Thanh Hóa:

Đào tạo nghề - "cần câu" giảm nghèo cho phụ nữ

Bình Minh

(Dân trí) - Với hàng trăm lớp dạy nghề trong suốt 10 năm qua, Trung tâm dạy nghề phụ nữ tỉnh Thanh Hóa đã giúp cho nhiều phụ nữ khuyết tật, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

Phụ nữ nghèo, khuyết tật được tiếp cận nghề

Để giải quyết việc làm cho lao động, đặc biệt cho lao động nữ nông thôn, năm 2011, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định về việc thành lập Trung tâm dạy nghề phụ nữ tỉnh Thanh Hóa, trực thuộc Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Thanh Hóa.

Sau hơn 10 năm thành lập, đến nay, Trung tâm dạy nghề  phụ nữ tỉnh đã mở hàng trăm lớp dạy nghề, tạo điều kiện cho phụ nữ khuyết tật, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn được tiếp cận với kỹ năng nghề nghiệp. Từ đó họ có thể lựa chọn cho mình một nghề phù hợp với bản thân và điều kiện gia đình để vươn lên phát triển kinh tế, ổn định đời sống.

Đào tạo nghề - cần câu giảm nghèo cho phụ nữ - 1

Nhiều phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn được học nghề tóc miễn phí.

Từ việc khảo sát, thấy được nhu cầu học nghề làm tóc của chị em phụ nữ khá nhiều, từ năm 2018, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Thanh Hóa đã phối hợp với Công ty TNHH LOREAL Việt Nam (Trụ sở tại TP Hồ Chí Minh) mở các khóa đào tạo ngành tóc miễn phí tại Trung tâm dạy nghề phụ nữ Thanh Hóa.

Đối tượng chương trình đào tạo nghề tóc này là hội viên phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, bà mẹ đơn thân, trẻ mồ côi, những phụ nữ không có công việc ổn định và có mức sống thấp, mong muốn thay đổi và ổn định cuộc sống với nghề làm tóc.

Đến nay, Trung tâm dạy nghề phụ nữ đã tổ chức thành công 2 khóa học với gần 30 học viên đã được nhận chứng chỉ hành nghề tóc và mở được các tiệm làm tóc tại địa phương.

Trung tâm đang tiếp tục tổ chức khóa học thứ 3 với hơn 20 học viên tham gia. Toàn bộ chi phí học như tài liệu, nguyên vật liệu thực hành, các dụng cụ hỗ trợ, phục vụ công tác dạy nghề…đều được phía công ty hỗ trợ 100%.

Theo chị Trần Thị Hậu, giáo viên dự án "Làm đẹp để sống - sống để làm đẹp"cho biết, các chị em tham gia lớp học mỗi người một hoàn cảnh khác nhau nhưng hầu hết là khó khăn về kinh tế. Chị em đến đây học sẽ được đào tạo 5 tháng, theo tính toán kinh phí của chương trình là 35 triệu đồng/học viên.

"Qua theo dõi, chúng tôi thấy sau một thời gian ngắn, các chị đã bắt nhịp rất nhanh. Đến lớp học, ngoài được tiếp cận nghề, chị em còn được trang bị kiến thức để khởi nghiệp, quản lý nên ai cũng tự tin và học tập nghiêm túc", chị Trần Thị Hậu.

Hỗ trợ học viên sau đào tạo nghề

The bà Phạm Thị Thúy, Phó Giám đốc Trung tâm dạy nghề phụ nữ Thanh Hóa, đối với hội viên khó khăn, sau khi được đào tạo xong nghề tóc mà có nhu cầu mở tiệm riêng, Hội liên hiệp phụ nữ tỉnh Thanh Hóa sẽ hỗ trợ vay 20 triệu đồng/học viên. Đến nay đã có 9 học viên tiếp cận được nguồn vốn vay, mở được tiệm riêng và kinh doanh hiệu quả với số vốn giải ngân gần 200 triệu đồng.

Ngoài ra, học viên sau khi hoàn thành chương trình học sẽ được giới thiệu đến làm tại các salon với mức thu nhập ổn định.

"Có thể nói, đây là một chương trình rất thiết thực giúp hội viên, phụ nữ có nhu cầu khởi nghiệp, nhưng khó khăn về tài chính được học nghề, có điều kiện để phát triển nghề, tăng thu nhập và ổn định cuộc sống…", bà Phạm Thị Thúy nói.

Theo báo cáo của Trung tâm dạy nghề phụ nữ tỉnh Thanh Hóa, năm 2020, ngoài các lớp dạy làm tóc, hiện Trung tâm phối hợp với Trung tâm ứng dụng khoa học công nghệ và Khoa Chăn nuôi- Trường Đại học Hồng Đức (Thanh Hóa) tổ chức 34 lớp dạy nghề cho khoảng hơn 1.000 hội viên phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn có nhu cầu học nghề.

Các ngành nghề được đào tạo gồm: Thủ công mỹ nghệ; dịch vụ chăm sóc gia đình…Tỷ lệ học viên có việc làm sau học nghề đạt trên 87%. Trên cơ sở đào tạo nghề, học viên được hỗ trợ tư vấn, thành lập các mô hình kinh tế tập thể như: Hợp tác xã sản xuất rau,củ, quả an toàn xã vạn Thắng; Hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp xã Tượng Lĩnh (Nông Cống); Hợp tác xã chăn nuôi tổng hợp Vĩnh Quang (Vĩnh Lộc).

Ngoài ra, để giúp hội viên phụ nữ kết nối thị trường, tiêu thụ sản phẩm sau học nghề, Trung tâm dạy nghề phụ nữ Thanh Hóa đã và đang giới thiệu sản phẩm tại 25 huyện, thị, thành phố….