Hà Nội: Công nhân chật vật sống trong nhà trọ giữa những ngày cách ly

Phạm Công

(Dân trí) - Nhiều công nhân đang phải tính từng ngày, mong mỏi hết cách ly tại nhà trọ để được đi làm trở lại, có tiền trang trải cho cuộc sống.

Chật vật những ngày cách ly

Vợ chồng anh Nguyễn Văn Hòa, quê ở Đại Từ (Thái Nguyên) đang trọ tại thôn Hậu Dưỡng (Kim Chung, Đông Anh, Hà Nội). Mấy hôm nay, vợ chồng anh bị cách ly tại xóm trọ do nơi đây từng có trường hợp mắc Covid-19. 

"Tôi đang làm ở công ty thì nhận được thông báo từ vợ về để cách ly. Tôi đến  thông báo với cán bộ quản lý rồi về cách ly ngay. Biết là cuộc sống sẽ khó khăn nhưng đồng lòng ủng hộ để đảm bảo an toàn cho chính mình và mọi người"- anh Nguyễn Văn Hòa tâm sự.

Hà Nội: Công nhân chật vật sống trong nhà trọ giữa những ngày cách ly - 1

Anh Nguyễn Văn Hòa đang sống trong khu vực cách ly và mong mỏi từng ngày được đi làm trở lại.

Vợ chồng anh xuống Hà Nội làm công nhân đã 6 năm qua. Thu nhập của hai vợ chồng anh Nguyễn Văn Hòa vào khoảng 12 triệu đồng/tháng. Trừ chi phí sinh hoạt cùng 2 đứa con nhỏ, vợ chồng anh không còn dư đồng nào để tiết kiệm.

"Sau khi xóm trọ có người mắc Covid-19, nhiều anh chị em công nhân phải cách ly tại phòng trọ. Chúng tôi sinh hoạt trong khu vực nhà trọ, không thể đi làm cũng như đi mua thực phẩm, muốn mua gì thì viết giấy gửi mọi người ở ngoài mua hộ" - anh Nguyễn Văn Hòa chia sẻ.

Theo anh Nguyễn Văn Hòa, trong đợt dịch này, công ty hỗ trợ trả lương công nhân bị cách ly 3,5 triệu đồng. Tuy nhiên, số tiền này chỉ có thể giúp gia đình anh cầm cự, chờ ngày được đi làm trở lại.

Cũng đang thuộc diện cách ly 21 ngày tại phòng trọ, chị Nông Thị Nga quê ở Yên Bình (Yên Bái) làm công nhân tại KCN Bắc Thăng Long, chia sẻ: "Tôi đi làm về thì thấy xóm trọ đang phun khử khuẩn, rồi vào xóm trọ cách ly ngay. Thời gian cách ly và theo dõi ở nhà cũng tới nguyên 1 tháng".

Hà Nội: Công nhân chật vật sống trong nhà trọ giữa những ngày cách ly - 2

Không thể đi làm khiến kinh tế gia đình chị Nông Thị Nga vô cùng khó khăn.

Chồng chị Nông Thị Nga trước đây cũng làm công nhân tại KCN Bắc Thăng Long. Sau đó, chồng chị bị ngừng việc hồi tháng 2/2021 vì dịch Covid-19. Hiện nay, anh chưa xin lại được việc nên làm lao động tự do như xe ôm hoặc nhân viên bán hàng thời vụ.

Đợt dịch lần này, cả hai vợ chồng chị chấp hành cách ly tại phòng trọ khiến cho kinh tế gia đình vô cùng khó khăn.

Không chỉ có gia đình các anh chị Nông Thị Nga và Nguyễn Văn Hòa, đợt bùng phát dịch lần này đã khiến 50 người thuê trọ tại khu trọ tại thôn Hậu Dưỡng phải tham gia cách ly tại chỗ. Nhiều đôi vợ chồng trong nhóm người cách ly nêu trên là công nhân các khu công nghiệp lân cận.

