1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Hà Nội:

Nghịch lý thị trường lao động cuối năm

(Dân trí) - “Do nhu cầu phát triển, mở rộng Công ty chúng tôi cần tuyển thêm 10 nhân viên kinh doanh nhưng hơn 1 tháng nay vẫn không tuyển đủ”, Đại diện công ty TNHH Thương mại Hà Yến, chuyên hoạt động trong lĩnh vực hàng gia dụng, nhập khẩu cho biết.

Doanh nghiệp khát người

Đến thời điểm này, nhiều doanh nghiệp, công ty đóng trên địa bàn TP.Hà Nội liên tục đăng ký tuyển lao động nhưng vẫn không tuyển đủ. Người lao động đổ xô đến các sàn giao dịch, tìm kiếm việc làm nhưng không mấy  mặn mà với công việc đã đăng ký. Tại phiên giao dịch việc làm kỳ 2-tháng 11/2009 được tổ chức tại trung tâm giới thiệu việc làm Hà Nội, có tất cả 98 doanh nghiệp đăng ký tham gia tuyển lao động. Tập trung nhiều nhất ở các lĩnh vực kinh doanh, may mặc, phát triển thị trường…với 471 lượt người được phỏng vấn. Trong khi đó tại phiên giao dịch việc làm diễn ra vào ngày 20/12 có sự tham gia của 80 đơn vị với tổng số nhu cầu tuyển dụng và tuyển sinh là 2.936 lao động. Tập trung nhiều nhất ở lĩnh vực thương mại, dịch vụ, xây dựng, công nghiệp…

Trái ngược với thời điểm này của cùng kỳ năm 2008. Trong khi các doanh nghiệp, công ty tìm mọi cách để giảm bớt lao động thì năm nay nhiều công ty phải đổ xô đi tìm lao động. Lao động phổ thông được nhiều doanh nghiệp, công ty săn đón. Trong số 2936 lao động được tuyển dụng, có 114 lao động có trình độ đại học, chiếm tỷ lệ 3,88%; trình độ cao đẳng là: 124 lao động, chiếm tỷ lệ 4,22%; trình độ trung cấp, công nhân kỹ thuật là 1.292 người, chiếm tỷ lệ: 44,01%; lao động phổ thông là 1.206 người, chiếm tỷ lệ  41,08%; nhu cầu tuyển sinh đào tạo nghề: 200 người, chiếm tỉ lệ 6,81%. Công ty TNHH Thương mại Hà Yến, mặc dù đã đăng báo tuyển nhân viên gần 1 tháng nay nhưng vẫn không tuyển đủ người. Tại các phiên giao dịch việc làm, số lượng người lao động tìm đến sàn giao dịch rất nhiều nhưng hầu hết lao động đến chỉ với tâm lý tham khảo là chủ yếu chứ không thực sự khát việc. Các doanh nghiệp, công ty đăng ký tham gia tuyển lao động ở sàn mặc dù đã tung hết các chiêu quảng cáo, giới thiệu thế nhưng kết quả mang lại cũng không mấy khả quan. “Cả ngày tại sàn cũng chỉ có dăm bảy người lao động tới ngồi trò chuyện, hỏi han chứ không nộp hồ sơ để dự tuyến” - Đại diện của một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xản xuất hàng thủ công mỹ nghệ cho biết.

Lý giải cho vấn đề này nhiều chuyên gia cho rằng: Vấn đề mẫu chốt chính nằm ở các doanh nghiệp và công ty tuyển dụng. Nhìn bề ngoài nhu cầu tìm lao động ở các đơn vị này rất lớn nhưng khi có lao động tới sơ tuyển nhà tuyển dụng lại tìm cách từ chối khóe người lao động vì nhiều lý do khác nhau, trong đó phải kể đến là do thiếu kinh nghiệm và không có tay nghề.

