1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Trà Vinh:

Đầu năm thưởng thức bánh tét ba màu, mỗi đòn nặng cả kí của người Trà Vinh

Bảo Kỳ

(Dân trí) - Bánh tét Trà Cuôn hấp dẫn cả hình thức lẫn hương vị, lớp nếp ba màu bao bọc lớp nhân đậu xanh vàng ươm, bên trong là thịt mỡ, trứng muối, cắn một miếng vị béo bùi lấp đầy trong khoang miệng.

Tại sao có tên gọi bánh tét Trà Cuôn?

Bánh tét là món ăn đặc trưng của người miền Nam trong ngày Tết lẫn ngày thường và cả ngày giỗ chạp. Ở miền Tây bánh tét có nhiều loại: bánh tét truyền thống làm từ nhân đậu xanh và thịt mỡ, bánh tét lá cẩm, bánh tét nhân sâm,... đặc biệt nhất phải kể đến bánh tét Trà Cuôn - đặc sản vùng đất Trà Vinh.

Bánh tét Trà Cuôn xuất phát từ một ấp tên gọi Trà Cuôn thuộc xã Kim Hòa, huyện Cầu Ngang, Trà Vinh, một địa phương có đông đồng bào Khmer sinh sống. 

Đầu năm thưởng thức bánh tét ba màu, mỗi đòn nặng cả kí của người Trà Vinh - 1

Đặc trưng của bánh tét Trà Cuôn là nếp có ba màu xanh - cam - tím hòa quyện vị bùi của đậu xanh, béo của mỡ và đậm đà từ trứng muối và thịt ba rọi (Ảnh: Bảo Kỳ).

Theo lời kể của các bậc cao niên trong ấp, món bánh tét này do một phụ nữ người Khmer là bà Thạch Thị Lết gói bán cho bà con trong xóm. Từ trước năm 1975, khi ấy nhà bà Lết nghèo, đông con quanh năm xoay sở đủ nghề để mưu sinh mà vẫn chật vật. Nhờ vào những đòn bánh tét này, cuộc sống gia đình bà đỡ phần khốn khó, chăm lo con cái. 

Thưởng thức món bánh tét ba màu trứ danh của người Trà Vinh (Clip: Bảo Kỳ).

Đòn bánh tét Trà Cuôn ngày ấy nhỏ và gọn, không "mập mạp, đầy đặn" như bây giờ. Nhân bánh chỉ có nếp, đậu xanh và mỡ, bên ngoài bọc vài tấm lá chuối. Nông dân thường mua bánh mang ra đồng ăn trưa, đỡ phải mang cơm theo. Mới đầu, bà chỉ bán được mười mấy hai mươi đòn nhưng nhờ sự tiện lợi nên bánh đắt hàng hơn, bà Lết bán được cả trăm đòn mỗi ngày. 

Nhiều người thấy bà Lết bán bánh tét "đắt như tôm tươi" bèn học nghề sau đó mở sạp kinh doanh giống bà Lết. Đến nay món bánh tét Trà Cuôn đã tồn tại hơn 40 năm. Cũng vì xuất xứ từ ấp Trà Cuôn nên người dân lấy địa danh này đặt tên cho món bánh tét độc đáo. 

Đòn bánh nặng cả ký

Bánh tét Trà Cuôn ngoài mang hương vị đặc trưng vùng đất Cầu Ngang - Trà Vinh, còn về kích thước khủng của từng đòn bánh. Mỗi đòn bánh chỉ dài hơn một gang tay nếu so với các loại bánh tét như bánh tét lá cẩm, bánh tét truyền thống thì ngắn hơn nhưng đòn bánh tét Trà Cuôn trông đầy đặn, cầm chắc tay hơn hẳn, nếu cân thử thì đòn bánh nặng hơn 1kg. 

Tuy nhiên, lúc bánh tét Trà Cuôn mới "ra đời" đòn bánh không to như thế. Ông Nguyễn Ngọc Thảo (55 tuổi, chủ lò bánh tét Anh Thư) có thâm niên gói bánh tét hơn 15 năm cho biết, công thức làm bánh tét Trà Cuôn ngày một hiện đại và phối trộn nhiều nguyên liệu hơn nên đòn bánh mới to như vậy. 

