Những cô gái quê đánh giậm ở Hồ Tây

Bỏ quê lên Thủ đô làm nghề... đánh giậm (theo đúng nghĩa đen của công việc này). Mang theo “nghề truyền thống” của làng, họ vẫn sống cuộc đời lam lũ, lủi thủi của những thân phận “nghêu sò ốc hến” giữa lòng Hà Nội.

Chuyện nghe có vẻ ngược đời nhưng đó là chuyện thực 100% của những phụ nữ quê ở làng Văn Lao, xã Văn Võ, huyện Chương Mỹ, tỉnh Hà Tây. 

 

Không ai biết làng quê ấy có nghề đánh giậm từ bao giờ. Chỉ biết rằng, ở cái làng ấy, người người đánh giậm, nhà nhà đánh giậm, cả làng cùng đi đánh giậm. Từ đời cụ kị, ông bà đến đời con cháu, cứ cha truyền con nối như một nghề "gia truyền". Ấy thế mà cái nghề đánh giậm nhọc nhằn cũng nuôi sống cả làng.

 

Thương lắm phận "nghêu sò óc hến"

 

Một ngày của Hà (19 tuổi) và các chị em trong phòng trọ đất Hà thành bắt đầu từ 7 giờ sáng. Sau khi chắc dạ bằng bữa cơm đạm bạc hầu như chi có đậu và rau, đi bộ ra đến Hồ Tây mất thêm 30 phút, khoảng 9 giờ, cả đoàn cùng xuống nước. Bỏ qua bữa cơm trưa, mọi người đánh giậm đến khoảng 3 - 4 giờ chiều thì lên bờ, mang sản phẩm bắt được bao gồm cá ốc, hến, tôm, cua ra các chợ chiều xung quanh hồ bán.

 

Tối về giặt giũ, cơm nước xong vào xóm xem nhờ ti vi của nhà chủ. Quanh năm suốt tháng, mùa đông cũng như mùa hè, mưa cũng như nắng. Có những ngày mùa đông giá, nhiệt độ xuống tới 7 độ C, Hà và các chị vẫn xuống hồ. "Những ngày giá, tôm dạt vào bờ dễ bắt hơn, chịu lạnh một chút thì vẫn có thu nhập, chứ ngồi chơi ăn không xót ruột lắm" - Hà tâm sự.

 

Tôi gặp Yến (24 tuổi) ở chợ chiều làng Bái Ân, Tây Hồ khi cô đang ngồi bán ốc. Là con cả trong một gia đình nông dân nghèo có 5 chị em, từ bé, Yến đã được nuôi lớn lên bằng cua, bằng ốc và bằng tất cả những thứ gì mà bà cô, rồi mẹ cô lôi được từ trong chiếc giỏ đeo ở lưng xuống sau khi từ đồng về đã ghé qua chợ mua đi bán lại để đổi mắm muối.

Lớn lên một chút, Yến được theo mẹ ra đồng. Không biết có phải cái mùi tanh tanh của bùn đất, của ốc, hến đã ngấm vào người cô từ nhỏ, đeo vào thân thành cái nghiệp của một đời con gái hay không mà tới 13 tuổi, cô đã thành thạo cái nghề đánh giậm. 

 

14 tuổi, Yến đi theo các chị trong làng lên Hà Nội đánh giậm ở Hồ Tây. Vậy mà cũng đã 10 năm rồi. Xem ra Hà Nội cũng khá hào phóng đã không bạc đãi những con người kham khổ mà cần mẫn như Yến.

 

Mỗi ngày, cô cũng kiếm được vài ba chục nghìn. Cơm thì tự nấu, gạo mang ở quê lên, rau cỏ rồi cũng qua ngày. Yến cùng 7 chị em nữa thuê chung một gian phòng ở tận ngoài cánh đồng làng Bái Ân, phường Xuân La, quận Tây Hồ.

 

Nói gian phòng cho nó sang chứ thực chất nó là một túp lều có giống như lều của những người chăn vịt ở quê cô, đường đi không có, muốn vào phải đi bộ, xe đạp phải khiêng lên mới qua được. Nước giếng khoan, điện thắp sáng kéo dây từ nhà chủ ra. Tóm lại, nó cũng khá tương xứng với 30.000 đồng thuê nhà cô cùng chị em phải trả mỗi tháng. Trừ tất cả chi phí và mua sắm quần áo, mỗi tháng, Yến cũng gửi về quê được khoảng 600.000 đồng cho mẹ nuôi em.

 

Khi hỏi về chuyện chồng con, Yến cười: "Em cũng chẳng biết mình sẽ làm nghề này bao lâu nữa. Ở quê, tuổi 24 như em coi như đã ế, còn ở Hà Nội, ai mà thèm ngó tới thân phận những người đánh giậm như em... Thôi thì đến đâu hay đến đấy, chỉ mong là các em em sẽ không phải theo nghề của chị nữa...".

 

Còn Khuyên (21 tuổi), dù mới gia nhập đội quân đánh giậm ở Hồ Tây, chỉ một năm nay nhưng đã ra dáng chị cả lắm. Khuyên may mắn hơn các em bởi chị đã làm được việc lớn trong đời mình là kiếm được tấm chồng để mà nương tựa. Chồng Khuyên cũng là dân lao động ngoại tỉnh, là hàng xóm ở quê, hai vợ chồng cùng đi đánh giậm may mắn được nhà chủ cho ở nhờ trong căn chòi canh vườn chật hẹp ở phường Xuân La. Để được ở không mất tiền, những lúc không bận đi đánh giậm, Khuyên đã trông nom cây cối, làm cỏ chăm vườn. Khuyên dự định sẽ dành dụm tiền trong vài năm tới rồi sẽ sinh con...

 

Chia tay với những người đánh giậm hiền lành, tôi cứ bị ám ảnh bởi những ngón tay thô kệch, những bàn chân nứt nẻ và sưng phù lên vì ngâm nước quá nhiều. Đấy là chưa kể một số người còn bị mắc bệnh phụ khoa...

 

Những người đánh giậm, họ rất ngại tiếp xúc với người lạ. Họ không muốn nói về mình, về tương lai hay ước mơ. Họ sợ những lời trêu ghẹo của người đời. Họ sống cuộc đời lặng lẽ và kiếm sống bằng những việc làm lương thiện. Thương và đáng trọng lắm thay. Ai đi qua Hồ Tây đã một lần để ý đến họ?

 

Theo Công An Nhân Dân