Mong từng ngày

Tâm sự với PV, chị Nông Thị Nga cho biết: "Chi phí sinh hoạt của 2 vợ chồng tôi cùng 1 đứa con nhỏ hết gần 10 triệu đồng/tháng. Nếu không đi làm, thì không biết lấy tiền đâu trang trải. Để giảm bớt chi phí sinh hoạt, hàng tuần bố mẹ tôi gửi thực phẩm ở quê xuống rồi nhờ bạn nhận hộ".

Đếm từng ngày để được đi làm trở lại, chị Nông Thị Nga cho rằng, đối với công nhân, đi làm đầy đủ hàng tháng vẫn phải thắt lưng buộc bụng mới có thể đủ sống, nay phải nghỉ việc cả tháng khiến thu nhập của gia đình vô cùng khó khăn.

Hà Nội: Công nhân chật vật sống trong nhà trọ giữa những ngày cách ly - 3

Anh Trần Quang Tiến mong từng ngày được đi làm trở lại.

Đã trải qua 2 tuần cách ly tại phòng trọ, anh Trần Quang Tiến quê ở Nam Đàn (Nghệ An), chia sẻ: "Vậy là còn hơn 1 tuần nữa là chúng tôi được đi làm trở lại. Anh chị em xóm trọ ai cũng mong từng giờ, từng phút".

Hai vợ chồng anh Trần Quang Tiến đều làm công nhân tại KCN Bắc Thăng Long. Sống cùng con nhỏ trong phòng trọ chật hẹp, từ khi cả gia đình anh bị cách ly, không những kinh tế bị ảnh hưởng mà đời sống tinh thần cũng trở nên bí bách vì 3 người ở cả ngày trong phòng trọ.

Hà Nội: Công nhân chật vật sống trong nhà trọ giữa những ngày cách ly - 4

Hàng chục công nhân đang thuộc diện phải cách ly mong muốn dịch bệnh sớm qua đi để có thể đi làm.

"Tôi cũng lo dịch bệnh kéo dài dẫn đến nhiều công ty không có đơn hàng, giãn việc, cho nghỉ việc. Năm ngoái, tôi nằm trong diện nghỉ việc vì công ty không đủ nguyên liệu sản xuất, chật vật mấy tháng trời mới xin được việc mới" - anh Trần Quang Tiến tâm sự.

Không chỉ có anh Hòa, anh Tiến hay chị Nga mà hàng chục công nhân hiện đang phải cách ly mong mỏi từng ngày, từng giờ để cuộc sống được trở lại bình thường. Quan trọng hơn với những người công nhân này là sẽ được đi làm, có thu nhập trang trải cho cuộc sống.

Hướng dẫn trả lương cho người lao động trong thời gian ngừng việc

Trước đó, để đảm bảo quyền lợi cho người lao động trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, Liên đoàn Lao động TP Hà Nội ban hành Công văn số 260/LĐLĐ nhằm hướng dẫn trả lương cho người lao động trong thời gian ngừng việc do dịch bệnh Covid-19.

Công văn nêu rõ, việc trả lương ngừng việc cho người lao động căn cứ vào quy định tại Điều 99 của Bộ luật Lao động năm 2019 và Văn bản số 1064/LĐTBXH - QHLĐTL ngày 25/3/2020 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để xác định trả lương ngừng việc cho người lao động.

Trường hợp người lao động ngừng việc do phải đi cách ly theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền hoặc do doanh dừng hoạt động vì bị phong tỏa do dịch bệnh Covid-19, nếu thời gian ngừng việc từ 14 ngày làm việc trở xuống thì tiền lương ngừng việc được thỏa thuận không thấp hơn mức lương tối thiểu.

Nếu thời gian ngừng việc trên 14 ngày làm việc thì tiền lương ngừng việc do hai bên thỏa thuận nhưng phải bảo đảm tiền lương ngừng việc trong 14 ngày đầu tiên không thấp hơn mức lương tối thiểu.