Dịch vụ việc làm: Mở hay đóng?

Những quy định về cấp phép cho doanh nghiệp dịch vụ việc làm và hoạt động của tổ chức giới thiệu việc làm (đang được xem như một loại hình dịch vụ công), sẽ được sửa đổi khi nghị định 19 của Chính phủ quy định về việc này được sửa đổi.

Tuy nhiên, hiện còn nhiều lấn cấn xung quanh việc định hình cho sự thay đổi này.
 
Dịch vụ việc làm: Mở hay đóng? - 1
Doanh nghiệp hoàn toàn có thể “lách” quy định bằng cách mở các chi nhánh và hoạt động độc lập.

Hạ thấp điều kiện cấp phép cho doanh nghiệp?

TPHCM là thị trường lao động sôi động nhất cả nước, đến nay, có khoảng gần 40 doanh nghiệp được cấp phép hoạt động dịch vụ việc làm ở đây.

Theo bà Nguyễn Thị Dân, Trưởng phòng Lao động – Việc làm – Tiền lương thuộc Sở Lao động – thương binh và xã hội TPHCM, thực tế cơ quan này đã cấp phép cho khoảng 50 doanh nghiệp, nhưng tới nay, chỉ còn gần 40 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này.

Tuy nhiên, theo bà Dân, còn nhiều vướng mắc trong điều kiện cấp phép khiến doanh nghiệp thích hoạt động chui hơn là xin cấp phép.

Theo bà Dân, hiện nay, doanh nghiệp xin cấp phép dịch vụ việc làm phản ứng nhiều về quy định bắt buộc họ phải ký quỹ 300 triệu đồng.

“Khoản tiền này nằm đóng băng trong ngân hàng, gây khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp, nên họ muốn đề nghị giảm tiền ký quỹ xuống còn một nửa, khoảng 150 triệu thôi”, bà Dân nói.

Nhưng doanh nghiệp hoàn toàn có thể “lách” quy định này do nghị định 19 không hạn chế việc mở chi nhánh, nên họ có thể góp tiền ký quỹ để xin cấp phép một doanh nghiệp, sau đó mở các chi nhánh theo giấy phép đó và hoạt động độc lập với nhau. Đây là lỗ hổng pháp lý mà theo bà Dân cần phải sửa đổi.

Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, đến nay có khoảng 80 doanh nghiệp được cấp phép hoạt động dịch vụ việc làm, chủ yếu tại TPHCM. Trong khi đó, thực tế có khoảng 4.000 doanh nghiệp khi thành lập có đăng ký chức năng hoạt động dịch vụ việc làm.

Tuy nhiên, ông Tào Bằng Huy, Phó Cục trưởng Cục Việc làm, thuộc Bộ Lao động – thương binh và xã hội cho rằng, thị trường lao động chưa phát triển tới mức cần quá nhiều doanh nghiệp dịch vụ việc làm.

“Hệ thống dịch vụ việc làm công là các trung tâm giới thiệu việc làm hiện nay đã đáp ứng được 70 – 80% giao dịch trên thị trường lao động. Các doanh nghiệp chủ yếu tìm nguồn cung lao động cao cấp mới có thể thu được phí”, ông Huy nói.

Xã hội hoá trung tâm giới thiệu việc làm

Hệ thống dịch vụ việc làm hiện nay ở nước ta chủ yếu dựa vào các trung tâm giới thiệu việc làm tại 63 tỉnh, thành phố. Những trung tâm này được xem như một loại hình dịch vụ công, được Nhà nước đầu tư cơ sở vật chất và trả lương cho nhân viên theo biên chế. Sau khi chế độ bảo hiểm thất nghiệp chính thức được thực hiện từ năm 2009 và bắt đầu chi trả chế độ vào năm 2010, các trung tâm giới thiệu việc làm này có thêm chức năng tiếp nhận, chi trả trợ cấp, hỗ trợ học nghề và giới thiệu việc làm miễn phí cho người thất nghiệp.

Chính bởi quan điểm dịch vụ việc làm sẽ dựa chính vào hệ thống các trung tâm giới thiệu việc làm như vậy, nên thực tế, việc đưa ra các điều kiện cấp phép cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này không thực sự cởi mở.

Tuy nhiên, theo ông Tào Bằng Huy, theo định hướng phát triển các trung tâm giới thiệu việc làm, tới đây, hoạt động của những trung tâm này sẽ được từng bước xã hội hoá, nghĩa là sẽ giảm dần yếu tố dịch vụ công so với hiện nay. Nhưng cần phải tính toán lộ trình cụ thể để “thả” những trung tâm này hoạt động theo mục tiêu lợi nhuận.

Như vậy, trong khi thị trường lao động nước ta vẫn còn đang bị chia cắt theo vùng, ngành, cung cầu lao động vẫn chưa được kết nối để gặp nhau, sự lấn cấn trong định hướng phát triển hệ thống dịch vụ việc làm sẽ làm chậm quá trình kết nối cung – cầu lao động.

Ông Tào Bằng Huy khẳng định, nghị định 19 về dịch vụ việc làm sẽ được sửa đổi, nhưng sửa theo hướng nào thì chưa rõ.

Theo Lê Phượng
SGTT