Cô sinh viên bán đồ sida kiếm 50 triệu/tháng
Một chiếc áo sơ mi 100.000-150.000 đồng, váy chưa đến 200.000 đồng hay áo khoác dạ cũng chỉ 250.000-350.000 đồng,... mỗi ngày bán cả trăm chiếc như vậy, cô sinh viên kinh doanh hàng thùng kiếm 40-50 triệu đồng/tháng.
Đồ hiệu châu Âu giá... vài chục ngàn
Tốt nghiệp cấp 3, với đôi tay khéo léo và niềm say mê hội họa, Nguyễn Thu Trang (sinh năm 1993) thi đỗ Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội với số điểm khá cao. Ngay khi là sinh viên, Trang đã đặt ra quyết tâm: phải tự kiếm tiền để phục vụ chi tiêu cá nhân.
Thấy nhiều sinh viên buôn bán quần áo, phụ kiện điện thoại, mỗi tháng lãi từ 3-4 triệu đồng, Trang cũng ham. Nhưng với cá tính của một sinh viên Mỹ thuật, cô không muốn mình đi theo lối mòn của người khác.
Một lần tình cờ đến khu chợ Đông Tác (Kim Liên, Hà Nội), Trang bị choáng ngợp trước sự độc đáo và màu sắc của những món hàng cũ (hay thùng, hàng second-hand, hàng sida). Từ quần áo, giày dép, túi xách cho đến gấu bông, phụ kiện làm đẹp,... được bày la liệt, mẫu mã phong phú. Bất ngờ hơn, giá của chúng khá rẻ, chỉ bằng 1/10 giá đồ mới.
Điều đặc biệt, mỗi món đồ chỉ có duy nhất một chiếc, không lo bị đụng hàng. Nếu khéo kết hợp có thể cho ra nhiều set đồ bắt mắt, giá chưa bằng một chiếc áo/quần mới mua ngoài tiệm.
Đặc biệt, do có con mắt thẩm mỹ và biết cách chọn, Trang phát hiện ra lẫn trong đống đồ tưởng chừng vứt đi này là cơ số những món “hàng hiệu” xịn, có nhãn mác tên tuổi như Mango, Zara, H&M,... xuất xứ từ châu Âu, Hàn, Nhật hay “bèo” nhất cũng là đồ nội địa Trung Quốc. Có những chiếc áo khoác dạ hoàn toàn được khâu tay, đẹp sắc sảo, mới tinh,... mà giá bán ở shop là vài triệu đồng.
Từ phòng trọ 20m2 đến cửa hàng nổi tiếng
Cô sinh viên cá tính nghĩ đến chuyện kinh doanh. Từ những buổi chiều nhặt nhạnh, xem xét tỉ mỉ từng chiếc áo, chiếc váy, gom lại thành từng bao tải to, Trang chở trên chiếc xe đạp mini cọc cạch về nhà trọ, phân loại cẩn thận.
Đồ cũ được cô thuê giặt ủi sạch sẽ, sửa sang, là lượt phẳng phiu rồi chụp ảnh rao bán trên facebook. Giá mỗi món trung bình là 100.000-150.000 đồng, áo dạ từ 200.000-300.000 đồng/chiếc - khá hợp lý cho sinh viên và người có thu nhập thấp. Thậm chí, những người có điều kiện nhưng mê đồ độc cũng tìm đến Trang.
Với số lãi kiếm được, từ căn phòng trọ chưa đầy 20m2, Trang dành dụm đủ tiền thuê hai căn nhà tại khu đường Láng đông sinh viên để mở cửa hàng. Nhờ mặt bằng rộng rãi, cô nhập và bày bán nhiều mẫu hơn, lượng khách nhờ đó cũng tăng theo. Không chỉ bán cho khách Hà Nội, Trang còn bán hàng cho khách khắp các tỉnh thành.
Trang thật thà: “Em đã dồn hết tâm huyết của mình vào chúng, làm việc một cách say mê và nghiêm túc. Em không mua bừa số lượng lớn bao tải quần áo đã đóng gói như những nơi khác, mà chính tay mình tỉ mỉ lựa chọn từng chiếc một, đảm bảo dù là đồ cũ nhưng vẫn chất lượng”.
Điểm khác biệt lớn nhất chính là sự đầu tư công sức và thời gian. Sau khi giặt ủi cẩn thận, Trang còn thuê người mẫu chụp ảnh sản phẩm. “Không chỉ giá hợp lý mà món đồ còn phải xứng đáng với số tiền người mua đã trả để đem lại sự hài lòng cho khách”, cô nói.
Khó khăn đầu tiên khi Trang khởi nghiệp chính là sự phản đối của gia đình. Cô kể: “Bố mẹ không thích em buôn bán vì gia đình đủ khả năng nuôi con ăn học, nhưng vì quá ham nên em quyết theo đến cùng. Sau một năm chứng tỏ được bản thân, gia đình đã hiểu và thông cảm. Cả nhà em còn cùng xuống Hà Nội để giúp đỡ con gái.”
Công việc kinh doanh bận rộn, cộng thêm việc học ở trường khiến Trang sụt mất gần 5 ký, lúc nào cũng trong tình trạng thiếu ngủ. Cũng may, bên cô luôn có bạn bè và lượng lớn khách quen động viên giúp đỡ nên cô sớm lấy lại được tinh thần.
Hiện với hai cơ sở cùng gần 20 nhân viên, trung bình mỗi ngày cửa hàng của Trang tiếp 100-200 lượt khách, lãi lên đến 50 triệu đồng/tháng. Trừ hết chi phí, Trang có thể tự lo trả học phí và sinh hoạt cá nhân, còn dư gửi tiết kiệm hay mua sắm cho gia đình.
Theo Hiền Bùi/Vietnamnet.vn