1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Nông dân chưa mặn mà với đào tạo nghề

(Dân trí) - Chiến lược phát triển kinh tế- xã hội của Việt Nam đến năm 2020 là chuyển đổi cơ cấu lao động nông dân từ 62% xuống còn khoảng 30%. Tuy nhiên, trên thực tế, tại nhiều địa phương, người nông dân chưa mặn mà với việc đào tạo nghề mới.

Nông dân chưa mặn mà với đào tạo nghề - 1
Nhiều nông dân lên thành phố chọn nghề tự do thay vì đi học nghề bài bản. (Ảnh minh họa)
 
Theo thống kê, hiện nay lực lượng lao động nông thôn có khoảng 34,8 triệu người, chiếm trên 62% tổng số lao động trong cả nước. Trong khi đó, mục tiêu Chiến lược phát triển kinh tế- xã hội, đến năm 2020, tỷ trọng các ngành công nghiệp và dịch vụ chiếm khoảng 85% trong GDP; tỷ lệ lao động nông nghiệp còn khoảng 30% trong lao động xã hội. Chính vì vậy, đào tạo nghề nhằm chuyển dịch cơ cấu nghề cho lao động nông thôn là nhu cầu khá bức thiết.

Trong “Đề án dạy nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” Chính phủ chỉ đạo tập trung đào tạo nghề cho các nhóm đối tượng là nông dân được đào tạo để trở thành những nông dân làm nông nghiệp hiện đại; nông dân được đào tạo để chuyển nghề thành lao động phi nông nghiệp tại nông thôn hoặc trở thành công nhân công nghiệp; nông dân được đào tạo để phục vụ xuất khẩu lao động; nông dân được đào tạo để trở thành các nhà quản lý sản xuất ở nông thôn hoặc trở thành các cán bộ thôn, xã.

Mục tiêu là thế, nhưng theo lãnh đạo Tổng Cục dạy nghề (Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội), sau hơn 1 năm triển khai thực hiện Đề án đã nảy sinh nhiều khó khăn. Có địa phương khi mở lớp đào tạo nghề  chỉ 1-2 nông dân đăng ký theo học. Bởi họ cho rằng những nghề đó không phù hợp với họ hoặc không có khả năng tiếp cận với cơ hội việc làm.

Theo  PGS.TS. Mạc Văn Tiến, Tổng cục dạy nghề, với đặc thù của lao động nông thôn, cần có những thay đổi thực tế hơn để đi sát với nhu cầu của các ngành kinh tế và khả năng của người nông dân từng địa phương.

Về vấn đề dạy nghề, ông Tiến cho rằng nên áp dụng những hình thức khác ở từng địa phương. Cần ưu tiên hình thức dạy tại các cơ sở dạy nghề; dạy nghề theo đơn đặt hàng của các tập đoàn, Tổng công ty; dạy nghề lưu động (tại xã, thôn, bản); dạy nghề tại doanh nghiệp và các cơ sở sản xuất kinh doanh…Bởi  có như vậy người nông dân mới có niềm tin vào đầu ra sau khi đã học nghề.  

P. Thanh