Xuất khẩu lao động theo Quyết định 71:
Doanh nghiệp cũng “vỡ mộng”
Không riêng gì lao động bị “vỡ mộng”, ngay cả các công ty, chính quyền địa phương...những người trực tiếp tham gia vào quá trình tuyển dụng lao động cũng kêu khó vì quá trình đưa lao động đi XKLĐ quá gian truân.
Chính quyền e ngại
Bà Nguyễn Thị Liệu – nguyên lãnh đạo phòng LĐTBXH huyện Yên Minh (Hà Giang) - người từng gắn bó lâu năm với công tác tuyển dụng lao động đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) cho biết: “Công tác tuyên truyền vô cùng vất vả. Nhiều hôm cả đoàn công tác vào tận bản, ăn ở cùng người dân để tuyên truyền mà cũng không ăn thua”.
Trước kia đã khó, giờ vận động còn khó hơn. Tại Hà Giang, nhiều lao động về nước trước hạn phải đối mặt với nợ nần nên những người sau chùn bước. “Đối với bà con dân tộc thiểu số, mất lòng tin thì có cho vàng họ cũng không dám theo. Một người đi mà thành công thì cả làng theo, nhưng cũng chỉ cần một người về thất bại thì cả làng sẽ sợ” – bà Liệu chia sẻ.
Tại huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ cũng gặp tình cảnh lao động phải về nước trước hạn, trong đó có nhiều lao động phải về nước do nội chiến ở Libya (năm 2011).
Ông Bùi Đức Nhẫn – Chủ tịch UBND huyện Tân Sơn bày tỏ: “Toàn huyện mới có 165 người đi XKLĐ. Sau đó, bà con thấy người chưa đi đã về nên sợ. Chúng tôi tham gia vận động chẳng ai nghe nữa, công tác này ngày càng khó khăn hơn”.
Ông Nhẫn cũng cho hay, chính vì tâm lý e ngại của người dân nên các doanh nghiệp XKLĐ hiện cũng gặp khó trong công tác tuyển lao động cho các đơn hàng khác dù điều kiện làm việc tốt, lương khá. Đơn cử như Công ty cổ phần Hợp tác lao động nước ngoài (LOD) đang cần tuyển 160 lao động ở huyện Tân Sơn sang làm việc tại Macao. Tuy nhiên, chỉ có 60 lao động đi học giáo dục định hướng tại công ty. Sau một thời gian, vì những lý do khác nhau mà 56 lao động đã bỏ về! “Chúng tôi rất e ngại tình trạng này, bởi không chỉ gây lãng phí cho doanh nghiệp XKLĐ mà còn tạo tiền lệ không tốt về thái độ học tập, làm việc”- ông Nhẫn nói.
Tại các tỉnh như Nghệ An, Thanh Hóa, nơi được xem là trọng điểm thực hiện Quyết định 71 cũng gặp phải những khó khăn tương tự. Dù chính quyền vận động, nhưng tỷ lệ bỏ đào tạo, bỏ xuất cảnh vẫn lên tới 40-50% khiến cả chính quyền lẫn doanh nghiệp đều “khóc dở mếu dở”.
Doanh nghiệp vỡ mộng
Khi triển khai Quyết định 71, các doanh nghiệp XKLĐ được chọn tham gia đã bị nhiều doanh nghiệp XKLĐ khác “tị nạnh” bởi quyết định này hỗ trợ lao động rất nhiều, từ tuyên truyền, vận động tới chi phí ăn ở, đi lại. Với nhiều hỗ trợ như vậy thì đương nhiên việc tuyển dụng sẽ thuận lợi hơn. Doanh nghiệp cũng được “nắm đằng chuôi” các khoản chi phí (như ăn ở, đi lại, học hành) cho lao động.
Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, hiện có 33 doanh nghiệp tham gia tuyển lao động theo Quyết định 71 nhưng chỉ có 21 doanh nghiệp thực sự vào cuộc. Tính đến tháng 2.2012, tổng doanh số cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội đối với người lao động thuộc huyện nghèo đi XKLĐ theo Quyết định 71 là trên 155 tỷ đồng với 5.609 hộ thuộc địa bàn 62 huyện nghèo trên cả nước. Tính bình quân khoảng 27,6 triệu đồng/lao động. Tổng dư nợ cho vay là 110 tỷ đồng. |
Tuy nhiên, khi thực hiện, nhiều doanh nghiệp mới thấy không dễ “ăn”. Như trường hợp Công ty cổ phần Thương mại Châu Hưng - doanh nghiệp XKLĐ tiên phong thực hiện Quyết định 71, trong năm đầu tiên đã tuyển được gần 200 lao động tại một số tỉnh ở miền Trung, trong đó có huyện Đăk Rông (Quảng Trị). Bà Lê Thị Loan - Tổng Giám đốc Công ty chia sẻ: “Số lao động này được đích thân lãnh đạo UBND các huyện, xã đưa lao động ra tận Hà Nội. Cục Quản lý lao động ngoài nước trực tiếp giám sát quá trình đào tạo, tổ chức ăn ở với rất nhiều ưu đãi”.
Thế nhưng, ngay sau đó doanh nghiệp cũng phải lắc đầu bởi lao động bỏ về nhiều. Cụ thể: Trong số 60/96 lao động đã xuất cảnh phải về lại địa phương năm 2009 có đến 50 người dân tộc thiểu số (83,33%); năm 2010 có 109/197 lao động xuất cảnh phải về lại địa phương, trong đó người dân tộc thiểu số chiếm 89,91% (98 người).
Bà Hồ Thị Kim Cúc - Phó Chủ tịch UBND huyện Đăk Rông cho biết, lý do lao động bỏ về chỉ đơn giản là nhớ nhà. Chỉ có một niềm an ủi duy nhất là những người còn ở lại đã gửi về nước để trả nợ vay ngân hàng, giúp đỡ gia đình được 2,039 tỷ đồng.
Là lãnh đạo doanh nghiệp tham gia triển khai Quyết định 71 ở khu vực Tây Bắc, ông Nguyễn Ngọc Hoan - Giám đốc Công ty Đào tạo nghề - XKLĐ Gaet (thuộc Bộ Quốc phòng) cho biết, tuyển được người để đào tạo đã gian nan, giữ người ở lại còn khó hơn nhiều.
Ở doanh nghiệp này, tỷ lệ bỏ học sau đào tạo lên tới 40-50% ở mỗi lớp nên không thanh toán được chi phí đã bỏ ra để đào tạo lao động bỏ học. Còn ông Đàm Trung Bắc - Tổng Giám đốc Công ty Gmap cho biết, tuyển lao động ở vùng cao, vùng dân tộc thiểu số... cũng gặp nhiều nhiêu khê, từ thuê xe ôm đưa họ ra điểm tập kết, làm CMND cho họ (vì hầu hết không có)...
Nhưng cái khó đó chưa nản bằng việc khó kê khai để hỗ trợ lao động, bởi “có nhiều chi phí mà không thể thanh toán được vì các mục này không có trong quy định của Quyết định 71” - ông Bắc bày tỏ. Công ty này đã hoàn tất việc đưa lao động sang Malaysia làm việc, nhưng đến nay số tiền gần 300 triệu đồng hỗ trợ từ Quyết định 71, công ty vẫn chưa nhận được.
Theo Minh Nguyệt - Lê An
Dân Việt