Lao động Việt tại Nhật kiếm 10 tỷ đồng/tháng: Bí quyết khởi nghiệp xứ người

Nguyễn Vy

(Dân trí) - Hai anh em Bùi Thanh Tâm và Bùi Thanh Duy khởi nghiệp với quán "Bánh mì Xin chào" tại Nhật, đến nay đã kiếm 10 tỷ đồng/tháng. Khởi nghiệp nơi xa xứ chưa bao giờ là dễ dàng.

Khát vọng thoát nghèo

Sau 8 năm khởi nghiệp, thương hiệu "Bánh mì Xin chào" của hai anh em xứ Quảng, Bùi Thanh Duy và Bùi Thanh Tâm đã mở được 15 chi nhánh trên khắp nước Nhật.

Mỗi chiếc bánh mì được bán ra có giá 710-820 yên (tương đương 120.000-135.000 đồng), với 10 loại nhân bánh khác nhau. Doanh thu hằng tháng của toàn hệ thống thường khoảng 10 tỷ đồng.

Lao động Việt tại Nhật kiếm 10 tỷ đồng/tháng: Bí quyết khởi nghiệp xứ người - 1

Hai anh em Bùi Thanh Duy và Bùi Thanh Tâm (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

"Thừa thắng xông lên", tháng 9/2023, cả hai về Việt Nam tham gia chương trình Shark Tank (Thương vụ bạc tỷ) và gọi vốn thành công.

"Bánh mì Xin chào" cũng đạt được nhiều thành tựu, trong đó nổi bật nhất là danh hiệu "thương hiệu F&B Việt dẫn đầu tại Nhật"; kết hợp thành công với các ông lớn ngành bán lẻ tại Nhật như AEON, Itoyokado, Donkihote,...

Lao động Việt tại Nhật kiếm 10 tỷ đồng/tháng: Bí quyết khởi nghiệp xứ người - 2

"Bánh mì Xin chào" gọi vốn thành công trên chương trình Shark Tank (Ảnh: Shark Tank).

Cuối tháng 11/2023, Thanh Duy và Thanh Tâm còn tự hào khi cơ sở bánh mì ở Asakusa được đón tiếp đoàn Chủ tịch nước Việt Nam và Thống đốc Tokyo tới thăm.

Tại buổi đón tiếp, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng ghi nhận, bày tỏ tự hào khi ngày càng có nhiều người Việt trẻ luôn tràn đầy nhiệt huyết, chịu khó học hỏi và nỗ lực để nắm bắt cơ hội phát triển tại Nhật Bản, giống như hai nhà sáng lập thương hiệu bánh mì Việt ở xứ người.

Lao động Việt tại Nhật kiếm 10 tỷ đồng/tháng: Bí quyết khởi nghiệp xứ người - 3

Buổi đón tiếp đoàn Chủ tịch nước Việt Nam và Thống đốc Tokyo tại "Bánh mì Xin chào" (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

"Chúng tôi khởi nghiệp bằng 3 không: không tiền, không quan hệ, không kinh nghiệm. Vì chưa có kinh nghiệm nên hai anh em phải dốc hết sức, làm việc 20-22 tiếng/ngày, thậm chí ngủ lại cửa hàng, trên tấm bìa lót dưới sàn. Thành công đến vì chúng tôi làm việc bằng cả cái tâm, đam mê và khát vọng thoát nghèo", anh Tâm nói.

Khởi nghiệp là... không còn đường lui

Anh Tâm cho hay hành trình của hai anh em chưa bao giờ là dễ dàng, đặc biệt là khi khởi nghiệp ở một đất nước xa lạ.

"Đã xác định khởi nghiệp với món ăn truyền thống của quê hương ở nước ngoài, việc xây dựng thương hiệu là điều rất quan trọng. Ngay từ đầu, chúng tôi đã xác định phải trở thành một nhà hàng chuyên nghiệp, không thua gì các thương hiệu khác ở Nhật Bản", anh Tâm quả quyết.

Lao động Việt tại Nhật kiếm 10 tỷ đồng/tháng: Bí quyết khởi nghiệp xứ người - 4

"Bánh mì Xin chào" được nhiều người Nhật biết đến và ủng hộ (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Hơn hết, đối với thị trường và thực khách khó tính như Nhật Bản, anh Tâm còn phải chăm chút nhiều hơn về chất lượng sản phẩm, chú trọng sử dụng các nguyên liệu có lợi cho sức khỏe. 

