Dạy nghề cho nông dân: Một chặng đường nhìn lại
Những người nông dân đã kể những câu chuyện thành công của mình từ khi được tham gia Đề án dạy nghề cho lao động nông thôn tới năm 2020 (Đề án 1956), đồng thời chia sẻ băn khoăn của họ về tiếp cận vốn vay ưu đãi phục vụ sản xuất
Tối 3/4, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân – Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương thực hiện Đề án 1956, lãnh đạo một số Bộ, ngành đã tham gia Chương trình truyền hình trực tiếp của kênh VTC 16 về đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020. Tại chương trình, những người nông dân đến từ Tuyên Quang, Thanh Hóa, Bến Tre đã kể những câu chuyện thành công của mình từ khi được tham gia Đề án dạy nghề cho lao động nông thôn tới năm 2020 (Đề án 1956), đồng thời chia sẻ băn khoăn của họ về tiếp cận vốn vay ưu đãi phục vụ sản xuất; chính sách hỗ trợ tài chính; thông tin về chọn chương trình học, thời gian học; việc làm sau khi học nghề xong...
Theo 197.160 phút phát sóng – đó là tổng thời lượng các chương trình phục vụ công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn được Kênh VTC16 thực hiện trong hai năm 2011 và 2012.
Các hoạt động thông tin – truyền thông về đề án 1956, cũng như hình thức đào tạo nghề cho nông dân qua truyền hình của Kênh VTC16 luôn được Ban chỉ đạo trung ương thực hiện Đề án 1956 đánh giá cao, và được Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhắc đến như một mô hình tích cực trong hội nghị sơ kết 2 năm triển khai thực hiện đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn hồi đầu năm 2012.
Thứ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Trần Đức Lai khẳng định, Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn là một đề án lớn với quy mô triển khai thực hiện tại toàn bộ 63 tỉnh, thành phố của cả nước, với sự tham gia phối hợp của nhiều bộ, ngành, các Hội và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, với thời gian liên tục trong 10 năm. Mục tiêu của đề án là đào tạo nghề cho lao động nông thôn, giúp họ có tay nghề cao, công ăn việc làm ổn định, nâng cao chất lượng cuộc sống…
Hiện đề án đã thực hiện trong 3 năm (2010-2012), với kết quả đáng khích lệ. Các địa phương đã hỗ trợ dạy nghề cho 1.086.979 lao động nông thôn theo chính sách của Đề án 1956, đạt 77,6% kế hoạch và bằng 16,6% kế hoạch của 11 năm thực hiện Đề án; đào tạo, bồi dưỡng 177.069 lượt cán bộ, công chức xã.
Tổng số kinh phí đã sử dụng: 4.461 tỷ đồng, bằng 17,2% tổng kinh phí thực hiện Đề án này trong giai đoạn 2010-2020.