Gian nan con đường tìm việc của tân sinh viên

(Dân trí) - Kết thúc 4 năm đại học, nhiều SV tốt nghiệp ra trường hăm hở thể hiện năng lực bản thân, áp dụng hết kiến thức đã được học. Thế nhưng trên thực tế, để kiếm được một việc làm ưng ý, phù hợp với chuyên ngành được đào tạo không phải là chuyện dễ.

Mới ra trường kinh nghiệm ở đâu!

 

Ôm hồ sơ xin việc đi từ công ty này đến công ty khác, mãi vẫn chỉ nhận được câu trả lời: “Em cứ về chờ, có gì công ty sẽ liên lạc sau”, Nguyễn Công Thành (ngành xây dựng, ĐH Duy Tân) đâm ra chán và hoài nghi với lời hẹn… thoái thác.

 

Ra trường gần 2 năm, cứ mãi chừng đó giấy tờ, điền đi điền lại mãi mà công việc vẫn ở tận đẩu tận đâu, Thành bắt đầu ngao ngán: “Chẳng phải em kén chọn gì nhưng chỗ phù hợp với chuyên môn thì mức lương không đủ sống, chỗ có thu nhập tạm ổn thì lại không phát huy được năng lực bản thân”.

 

Gian nan con đường tìm việc của tân sinh viên - 1

Nhiều SV đại học Đà Nẵng đăng ký thông tin tuyển dụng
trong ngày hội giới thiệu việc làm được tổ chức cuối tháng 5/2009.

Thị trường việc làm ngày càng khan hiếm, càng khó khăn hơn với SV mới tốt nghiệp, trong khi nhiều công ty, doanh nghiệp khi tuyển dụng đòi hỏi phải có kỹ năng, kinh nghiệm từ 1-2 năm.

 

Vẫn nuôi hy vọng bám trụ lại ở thành phố, làm công ty tư nhân hay nhà nước không còn là vấn đề băn khoăn với nhiều bạn trẻ nữa, miễn là có thu nhập. Nhiều người đã chọn hướng đi vòng, “lấy ngắn nuôi dài” kiếm một việc “trái ngành” làm tạm, chờ ngày… doanh nghiệp tuyển dụng gọi đến tên mình.

 

Dạo quanh các quán internet, quầy photocopy có quy mô một chút, không khó để tìm thấy các nhân viên ở đây đều là đa số SV ra trường chưa xin được việc. Nhiều SV đành gác tấm bằng cử nhân đi tiếp thị, làm nhân viên trực quán internet…

 

Trần Văn Thắng, quê ở Quảng Ngãi, tốt nghiệp Cao Đẳng Đông Du, ngành công nghệ thông tin hơn 1 năm mà vẫn lận đận đi tìm việc. Thắng đành chọn “tạm bợ” công việc làm nhân viên tiếp thị cho hãng mỹ phẩm Oriflame, ăn theo phần trăm sản phẩm. Tiền kiếm được không nhiều nhưng vẫn có thể “đắp đổi” sống tạm qua ngày, nuôi hy vọng tìm được một công việc đúng chuyên môn.

 

Đối với những SV năng động, biết đi làm thêm từ thời còn SV thì có phần “dễ thở” hơn sau khi ra trường, còn với những bạn trẻ chưa từng chạm đến bộ hồ sơ xin việc thì không dễ gì để “vào nghề” ngay.

Một trong những nguyên nhân nữa khiến đa số SV ra trường mới đi xin việc bị loại ra ngay từ vòng… gửi xe. Đó là kỹ năng phỏng vấn xin việc của các bạn còn quá nhiều hạn chế.