Theo anh Tâm, tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm ở Nhật rất khắt khe. Vì thế, tất cả nguyên liệu, từ rau củ, thịt nhập khẩu cũng phải được trữ đông lạnh ở tiêu chuẩn cao nhất, luôn phải khai báo chi tiết, minh bạch về nguồn gốc.

Để xin được giấy phép kinh doanh, cả hai phải tìm được người Nhật đứng ra bảo lãnh. Hai anh em đã thuyết phục được vị giáo sư của anh Tâm việc đó.

Lao động Việt tại Nhật kiếm 10 tỷ đồng/tháng: Bí quyết khởi nghiệp xứ người - 5

Khởi nghiệp thành công, anh em anh Tâm tạo được việc làm cho nhiều đồng hương đang sinh sống tại Nhật Bản (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Ông chủ tiệm bánh mì tiết lộ, anh đã dùng phương pháp quản lý "kaizen" để vượt qua mọi khó khăn, đảm bảo ngày càng hoàn thiện, nâng cao chất lượng sản phẩm. Đây là phương pháp quản lý, kinh doanh đã được áp dụng hiệu quả hơn 50 năm ở Nhật Bản.

Kaizen là phương pháp thay đổi tích cực hơn hoặc cải tiến liên tục hoạt động kinh doanh. Cách thức quản lý này hướng đến mục tiêu là loại bỏ các lãng phí, tối ưu hóa hiệu suất, nâng cao khả năng cạnh tranh và cải thiện chất lượng sản phẩm. Đó là một vòng tròn tuần hoàn các quy trình: Lập kế hoạch, làm, kiểm tra và thực hiện.

Đầu tiên, "kaizen" yêu cầu doanh nghiệp tạo một môi trường làm việc mà ở đó, các nhân viên đều thoải mái đề xuất ý kiến và thử nghiệm cải tiến. Bởi phương pháp này khiến doanh nghiệp hướng đến từng cải thiện nhỏ nhưng thường xuyên ở mọi khía cạnh.

Ngoài ra, nguyên tắc của "kaizen" chính là tập trung vào khách hàng; xây dựng văn hóa không đổ lỗi; liên tục đổi mới; khuyến khích làm việc nhóm; mọi cá nhân trong tổ chức đều nhận được thông báo và luôn rèn luyện ý thức, tự giác.

"Bạn có thể áp dụng bất kỳ phương pháp nào mà bạn muốn. Nhưng theo tôi, bạn luôn phải nhớ rằng khởi nghiệp chính là... không còn đường lui, không thể dừng lại. Một khi đã quyết định khởi nghiệp, bạn phải bán thời gian, công sức, tiền bạc và đánh cược cả hi vọng của gia đình.

Khi vấp những thất bại đầu tiên, tôi biết mình không thể dừng lại. Bởi sau lưng tôi là gia đình, nếu không đủ cố gắng, tôi sẽ hổ thẹn với chính mình", anh Tâm chiêm nghiệm.

banh-mi_banhmixinchao

Với 10 loại nhân khác nhau, "Bánh mì Xin chào" ngày càng thu hút được thực khách bởi độ ngon, tốt cho sức khỏe (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Làm chủ doanh nghiệp từ khi mới 25 tuổi, anh Thanh Tâm tự hào là đơn vị tiên phong mang bánh mì Việt đến gần hơn với cộng đồng người Nhật, với nguyên văn chữ viết, ẩn chứa cả tâm hồn văn hóa Việt.

Ở độ tuổi ấy, anh càng khuyến khích người trẻ mạnh dạn khởi nghiệp bởi cơ hội sẽ luôn hiện hữu với những ai ham học hỏi, kiên trì với đam mê.

Chàng trai gốc Quảng Nam chia sẻ, sắp tới, cả hai dự định mở rộng kho xưởng sản xuất, mô hình kinh doanh, hợp tác làm việc và mở cửa hàng với các tập đoàn bán lẻ lớn của Nhật Bản.

"Được người Nhật đón nhận, lan truyền về món ăn Việt Nam ngon, giàu dinh dưỡng và tốt cho sức khỏe, chúng tôi thấy rất xúc động", anh Tâm trải lòng.