Anh Lê Minh Đức, Giám đốc công ty TNHH hoạt động trong lĩnh vực truyền thông, quảng cáo chia sẻ: Công ty chúng tôi thực sự đang rất cần người nhưng phải là người có kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Tôi đề ra yêu cầu phải có ít nhất 4 năm kinh nghiệm và có mối quan hệ xã hội rộng. Với những yêu cầu khắt khe, đòi hỏi phải có kinh nghiệm, thành thạo vi tính, tiếng anh, có quan hệ rộng… nhiều doanh nghiệp vô hình dung đã tạo ra bức tường ngăn cách với người lao động.

Người lao động chọn lựa

Thận trọng đó là tâm lý chung của các lao động khi đến các sàn giao dịch tìm kiếm việc làm. Chị Nguyễn Như Mơ, tốt nghiệp chuyên nghành Quản trị kinh doanh, 36 tuổi, cho biết: Bây giờ tìm việc không khó, cái khó là có tìm được công việc phù hợp với năng lực, sở trường, chuyên môn của mình hay không. Không kể là doanh nghiệp nhà nước hay tư nhân, đơn vị nào trả tiền cao hơn, điều kiện tốt hơn thì mình về làm.

Với những người lao động, thu nhập lương cứng, thưởng và môi trường làm việc cũng như khả năng thăng tiến sau này đó là điều kiện để quyết định họ có gắn bó với công ty đó hay không. Nhiều lao động có trình độ, chuyên môn và tay nghề lẫn kinh nghiệm, họ sẵn sàng nhảy việc. Từ các doanh nghiệp nhà nước ra làm ngoài để được tự do và có điều kiện phát triển hơn, tất nhiên là thu nhập của họ cũng được trả cao gấp vài lần. Hầu hết các lao động có thâm niên trong nghề đều có mức thu nhập từ 5-8 triệu là mức tiền cứng họ mong muốn.

Trong khi đó, đối với lao động có bằng Đại học, thuộc diện mới ra trường có xu hướng thiên về  chọn lựa công việc nhàn rỗi. Không đòi hỏi lương quá cao, chỉ nằm ở mức dao động động từ 2-3 triệu đồng, đổi lại không phải chịu áp lực công việc, có nhiều thời gian cho bản  thân, gia đình và bạn bè. Chị Nguyễn Thị Đàn, tốt nghiệp chuyên nghành Kinh tế, 24 tuổi, hiện đang là trợ lý cho Giám đốc một Công ty chuyên kinh doanh đồ gỗ nội thất cao cấp chia sẻ: “ Chê việc lương cao hiện đó là xu hướng chung của các bạn trẻ hiện nay. Lương cao kéo theo đó là áp lực, gánh nặng công việc phải giải quyết lúc đó sẽ không còn thời gian cho các hoạt động khác”.

Các nghành quản trị kinh doanh, tài chính, ngân hành, xây dựng, bảo hiểm, phát triển thị trường, bất động sản… vẫn là những nghành hot, được nhiều lao động có trình độ nhòm ngó tới. Tuy nhiên lượng lao động tìm kiếm ở các nghành này ở các doanh nghiệp vẫn chiếm tỷ lệ nhỏ so với lao động phổ thông.

 Đối với lao động phổ thông, cứ đến dịp cuối năm, người lao động lại tất bật với công việc. Nhiều lao động bố trí thời gian hợp lý có thể còn cùng một lúc làm 2-3 việc  ở các công ty khác nhau, thu nhập vẫn ổn định. Càng tới thời điểm cuối năm, thị trường lao động lại càng sôi động, nhiều doanh nghiệp, công ty vẫn đang hồ hởi mở các chiến dịch tuyển lao động song trên thực tế không phải đơn vị nào cũng tuyển được lao động ưng ý. “Thời gian tới, xu hướng lao động sẽ chuyển dịch từ khát lao động phổ thông sang lao động có bằng cấp, tay nghề có trình độ. Các doanh nghiệp, công ty sẽ chấp nhận bỏ tiền, thời gian để đào tạo người và có chiến lựợc giữ chân nhân viên của mình
. Không  đơn vị nào muốn năm nào cũng phải đi tuyển người mới vào làm!” Chị Lê Hương Giang, chuyên gia trong lĩnh vực đào tạo, giới thiệu việc làm nói.

Mạnh Phan