Cà Mau:
Độc đáo những chiếc cầu kéo "cõng" ghe, tàu vượt cống, đập
(Dân trí) - Gọi là cầu nhưng cầu kéo ở tỉnh Cà Mau không có tay vịn, không trụ mà lại có đường ray. Bà con nông dân đã sáng chế ra loại cầu này để vượt qua cống, đập ngăn mặn.
Không rõ xuất hiện từ khi nào nhưng hàng chục năm qua, chiếc cầu kéo đã trở thành phương tiện cần thiết đưa ghe, tàu vượt qua cống, đập.
Trong dự án quy hoạch xây dựng vùng ngọt hóa ở huyện Trần Văn Thời, U Minh, Cà Mau), tỉnh đã đặt nhiều cống, đập ngăn mặn. Để các phương tiện lưu thông dễ dàng qua cống, đập, người dân vùng sông nước đã sáng chế ra "công trình thủy lợi" mang tên cầu kéo.
Gọi là cầu nhưng những chiếc cầu kéo ở đây lại vô cùng đặc biệt, không trụ, không tay vịn nhưng lại có đường ray. Người điều khiển vỏ lãi, ghe, tàu chỉ cần tắt máy phương tiện và ngồi yên chờ được đưa qua cầu.
Ông Mai Văn Sĩ, một chủ cầu kéo tại ấp Rạch Ruộng, xã Khánh Lộc, huyện Trần Văn Thời cho biết, trước đây, cầu kéo rất thô sơ, người dân thường dùng ròng rọc để kéo nhưng rất tốn sức và dễ tai nạn vì khó kiểm soát tốc độ kéo-thả. Nhiều năm sau đó, khi cơ giới hóa phát triển, mọi người mới sắm máy móc để tời, kéo, ít tốn sức và hiệu quả hơn.
"Các bộ phận chính của cầu kéo gồm: máy, hộp số, đường ray và hệ thống trục kéo gồm dây thừng và tấm ván gỗ bên dưới có đặt bánh xe. Tùy con kênh mà mình làm kích thước đường ray dài, ngắn. Như cầu kéo chỗ tôi làm có kích thước ngắn hơn những chỗ khác, ngang 1,3m, dài 50m, công suất máy hơn 3.000 mã lực, tải trọng được hơn 10 tấn", ông Sĩ nói thêm.
Khi khởi động máy, dây thừng sẽ kéo tấm ván gỗ về phía phương tiện chờ sẵn, nâng và kéo ghe, tàu qua đập một cách dễ dàng, toàn bộ quá trình chỉ mất ít phút.
"Lúc trước vật giá chưa leo thang chi phí qua cầu rẻ lắm có vài nghìn đồng thôi còn hiện tại giá đã thay đổi, với ghe, vỏ trống thì từ 10.000 đồng/lượt còn chở hàng hóa thì từ 20.000 đồng. Ghe chở lúa hoặc xáng cuốc thì thu phí vài trăm nghìn đồng. Trung bình tôi có thể kiếm được từ 500.000 đồng/ngày", chủ cầu kéo Rạch Ruộng cho hay.
Cách cầu kéo của ông Sĩ khoảng 5km hướng về xã Khánh Hưng, huyện Trần Văn Thời là cầu kéo Rạch Lùm do ông Lê Minh Liệt quản lý.
"Vào mùa mưa, các cống thủy lợi đều mở cửa nên người dân tranh nhau đi qua cống để tiết kiệm chi phí. Riêng các tháng nắng ,cống được đóng lại để ngăn mặn, đó là lúc người làm cầu kéo bội thu. Nhưng đó là chuyện của 6 - 7 năm trước. Còn giờ thì ai thầu cầu kéo chỉ ôm nợ vì lỗ", ông Liệt rầu rĩ.
Hỏi về lý do, ông Liệt phân trần, do sự phát triển của giao thông hạ tầng, đường sá được mở rộng từ trung tâm đến tận ruộng. Những con kênh ngày xưa chỉ có thể di chuyển bằng ghe, bằng vỏ thì nay xe tải đã chạy "băng băng". Sự tiện lợi của xe cộ khiến người dân dần lãng quên chiếc cầu kéo được ưa chuộng một thời.
Cũng theo ông Liệt, cầu kéo phải được bảo trì mỗi tháng nhưng khoảng một năm phải thay sắt và gỗ để đảm bảo an toàn cho các phương tiện.
Chủ cầu kéo tâm sự: "Chi phí tăng nhưng phương tiện qua cầu ngày càng ít, thu nhập mỗi ngày vài trăm nghìn đồng chẳng đủ nộp thuế. Nhiều người bỏ cầu kéo đổi sang nghề khác hoặc đi làm công nhân. Còn tôi đã sống hơn chục năm với chiếc cầu này rồi, không nỡ bỏ".