1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Nghề “ảo thuật” với sáp, bột, chì

(Dân trí) - Đôi khi, nhìn một bức ảnh, một đoạn phim quảng cáo, người ta thường khen người mẫu xinh đẹp chứ chẳng mấy khi nghĩ đến những chuyên viên trang điểm đã biến họ từ những người bình thường trở nên đặc biệt, quyến rũ như thế.

Mọi người gọi họ là những người có "đôi tay phù thủy", công việc của họ chẳng khác nào là làm ảo thuật bằng thứ mà chị em phụ nữ gọi đơn giản là son phấn…

Vào nghề

Nghề trang điểm có thể tạm chia thành một số nhánh như: trang điểm thông thường (phục vụ cưới hỏi), trang điểm trình diễn (phục vụ các buổi biểu diễn, chụp ảnh), trang điểm ấn tượng (quảng cáo)…

Hiện nay, đội ngũ chuyên viên trang điểm thông thường phục vụ cưới hỏi đang chiếm số lượng áp đảo, một số ít chuyên viên có tay nghề thì chuyên make-up cho giới nghệ sỹ. Hầu hết những người này thường hoạt động tự do.

Bên cạnh đó, bổ sung vào lực lượng chuyên viên make-up chuyên nghiệp còn có nhân viên make-up của các hãng mỹ phẩm. Ví dụ như hàng mỹ phẩm nổi tiếng Shiseido, để phục vụ cho công tác quảng bá sản phảm, hãng này có hẳn một đội ngũ chuyên viên trang điểm - mà cuộc thi Hoa hậu toàn quốc năm 2004, đội ngũ chuyên viên này đã trang điểm cho tất cả các thí sinh trong suốt quá trình thi.

Khác với hình dung của nhiều người, trên thực tế, những chuyên viên make-up có tiếng lại hầu hết là nam giới. Điều này tưởng chừng như phi lý, nhưng trên thực tế theo giải thích của những người trong nghề, khi make-up đã thành một nghề, vượt qua khỏi khuôn khổ của bàn phấn của chị em thì nó lại là một công việc mệt nhọc, đòi hỏi sự đầu tư và nỗ lực rất nhiều.

Khi những cái tên như Khả Tuấn, Huỳnh Lợi, Việt Hùng trở nên quen thuộc với các nghệ sỹ thì cũng là lúc những người làm nghề make-up phải đối mặt với những đòi hỏi của khách hàng, mà quan trọng nhất là: Phải sáng tạo không ngừng.

Nam Trung là một trong những chuyên viên trang điểm hàng đầu của giới make-up hiện nay. Để có được thành công như ngày hôm nay, ít người biết được rằng, anh đã phải lăn lộn với nghề từ rất sớm. Bắt đầu với phấn sáp từ năm 15 tuổi, anh may mắn được một chuyên viên nước ngoài hướng dẫn. Đến bây giờ, anh vẫn chưa quên cảm giác hồi hộp khi lần đầu tiên anh trang điểm cho người mẫu chuyên nghiệp năm anh 22 tuổi, vừa chân ướt chân ráo vào Sài Gòn lập nghiệp.

Cũng có nhiều người theo nghề trang điểm bởi trót đam mê với một nghề khác mà chưa thể sống được bằng nghề. Chẳng hạn như cô gái Hà thành Nguyễn Thanh T. Từng tốt nghiệp một học viện trang điểm ở nước ngoài, T. chấp nhận dấn thân trở thành một trong số ít những người dám dấn thân với nghệ thuật Body Painting (vẽ trên cơ thể).

Học hành vất vả, tốn kém, nhưng khi ra nghề rồi, cô lại chẳng mấy khi được sử dụng những kiến thức đã được học. Khao khát được làm nghề, T. từng "liều mạng" bỏ ra gần chục triệu mua sơn vẽ và thuê người mẫu để thực hiện ý tưởng của mình. Tạm thời trước mắt, công việc chính của của cô gái 8X này là trang điểm cho các nghệ sỹ. Dù đến với nghề không phải vì yêu thích ban đầu, nhưng sau 3 năm làm công việc make-up, T. tin rằng cô cũng gắn bó với nghề này lâu dài.

Phấn sáp không đùa với… chuyên viên

Không chỉ đơn giản là đánh phấn, tô mắt, quệt son…, nghề make-up đòi hỏi ở các chuyên viên trang điểm rất nhiều kiến thức mà nhiều khi, có thứ chả ăn nhập gì với son phấn.

Chuyên viên make-up Hoàng A. kể lại một kỷ niệm nhớ đời hồi mới tập tành vào nghề. Sau rất nhiều nỗ lực, cuối cùng chị cũng tìm được một chân trang điểm chụp ảnh. Do chưa có kinh nghiệm, những khuôn mặt sau khi bị chị "phù phép" đều bị thừa sáng khi lên hình. Có người động viên nói rằng, trông như thế cũng "lạ", "hay", nhưng ngườitrong giới thì thừa hiểu, đó là do chuyên viên thiếu kiến thức về ánh sáng.

Sau "sự cố" đó, A. nhận ra rằng, một make-up chuyên nghiệp phải hiểu cả về bố cục ánh sáng và tạo dáng cho khuôn mặt, chứ không chỉ đơn giản là cuộc chơi với sắc màu.

Một trong những yếu tố quan trọng để trở thành một chuyên viên make-up là phải hiểu về da, "sành" về giải phẫu khuôn mặt. Trần Thùy H., người có thâm niên 5 năm trong nghề cũng có đôi khi dở khóc dở cười.

Ấy là lần H nhận trang điểm cho cô dâu trong tình trạng hết sức mỏi mệt - đó là cô dâu thứ 5 trong ngày của H. Nhưng vừa mới bôi kem nền lên mặt thì toàn bộ mặt cô dâu đã nổi đỏ từng đám. Hốt hoảng, nhưng H. vẫn kịp thời nhận ra là do cô dâu bị dị ứng mỹ phẩm. Rất may, 5 năm kinh nghiệm đã đủ cho H. xử lý tình huống này: cấp tốc đề nghị đưa cô dâu đến bác sỹ tiêm thuốc và sau đó trang điểm lại thật nhẹ nhàng bằng mỹ phẩm phù hợp.

Có một điều mà những người trang điểm chuyên nghiệp luôn nhớ, đó là đảm bảo yêu cầu vệ sinh. Không chỉ là dụng cụ trang điểm phải sạch sẽ, mà một chuyên viên trang điểm có gour riêng được tạo bởi tính cách mỗi người. Tuy vậy, theo đánh giá của chính những người trong giới make-up thì đây là một nghề không khó, nhưng lại khó…thành công.

Đầu tư ban đầu cho nghề cũng không phải là chuyện nhỏ (mỗi bộ đồ trang điểm cô dâu loại "xoàng" nhất cũng đã phải chục triệu đồng), đó là chưa kể học phí và khoản thời gian "ăn không" để học nghề. Chuyện mở một ảnh viện, trang điểm là giấc mơ khá cao sang đối với những người mới ra nghề. Dẫu vậy, chắc chắn có rất nhiều người vì trót yêu công việc làm đẹp mà không vì những khó khăn ban đầu lại nản lòng, chùn bước. Với công việc này, họ được sống thật gần với cái đẹp.

Phương Minh