Đọc kỹ hợp đồng trước khi đặt bút ký!

Nhu cầu tư vấn pháp luật của người dân ngày càng cao. Bạn đọc hỏi: Người lao động có thể được tư vấn pháp luật ở đâu? Đối tượng nào và trường hợp nào được tư vấn miễn phí?

Mang theo các câu hỏi đó, đến gõ cửa Trung tâm Tư vấn pháp luật thuộc Liên đoàn Lao động Hà Nội, tại 51 Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm. Bà Phùng Thị Thanh Nhàn, Giám đốc trung tâm, cho biết:

 

Trung tâm Tư vấn pháp luật, thuộc Liên đoàn Lao động Hà Nội, chính là nơi tư vấn pháp luật cho người lao động, trước hết là pháp luật về lao động. Trung tâm vừa đi vào hoạt động từ tháng 3 vừa qua.

 

Nếu nội dung cần hỏi không phức tạp, người lao động có thể gọi điện cho chúng tôi theo số máy (04) 9364.065; hoặc người lao động có thể đến thẳng Văn phòng Trung tâm để được giải đáp trực tiếp.

 

Ở trung tâm này, người lao động nghèo có được tư vấn miễn phí không? Nếu có, cần điều kiện gì?

 

Các vấn đề liên quan đến pháp luật về lao động là phạm vi tư vấn miễn phí của trung tâm. Để được tư vấn miễn phí, người lao động chỉ cần đem theo thẻ đoàn viên công đoàn. Tuy nhiên, chúng tôi đã và đang giải đáp những vấn đề thuộc pháp luật lao động mà không quá câu nệ việc có thẻ hay không.

 

Vậy, các dịch vụ tư vấn liên quan đến các lĩnh vực khác thì có thu phí?

 

Chúng tôi chưa đủ điều kiện để triển khai tư vấn về nhiều lĩnh vực khác, nhưng theo quy định về chức năng, trách nhiệm của trung tâm, tới đây phạm vi tư vấn sẽ mở rộng. Việc tư vấn pháp luật trong các lĩnh vực không phải về lao động sẽ thu phí theo đúng quy định hiện hành.

 

Thông qua hoạt động của trung tâm, bà có nhận xét gì về nhu cầu tư vấn pháp luật của người dân Hà Nội?

 

Người lao động chưa ý thức được tầm quan trọng của việc tìm hiểu và nắm vững pháp luật. Chỉ khi đã xảy ra “sự cố” họ mới tìm đến các luật sư. Thông thường thì lúc đó đã muộn, hoặc phải xử lý khó khăn hơn nhiều. Nhìn chung, nhu cầu tư vấn pháp luật của người dân là khá lớn.

 

Vậy, Trung tâm có chủ trương tiếp tục mở rộng hoạt động?

 

Chúng tôi mới mở hoạt động ở địa chỉ này, nhưng nay cũng đang chuẩn bị dời đến một địa chỉ mới, dễ đến hơn cho người lao động, có điều kiện làm việc tốt hơn, để có thể phục vụ tốt hơn.

 

Qua công tác tư vấn pháp luật, theo bà, vướng mắc nào thường gặp phải giữa người lao động và chủ sử dụng lao động?

 

Nhiều vướng mắc, nhưng chung quy là do ngay từ khi lập và ký kết hợp đồng đã làm sai luật rồi. Thí dụ như nhiều loại công việc được quy định phải ký hợp đồng dài hạn thì chủ sử dụng chỉ ký hợp đồng ngắn hạn để trốn tránh trách nhiệm nộp bảo hiểm, “bỏ qua” chế độ nghỉ phép và một số quyền lợi khác của người lao động.

 

Bà có lời khuyên nào dành cho người lao động?

 

Tìm hiểu kỹ hơn về pháp luật lao động, đọc kỹ hợp đồng lao động của mình trước khi đặt bút ký.

 

Theo Sài Gòn Giải Phóng