tổ chức thành công 9 phiên giao dịch việc làm về tư vấn giới thiệu việc làm và đào tạo nghề tại một số địa phương; tư vấn nghề - việc làm 14.397 lượt người. Trung tâm cũng giới thiệu việc làm và cung ứng lao động 6.242 lượt người đến các cơ quan, đơn vị trong và ngoài tỉnh.
Để Trung tâm Dịch vụ việc làm hoạt động hiệu quả, Sở LĐ-TB&XH kiến nghị Bộ LĐ-TB&XH tiếp tục đầu tư trang thiết bị, máy móc cho Trung tâm dịch vụ việc làm có điều kiện mở sàn giao dịch việc làm điện tử; Bộ LĐ-TB&XH sớm trình Chính phủ ban hành Đề án phát triển thị trường lao động đến năm 2030.
Bên cạnh đó, Trung tâm đã hướng dẫn nhập dữ liệu vào máy tính về thông tin biến động thị trường lao động, làm cơ sở dự liệu cung cầu lao động năm 2020 của các huyện, thị xã, thành phố; các xã, phường, thị trấn…
Cũng theo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Phú Yên, mặc dù hàng năm đã giải quyết được việc làm cho hàng chục ngàn lao động, tuy nhiên vai trò kết nối cung - cầu của Trung tâm dịch vụ việc làm ở địa phương chưa thật sự đạt hiệu quả cao, còn gặp một số hạn chế.
Cụ thể: Thu thập, cập nhật, nhập cơ sở dự liệu để xử lý thông tin thị trường lao động còn nhiều bất cập, chưa đồng bộ nên kết nối thị trường lao động qua hệ thống Trung tâm dịch vụ việc làm của tỉnh còn khó khăn trong biến động thị trường lao động qua hệ thống cung-cầu lao động; ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động dịch vụ việc làm chưa cao, do đó doanh nghiệp và người lao động chưa có nhiều cơ hội tiếp cận các thông tin kịp thời, nhanh chóng.
Ngoài ra, Trung tâm dịch vụ việc làm chưa được đầu tư đồng bộ, còn thiếu nhiều trang thiết bị, chưa mở được sàn giao dịch việc làm điện tử.
Chú trọng năng lực trung tâm dịch vụ việc làm
Theo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Phú Yên, sau khi Việt Nam gia nhập Công ước số 88 về Tổ chức Dịch vụ việc làm của Tổ chức lao động quốc tế (ILO), Phú Yên đã tiến hành quy hoạch mạng lưới Trung tâm Dịch vụ việc làm để tư vấn việc làm miễn phí, thống nhất đặt dưới sự quản lý nhà nước của Sở LĐ-TB&XH.
Tại trung tâm dịch vụ việc làm đã xây dựng văn phòng giao dịch thuận tiện cho người lao động và người sử dụng lao động dễ dàng tiếp cận; Yêu cầu có các cơ chế để thực hiện tham vấn các tổ chức đại diện của người sử dụng lao động, tổ chức đại diện của người lao động về các chính sách về dịch vụ việc làm.
Đồng thời yêu cầu Trung tâm dịch vụ việc làm công thu thập, phân tích và cung ứng thông tin thị trường lao động. Hoạt động đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực tìm kiếm việc làm và đào tạo kỹ năng nghề.
Qua một thời gian thực hiện, Sở LĐ-TB&XH Phú Yên đánh giá, khi gia nhập Công ước 88 đã góp phần hỗ trợ, thúc đẩy phát triển hệ thống Trung tâm dịch vụ việc làm phù hợp với các yêu cầu, định hướng của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về lao động, việc làm nói chung, về dịch vụ việc làm nói riêng.
Bên cạnh đó, khi thực hiện các quy định về tổ chức của hệ thống dịch vụ việc làm công, và đảm bảo các yêu cầu thì tạo thuận lợi cho việc chuyên môn hóa dịch vụ việc làm theo ngành nghề, tính chuyên nghiệp trong hoạt động của tổ chức dịch vụ việc làm sẽ nâng cao; giúp người lao động đạt những tiêu chuẩn mới về lao động, có cơ hội tiếp cận với những cơ hội việc làm mới, nâng cao trình độ chuyên môn nghề nghiệp và tăng thu nhập; dịch vụ việc làm thúc đẩy sự phát triển, hội nhập và sử dụng lực lương lao động có hiệu quả….
Để Trung tâm dịch vụ việc làm hoạt động 1 cách có hiệu quả, Sở LĐ-TB&XH đề nghị trung ương hỗ trợ đầu tư trang thiết bị, máy móc cho Trung tâm dịch vụ việc làm tạo điều kiện để tổ chức sàn giao dịch việc làm điện tử; đào tạo, bỗi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng cho nhân sự của hệ thống Trung tâm dịch vụ việc làm công đáp ứng được yêu cầu về dịch vụ việc làm trong tình hình mới.