 

Phạm Công Tuấn (ngành Tiếng Anh, ĐH Ngoại Ngữ Đà Nẵng) cho hay: “Hồi hộp đi nộp hồ sơ xin việc ở một công ty liên doanh với nước ngoài, chuyên sản xuất đồ chơi trẻ em. Lúc được gọi phỏng vấn là mừng lắm rồi, coi như vượt qua được 30% cửa ải. Nhưng trớ trêu thay, câu hỏi của nhà tuyển dụng có khi chẳng hề ăn nhập gì với… bài vở trong trường. Tuấn vớ ngay phải câu hỏi: “Anh, chị có hiểu biết gì về công ty chúng tôi?, Tại sao anh, chị chọn công ty chúng tôi để gắn bó lâu dài…”. Tuấn ngã ngửa, bó tay. Hóa ra phỏng vấn xin việc đâu chỉ bó gọn trong mớ kiến thức rối bòng bong mà cậu đã thức cả đêm mày mò, moi đống sách vở ghi chép cẩn thận, cũ rích từ thời SV ra học thuộc.

 

SV tìm việc thời khốn khó, thiếu việc chứ chưa nói đến tình trạng thất nghiệp. Thị trường việc làm ngày càng “khan” hơn đối với những SV vừa chân ướt chân ráo rời khỏi ghế nhà trường, trong tay chưa có lấy một ngày kinh nghiệm. Vì thế, bỏ lại 1,2 năm lông bông xin việc rồi đến nhảy việc là chuyện thường.
 
Tại trung tâm dịch vụ giới thiệu việc làm Đà Nẵng (21 Phan Châu Trinh), bạn Trương Thị Hạnh (tốt nghiệp Kế Toán, Trường ĐH Kinh Tế) kể: “Giờ em chỉ mong xin được việc, đi làm để lấy kỹ năng thôi cũng là tốt lắm rồi…”

 

Cần rèn luyện kỹ năng để kiếm công việc tốt                  

 

Một số SV mới ra trường may mắn có được việc làm, tuy nhiên không phù hợp với chuyên môn đã được đào tạo nên làm một thời gian thấy chán: nghỉ! Trong thời khủng hoảng kinh tế, nhiều công ty muốn tuyển nhân viên có năng lực, hiểu biết về mọi mặt công việc, điều này đòi hỏi phải có kinh nghiệm. SV mới ra trường ít người có thể thỏa mãn tiêu chí này. Bởi vì khi còn ngồi trên ghế nhà trường, SV chủ yếu học lý thuyết, còn thực hành thì như… cưỡi ngựa xem hoa.

 

Ông Nguyễn Pháo, Giám giám đốc Trung tâm Dịch vụ và giới thiệu việc làm (thuộc Sở LĐTB-XH Đà Nẵng) cho hay: “Trong quá trình tìm kiếm việc làm, sinh viên cần có các kỹ năng để tham gia tuyển dụng phù hợp cho từng doanh nghiệp. Trong thời điểm hiện nay, các bạn đừng chọn lựa việc làm mà để việc làm chọn lựa mình. Đồng thời hãy tham gia vào thị trường việc làm để nâng cao kỹ năng trước khi tìm việc theo sở thích và chuyên môn”.

 

Từ đầu năm 2009 đến nay, Trung tâm dịch vụ và giới thiệu việc làm Đà Nẵng đã tổ chức được 12 phiên giao dịch việc làm cho người lao động, sinh viên mới ra trường. Tuy nhiên, tỉ lệ người lao động tìm được việc làm cũng không cao, các doanh nghiệp cũng hạn chế tuyển người vì kinh tế chưa phục hồi. Do đó nhiều bạn sinh viên đành chọn những công việc không đúng chuyên môn, sở thích để chờ cơ hội cho lần sau.

 

Ngoài ra, một số trường ĐH như Duy Tân, ĐH Đà Nẵng, ĐH Đông Á… cũng đã tổ chức ngày hội tư vấn giới thiệu việc làm cho SV của mình. Tuy nhiên, chỉ có một số ít tìm được việc làm đúng chuyên ngành đào tạo, còn rất nhiều bạn trẻ ra trường đang làm trái ngành nghề đào tạo hoặc vẫn đang chờ việc.

 

Công Bính - Đỗ Lan