Những điều nên và không nên khi đề nghị tăng lương
(Dân trí) - Đề nghị tăng lương là một việc làm khá "nhạy cảm". Nhiều người thậm chí ngại hoặc sợ đến nỗi không dám mở lời với sếp và chấp nhận khoản tiền lương nhận được dù cảm thấy mình xứng đáng được hơn thế.
Các chuyên gia nghề nghiệp đã đưa ra một số lời khuyên nên và không nên khi đề nghị tăng lương, góp phần giúp bạn nhận được mức lương xứng đáng:
Nên:
- Đề nghị tăng lương nếu thấy mình xứng đáng nhận được nhiều hơn mức lương hiện tại
- Lập một kế hoạch và chiến lược đề nghị tăng lương cụ thể, bao gồm tìm hiểu các bước đề nghị ra sao, quá trình thương lượng, thời điểm lý tưởng gặp mặt sếp...
- Thể hiện sự chuyên nghiệp trong cách thực hiện lời đề nghị
- Tìm hiểu cụ thể chính sách về lương và tăng lương của tổ chức
- Xác định chính xác giá trị, đóng góp của mình cho công ty. Và sử dụng chúng như một công cụ thương lượng lương.
- Tìm hiểu mức lương giới hạn bạn có thể thương lượng
- Linh hoạt với những giá trị thêm khác như trợ cấp, hoa hồng thay vì chỉ khăng khăng tăng tiền lương, đặc biệt trong giai đoạn nền kinh tế khó khăn và công ty đang thắt chặt tiền tệ.
- Tập trung vào mức lương mình xứng đáng nhận được
- Lập một danh sách những giá trị, thành công và đóng góp của bạn tới phòng ban và công ty của mình
- Nói chuyện thẳng thắn với sếp trực tiếp để bày tỏ nguyện vọng của bạn
- Tìm kiếm sự giúp đỡ từ những người có kinh nghiệm, người cố vấn trong công ty
- Hỏi lý do rõ ràng và xin lời khuyên để bạn có thể tăng lương cho lần sau nếu đề nghị lần này của bạn bị từ chối
Không nên:
- Ngại ngùng không dám đề nghị tăng lương
- Cầu xin, kể lể, khóc lóc, giận dữ, đe dọa khi đề nghị tăng lương với công ty
- Tập trung vào mức lương bạn mong muốn
- Yêu cầu tăng lương ở mức phi thực tế
- Cho rằng mình sẽ được tự động tăng lương nếu làm tốt
- Liên tục đề nghị tăng lương
- Tuyệt vọng hay nghĩ ngay tới " nhảy việc" khi lời đề nghị của mình bị từ chối. Bạn nên suy nghĩ thật kỹ trước khi đưa ra bất cứ quyết định nào.
Vũ Vũ
Theo QC