Đầu năm thưởng thức bánh tét ba màu, mỗi đòn nặng cả kí của người Trà Vinh - 2

Màu nếp được làm hoàn toàn từ màu thực vật, như màu xanh lấy từ nước cốt lá bồ ngót, màu cam từ trái gấc và màu tím của lá cẩm (Ảnh: Bảo Kỳ).

Nếp được chọn là loại nếp sáp Long An, loại nếp này có độ dẻo và bảo quản được lâu. Khác với bánh tét thông thường, nếp làm bánh tét Trà Cuôn không phải xào trước với nước cốt dừa mà chỉ cần vo sạch, để ráo rồi trộn với nước cốt rau bồ ngót để tạo màu và mùi thơm. 

"Màu xanh của bánh không sử dụng lá dứa mà dùng lá bồ ngót giúp làm màu bánh, đây cũng là điểm đặc trưng của bánh tét Trà Cuôn", ông Thảo nói. 

Đậu xanh làm nhân bánh là loại đậu hạt to, tròn đều và được đãi sạch vỏ, nấu chín, quếch mịn. Mỡ heo gói bánh cắt thành miếng dài, góc cạnh vuông vức và tẩm ướp thêm muối, đường, hành lá, ngày nay nhân bánh còn có thêm thịt ba rọi, trứng muối, tôm khô. Từng lớp nguyên liệu được xếp lên nhau rồi bọc lại bằng những miếng lá chuối xanh mướt, cột chặt bằng cọng lạt. 

Trong thời gian gói bánh, trên bếp củi đã bắt sẵn nồi nước, đợi nước sôi cho bánh vào nấu. Nồi nấu bánh chứa được từ 100 đến 150 đòn bánh, nấu liên tục 7-8 tiếng để bánh chín đều thì vớt ra để ráo. 

"Do không xào nếp nên bánh tét Trà Cuôn bảo quản khá lâu, hút chân không xong để được 5-7 ngày, thế nên tôi bán được nhiều nơi xa như TPHCM, Hà Nội...", ông Thảo nói. 

Đầu năm thưởng thức bánh tét ba màu, mỗi đòn nặng cả kí của người Trà Vinh - 3

Bánh tét nấu 7-8 tiếng mới chín (Ảnh: Bảo Kỳ).

Bánh tét xuất ngoại

Từ một món ăn dân dã, bánh tét Trà Cuôn trở thành đặc sản giúp bà con có việc làm ổn định, quanh năm, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động địa phương. Tại ấp Trà Cuôn hiện có 7 hộ theo nghề, mỗi cơ sở sẽ có những bí quyết riêng, điểm chung vẫn giữ được hương vị đặc trưng của bánh tét Trà Cuôn. 

Từ 23 tháng Chạp đến nay, lò bánh tét của ông Thảo luôn đỏ lửa khi gia đình ông cùng 30 nhân công tất bật gói bánh giao cho thực khách. Dự kiến, năm nay cơ sở cung cấp 12.000-15.000 đòn bánh, khách tiêu thụ chủ yếu ở TPHCM, với giá từ 70.000-80.000 đồng/đòn, chỉ tính riêng vụ Tết trừ hết chi phí ông lãi trên 300 triệu đồng. 

Bà Mai Thị Hoàng Loan (chủ lò bánh tét Ba Loan) vui vẻ báo tin, xuân này niềm vui càng thêm nhân đôi khi 30.000 đòn bánh tét tại cơ sở của bà được xuất sang Mỹ vào dịp cuối năm. 

"Bánh tét Trà Cuôn được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng khiến những người con của làng nghề đều phấn khởi. Bánh tét của tôi đã có chứng nhận OCOP 3 sao, tôi đã đăng ký lên 4 sao và đang chờ duyệt", chủ lò bánh Ba Loan chia sẻ. 

Ngày Tết ở miền Tây, ngoài mâm ngũ quả, món ăn truyền thống thì không thể thiếu bánh tét của con cháu dâng lên ông bà, tiên tổ. Mỗi đòn bánh là sự kết hợp của nhiều nguyên liệu được buộc chặt bằng lá chuối, dây lạt thể hiện tinh thần đoàn kết, đùm bọc yêu thương của từng thành viên trong gia đình. 

Dưới mái nhà bao gian khó nhọc nhằn được san sẻ, đó cũng là hạnh phúc. Bằng sự vun vén của mình các thành viên trong gia đình cùng sum vầy để gói chặt chiếc bánh tình quê và giữ chặt những viền mối thân thiết.