1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Dự thảo Luật Việc làm: Người sử dụng lao động được hỗ trợ kinh phí

(Dân trí) - Người sử dụng lao động gặp khó khăn do suy giảm kinh tế được hỗ trợ kinh phí cho việc đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề cho người lao động đang làm việc cho mình; đào tạo lại cho người lao động trước khi chuyển làm nghề khác cho mình.

Đó là một trong những nội dung được Dự thảo Luật Việc làm đưa ra nhằm hỗ trợ doanh nghiệp duy trì việc làm khi gặp khó khăn buộc phải cắt giảm nhân sự.
 
Dự thảo Luật Việc làm gồm 11 chương và 132 điều, quy định về phát triển việc làm, thông tin thị trường lao động, quản lý lực lượng lao động, dịch vụ việc làm, phát triển kỹ năng nghề, tuyển và đăng ký sử dụng lao động, bảo hiểm việc làm; được áp dụng đối với người lao động; cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị, tổ chức và cá nhân sử dụng lao động có liên quan đến việc làm…Đáng chú ý, Dự thảo lần này cũng bổ sung quy định chế độ hỗ trợ duy trì việc làm.
Về vấn đề này ông Nguyễn Đại Đồng, Cục trưởng Cục Việc làm cho biết,  một trong những biện pháp bảo đảm việc làm, phòng chống thất nghiệp cho người lao động là hỗ trợ cho người sử dụng lao động để người sử dụng lao động đào tạo phát triển kỹ năng nghề cho người lao động, thanh toán các chế độ (tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm việc làm) góp phần duy trì, ổn định việc làm cho người lao động. Vì vậy, đối tượng áp dụng của chế độ duy trì việc làm là người sử dụng lao động.
Đóng nhiều loại phí doanh nghiệp tính giảm lao động
Nhiều doanh nghiệp phải tinh giảm lao động do gặp nhiều khó khăn trong kinh doanh.
 
Do đó, dự thảo Luật Việc làm quy định: Người sử dụng lao động gặp khó khăn do suy giảm kinh tế được hỗ trợ  kinh phí cho việc đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề cho người lao động đang làm việc cho mình; đào tạo lại cho người lao động trước khi chuyển làm nghề khác cho mình.
 
Ngoài ra, người sử dụng lao động vay tiền từ các tổ chức tín dụng theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng để trả tiền lương; tiền đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc; bảo hiểm việc làm; bảo hiểm y tế; đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề thì được hỗ trợ lãi suất tiền vay. 
 
Tại Hội thảo đóng góp ý kiến cho Luật Việc làm do Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam vừa tổ chức, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Hòa cũng cho biết, nhằm bảo đảm quyền lợi cho người lao động, dự thảo Luật Việc làm dự kiến mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm việc làm.
 
Theo đó, người làm việc theo hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc mà các hợp đồng này không xác định thời hạn hoặc xác định thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên với người sử dụng lao động tham gia bảo hiểm việc làm.

“Chính sách bảo hiểm thất nghiệp đã góp phần hỗ trợ người lao động (NLĐ) trong thời điểm khó khăn. Nhưng chính sách này mới chỉ áp dụng đối với NLĐ có hợp đồng lao động từ 12 tháng trở lên… Hơn nữa, nước ta vẫn còn khoảng hơn 30 triệu lao động chưa được điều chỉnh hoàn toàn trong Bộ Luật lao động. Do đó, sự ra đời của Luật Việc làm sẽ điều chỉnh tất cả các quan hệ xã hội và giải quyết những điểm còn mâu thuẫn của Bộ Luật lao động” - Thứ Trưởng Hòa nhận xét.

Về chính sách bảo hiểm này, TS Trần Thị Thúy Lâm, Phó bộ môn Luật Lao động, Đại học Luật Hà Nội băn khoăn, liệu đã hợp lý và có khả năng thực thi hay không trong khi tình trạng nợ đọng bảo hiểm ngày càng gia tăng như hiện nay. Hơn nữa cùng một lúc phải đóng nhiều loại bảo hiểm, buộc người sử dụng lao động phải cắt giảm nhân công gây ảnh hưởng đến việc làm của NLĐ.

Ở góc độ khác GS Nguyễn Quang Thái cho rằng, dự thảo Luật việc làm có nhiều quy định có lợi cho NLĐ như yêu cầu tạo việc làm cho người NLĐ và trách nhiệm của Nhà nước đối với tạo việc làm ổn định cho người dân. Tuy nhiên, nên gắn với Luật lao động và phạm vi điều chỉnh của Luật nên từ 15 tuổi.

Một số ý kiến khác thì cho rằng Luật nên tách biệt rõ ràng giới tính ở những lĩnh vực, ngành nghề lao động. Bởi lẽ hiện nay, nữ giới đang là đối tượng “yếu thế”, việc tiếp cận thông tin về việc làm ở nữ giới ít hơn nam giới, người lao động là nữ thường dễ mất việc làm hơn nam giới…Do đó, các nhà hoạch định chính sách cần lồng ghép vấn đề về giới trong việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, phân tích để xem xét và đề ra giải pháp đưa vào văn bản luật đối với chính sách việc làm.

Thanh - Bảo