Khi nào được chuyển tuyến khám, chữa bệnh BHYT?

Bố của ông Nguyễn Duệ (Hải Dương) 79 tuổi, bị bệnh về huyết áp, tiền đình, tim mạch. Trước đây bố ông theo dõi khám tại bệnh viện tuyến huyện Kim Thành, Hải Dương. Do chữa trị tại viện tuyến dưới không có hiệu quả nên bác sỹ tư vấn chuyển lên khám bệnh và chữa trị lâu dài tại Bệnh Viện Bạch Mai.

Ông Duệ hỏi, thủ tục xin chuyển thẻ BHYT từ tuyến dưới lên trên để khám bệnh lâu dài tại Bệnh viện Bạch Mai thì cần thủ tục gì?

Về vấn đề này, BHXH Việt Nam trả lời như sau:

Thông tư số 14/2014/TT-BYT ngày 14/4/2014 về chuyển tuyến giữa các cơ sở khám chữa bệnh quy định thứ tự chuyển tuyến từ bệnh viện tuyến huyện lên bệnh viện tuyến tỉnh, bệnh viện tuyến tỉnh lên bệnh viện tuyến trung ương thì được coi là đúng tuyến, trừ khi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến trên liền kề không có dịch vụ kỹ thuật phù hợp thì cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến dưới được chuyển lên tuyến cao hơn.

Vì vậy, chỉ có thể chuyển bố của ông từ tuyến huyện lên tuyến trung ương nếu cơ sở y tế tuyến tỉnh không có dịch vụ kỹ thuật phù hợp. Trường hợp bố của ông được chuyển đúng tuyến mà thuộc một trong các bệnh, nhóm bệnh được quy định tại Phụ lục 01 ban hành kèm theo Thông tư số 40/2015/TT-BYT ngày 16/11/2015 của Bộ Y tế quy định về đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu và chuyển tuyến khám, chữa bệnh BHYT thì Giấy chuyển tuyến có giá trị trong năm dương lịch.

Theo Thông tư số 40/2015/TT-BYT, từ ngày 1/1/2016, có 62 loại bệnh người bệnh chỉ cần xin giấy chuyển tuyến 1 lần/năm.

Theo Chinhphu.vn